Loạn giá mua máy xét nghiệm COVID-19:
Thiếu vai trò giám sát của ngành y tế?
Cập nhật lúc 15:47
Sự loạn giá mua
máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 tại nhiều địa phương được TS Nguyễn Việt
Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu), Bộ
Kế hoạch và đầu tư - lý giải và chỉ ra nguyên nhân.
Cán bộ xét nghiệm CDC Quảng Ninh chuyển giao kỹ
thuật xét nghiệm COVID-19 cho một số bệnh viện trong tỉnh - Ảnh: CDC Quảng
Ninh
Ông Hùng nói: "Chỉ định thầu
thiếu giám sát tạo ra một vòng tròn khép kín, dẫn đến khả năng nhà thầu kê
khống giá máy xét nghiệm COVID-19, rồi được tiếp tay, làm thất thoát hàng tỉ
đồng tiền thuế của dân".
“Mua máy bằng tiền thuế của dân thì phải có bàn tay của Nhà nước trong
kiểm soát giá, phải thuê tư vấn thẩm định giá độc lập để kiểm tra mặt bằng
giá bán thiết bị trên thế giới và trong nước, chứ không thể buông lỏng quản
lý.
Có những lỗ hổng
* Theo ông, nguyên nhân cơ
bản nào dẫn tới tình trạng mỗi địa phương mua máy xét nghiệm COVID-19 một giá
thời gian qua? Điều này quá vô lý?
- Để rút ngắn thời gian mua sắm, cung
ứng nhanh chóng các máy xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác chống dịch tại
địa phương, theo Luật đấu thầu, các địa phương được quyền chỉ định thầu mua
sắm thiết bị, hóa chất, vật tư y tế. Nhưng thực trạng mỗi địa phương chỉ định
thầu mua máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 một giá, cao gấp nhiều lần giá
nhập khẩu khoảng 2-3 tỉ đồng/máy là do cơ quan quản lý nhà nước ngành y tế
không có định hướng về giá cho các địa phương thực hiện.
Thiếu vai trò giám sát, quản lý của
Bộ Y tế nên không có một mặt bằng giá trong mua sắm máy xét nghiệm COVID-19
là đương nhiên. Bởi các doanh nghiệp cung cấp máy xét nghiệm COVID-19 có
nguồn nhập khẩu thiết bị khác nhau, chất lượng khác nhau nên họ sẽ chào giá
bán máy xét nghiệm khác nhau.
Thiết bị y tế là mặt hàng chuyên
dụng, nhưng cơ quan quản lý ngành y tế không thực hiện vai trò quản lý thị
trường trang thiết bị y tế dẫn tới việc doanh nghiệp muốn bán bao nhiêu thì
bán. Vì lợi nhuận, doanh nghiệp nhập khẩu một nhưng bán gấp 2-3 lần cũng
không ai giám sát để ngăn chặn những tiêu cực. Hạn chế của việc chỉ định thầu
trong mua sắm tài sản công là chỉ có một người bán, một người mua nên rất dễ nảy
sinh tiêu cực, trục lợi, tham nhũng.
* Việc xác định chính xác giá
mua máy Realtime PCR xét nghiệm COVID-19 trước khi lập dự toán mua thực ra
không quá khó so với năng lực của sở y tế các địa phương?
- Xác định giá nhập khẩu máy Realtime
PCR xét nghiệm COVID-19 trên thị trường không khó, nhưng cơ quan quản lý
ngành y tế đã không hướng dẫn kịp thời nên sở y tế các địa phương khi mua máy
không có cơ sở để đối chiếu. Sở y tế các địa phương hoàn toàn có thể tham
khảo giá mua máy từ các hãng sản xuất trước khi trình lãnh đạo tỉnh ký phê
duyệt giá chỉ định thầu mua máy. Nhưng một số nơi đã không làm.
Câu hỏi đặt ra khi đã có lãnh đạo
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) bị bắt, là có phải
nhà thầu bán chênh được vài tỉ đồng thì phải có phần của một số công chức
tham gia quá trình mua thiết bị?
TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu
* Vẫn còn những lỗ hổng dẫn
tới thất thoát tiền thuế của dân khi nhiều địa phương có thể lách các quy
định khi chỉ định thầu, rồi mua sắm thiết bị?
- Theo quy định của Luật đấu thầu thì
sở y tế địa phương sẽ chọn phương pháp lấy báo giá của 3 doanh nghiệp cung
cấp máy xét nghiệm COVID-19, sau đó sẽ chọn doanh nghiệp có báo giá thiết bị
thấp nhất để lập dự toán mua máy (thực tế cao gấp nhiều lần giá thị trường),
sau đó sẽ chỉ định thầu thấp hơn dự toán được lập để mua máy xét nghiệm.
Thực tế dự toán giá mua máy xét
nghiệm COVID-19 được các địa phương phê duyệt trong thời gian qua, cần làm rõ
xem có phải không có nhiều ý nghĩa khi các bên liên quan cố tình lách luật để
trục lợi. Các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế có thể đã bắt tay với nhau
để nâng giá bán sản phẩm ngay từ khâu báo giá cho các sở y tế. Vì thế phương
pháp sử dụng 3 bảng báo giá của 3 nhà thầu khác nhau để xác định giá mua máy
xét nghiệm sẽ không chính xác.
Vì không có ai quản lý, giám sát quá
trình chỉ định thầu mua máy xét nghiệm COVID-19 nên việc các địa phương xác
định giá mua máy xét nghiệm sai không bị phát hiện. Chỉ đến khi có đơn tố cáo
CDC Hà Nội có gian lận trong đấu thầu, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ
án, các địa phương mới giật mình điều chỉnh giảm giá mua máy xét nghiệm
COVID-19 để trốn tránh trách nhiệm.
Về hình thức thì các địa phương chỉ
định thầu mua máy xét nghiệm COVID-19 thời gian qua không sai, họ đã chỉ định
giá mua máy xét nghiệm không cao hơn giá gói thầu, nhưng bên trong lại có thể
có tiêu cực khi giá gói thầu được lập cao hơn nhiều lần giá trên thị trường
và gây thiệt hại cho Nhà nước.
Cần phát huy vai trò Bộ Y tế
* Chúng ta cần làm gì để ngăn
chặn những tiêu cực tương tự trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế?
12-16 ngàn
tỉ đồng Đó là số tiền để mua sắm trang thiết bị y
tế và thực hiện một số chế độ đặc thù khi phòng chống dịch trong tổng dự kiến
tăng chi 52.000 tỉ đồng của Chính phủ ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
- Khi các địa phương đồng loạt chỉ định thầu mua máy
xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế hoàn toàn có thể ra một thông báo giá mua máy
Realtime PCR không vượt quá 3 tỉ đồng, bộ làm vậy thì sở y tế các địa phương
không thể duyệt dự án mua máy lên tới 7 tỉ đồng được. Thực tế, quá trình mua
máy xét nghiệm COVID-19 thời gian qua các địa phương không có cơ sở để đối
chiếu giá nên nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong chỉ định thầu rất lớn.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội,
Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam... phê duyệt kế hoạch đấu thầu, giá mua máy
xét nghiệm COVID-19 theo báo cáo do sở y tế trình lên. Sở y tế lại dựa trên
báo giá của 3 doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị máy xét nghiệm Realtime
PCR để trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt giá mua.
Về hình thức rất hợp lệ. Có thể thấy
giá mua máy xét nghiệm COVID-19 được các tỉnh thành phê duyệt hoàn toàn phụ
thuộc báo giá của chính các nhà thầu. Nên vì lợi nhuận các nhà thầu cố tình
bắt tay nhau nâng giá là điều không tránh khỏi. Đây là một vòng tròn luẩn
quẩn dẫn đến nguy cơ thất thoát tiền thuế của dân.
Chủ đầu tư (sở y tế các địa phương)
nếu công tâm thì trước khi thực hiện các gói thầu mua máy xét nghiệm
COVID-19, họ phải tham khảo các kết quả đấu thầu trước đó. Đã có một vài địa
phương như Quảng Bình, Quảng Trị mua máy xét nghiệm chỉ có giá khoảng 1,6 tỉ
đồng, trong khi nhiều tỉnh thành lại phê duyệt giá mua máy lên tới hơn 7 tỉ
đồng, rất vô lý.
* Luật đấu thầu đã quy định
việc mua sắm thiết bị y tế tập trung, theo ông, vì sao chúng ta chưa làm được?
- Đấu thầu tập trung về lý thuyết rất
tốt, nhưng nói dễ làm khó. TP.HCM năm 2018 đã phải hủy đấu thầu tập trung mua
vật tư y tế vì không thực hiện được. Đặc thù của lĩnh vực y tế là mua thiết
bị, vật tư chậm một tháng thì người bệnh không chờ được. Mặt khác, việc đấu
thầu tập trung sẽ loại bỏ cơ hội của các nhà thầu nhỏ trong nước, chỉ tạo điều
kiện cho một vài nhà thầu lớn nên không tạo ra một sân chơi công bằng.
Đại diện vụ trang thiết bị và công trình y
tế, bộ y tế:
"Lãnh đạo UBND cấp tỉnh quyết định mua
máy"
Mua máy xét nghiệm COVID-19 thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp
tỉnh, thành phố; còn hướng dẫn của Bộ Y tế là hướng dẫn về chuyên môn, sử
dụng loại máy nào, hóa chất nào, vật tư nào để thực hiện phòng chống dịch
bệnh. Hơn nữa, trong mua sắm công, Luật đấu thầu đã quy định rất rõ rồi, bộ
không thể can thiệp được.
Bộ Y tế
cũng đã có những cảnh báo với các địa phương rồi. Đơn vị nào vi phạm quy định
pháp luật đấu thầu phải tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư
có cả một trang thông tin điện tử chuyên phục vụ việc đăng tải công khai tất
cả thông tin đấu thầu, kết quả đấu thầu trên đó, nếu các địa phương cần có
thể tham khảo giá trên đó. Máy chống dịch cũng là máy PCR, chứ có gì đặc biệt
đâu.
(Theo Tuổi trẻ) NGỌC thực hiện
|
Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét