Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Ngôi nhà huyền thoại, nơi ra đời tài liệu 'Tuyệt đối bí mật' của Bác

Cập nhật lúc 07:43

                 

Trong cuộc đời 79 mùa xuân, Bác Hồ đã ở và làm việc nhiều nơi nhưng lâu nhất là khu Phủ Chủ tịch (từ 19/12/1954 đến 2/9/1969).

Trong 15 năm ấy, Người sống và làm việc ở nhà sàn nhiều nhất (từ 19/5/1958 đến 17/8/1969).
Từ ngày 17/8/1969, do điều kiện sức khoẻ của Người, các bác sĩ đề nghị Người không lên xuống nhà sàn nữa, Người đã xuống ở căn nhà được xây dựng năm 1967.


Nhà 67, nơi ở và làm việc của Bác những ngày tháng cuối đời. Ảnh: Phạm Hải

Tại đây, dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng Người đã ra đi lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 sau một cơn đau tim.
Chọn đúng giờ đẹp nhất trong ngày
Chuẩn bị cho sự ra đi này, từ năm 1965, khi còn ở nhà sàn, Bác đã chọn đúng giờ đẹp nhất trong ngày, chọn đúng lúc sức khoẻ tốt nhất trong những năm đó để viết Di chúc, mà Bác gọi rất giản dị là “Tài liệu”, là “Thư”, là “Mấy lời để lại”.


Nhà sàn Bác Hồ luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Phạm Hải

Mở đầu bài viết, Bác ghi rõ “Nhân dịp 75 tuổi” và phía bên lề trái, Bác ghi chú thêm hàng chữ “Tuyệt đối bí mật”.
Những lúc thảo tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, Bác đã ngồi ở chiếc ghế mây để viết hoặc ngồi đánh máy ở chiếc bàn gỗ được kê trong phòng làm việc ở tầng hai nhà sàn.
Trong hồi ký, ông Vũ Kỳ (nguyên thư ký riêng của Bác) viết: “Đúng 9h, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn...
Chính vào giờ phút đó Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu 'Tuyệt đối bí mật' để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau”.
Đó là ngày 10/5/1965, ngày đầu tiên Bác viết Di chúc. Rồi những ngày tiếp theo của tháng 5 năm ấy hay những ngày trung tuần tháng 5 của các năm sau cũng vậy, Bác viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc ở phòng làm việc nhà sàn.


Phòng làm việc ở nhà sàn. Ảnh: Phạm Hải

Ngày 19/5/1969, Bác xem lại Di chúc: “Đúng 9h, Bác ngồi vào bàn làm việc với bản Di chúc trước mặt. Bên ngoài nắng đã lên cao. Những chùm hoa phượng nở sớm, bắt nắng khoe màu rực rỡ.
Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, lấp lánh ánh mặt trời. Một làn gió mát rượi ùa vào khung cửa sổ làm bay bay những sợi tóc bạc của Bác. Bác ngồi đó, tựa lưng vào thành ghế thoải mái, ung dung, nét suy tư hiện lên trên vầng trán rộng...”.


Ảnh: Phạm Hải

Ngày 20/5/1969, “Người xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi”.
Ngày 8/5/2004, khi chúng tôi vào thăm ông Vũ Kỳ ở bệnh viện Hữu Nghị, dù rất mệt, ông vẫn kể lại chuyện này như vừa được chứng kiến.
Ngôi nhà sàn lộng gió thời đại. Bác ung dung, thư thái viết ra những điều Bác đã suy nghĩ, đúc kết, những kinh nghiệm mà bằng cả cuộc đời phấn đấu hy sinh Bác thu lượm được. Những điều đó quý giá biết nhường nào.
Di chúc của Bác là tài sản tinh thần vô giá Bác trao cho thế hệ chúng ta hôm nay, cũng như các thế hệ mai sau. Ngôi nhà sàn vì vậy đã đi vào huyền thoại trong cái huyền thoại chung của cuộc đời Bác Hồ và ngày càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc.
Những di vật lịch sử
Kỷ vật gắn với sự ra đời bản Di chúc lịch sử Bác Hồ để lại còn là phòng làm việc tầng 2 nhà sàn, là bộ bàn ghế Bác vẫn thường ngồi làm việc và đã ngồi để thảo Di chúc, là chiếc giá sách trên đó Bác đã từng cất tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.






 Những di vật lịch sử đã tồn tại cùng với ngôi nhà sàn Bác đã ở và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch. Ảnh: Phạm Hải

Ngoài ra, còn có chiếc máy chữ Bác đã dùng đánh văn bản và đánh Di chúc (bản năm 1965), những chiếc bút Bác đã dùng để viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc, chiếc phong bì Bác đựng tài liệu “Tuyệt đối bí mật”... Tất cả đều là những di vật lịch sử, đã tồn tại cùng với sự tồn tại của ngôi nhà sàn, trong thời gian và không gian Bác đã ở và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch.


Ô tô (Pô-Bê-Đa) Chính phủ Liên Xô tặng năm 1955 đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Hải


Xe ô tô Peugeot 404 Việt kiều Pháp tặng năm 1964 đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Hải

Chúng đã trở thành những vật chứng thiêng liêng, chứng kiến những hoạt động cụ thể của Bác Hồ, chứng kiến những suy nghĩ sâu sắc được Bác nghiền ngẫm, chắt lọc để rồi được hiện hữu thành di sản văn hoá cho muôn đời sau, không chỉ cho các thế hệ người Việt Nam mà còn cho cả nhân dân yêu lao động, hoà bình, công lý trên thế giới./.

Trần Thị Thuấn (cán bộ Phòng S­ưu tầm - Kiểm kê - Tư­ liệu, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch)
Theo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét