Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

Khi niềm tin chưa đủ
Cập nhật lúc 10:01   

Không biết có nói quá nếu cho rằng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của xã hội ngày nay. Bởi nhà nào chẳng có con trẻ sẽ, đã và đang đi trên con đường mênh mang, xa tắp của học vấn, là hi vọng của tương lai.
Một thời xa vắng khi đất nước còn muôn vàn khó khăn nhưng niềm tin vào nền giáo dục nói chung, vào ngành giáo dục nói riêng như sự tất yếu, không mấy khi bàn cãi. Nay thì giáo dục luôn luôn xuất hiện những chuyện khiến dư luận bất an và niềm tin dần bị xói mòn.
Năm trước một loạt địa phương miền núi phía Bắc phát lộ gian lận thi cử từ chính những người vận hành kì thi khiến dư luận rúng động. Lẽ ra việc điều tra, xử lí tiến hành rốt ráo, nghiêm minh, xử lí đúng người đúng tội sẽ phần nào lấy lại chút niềm tin. Thế nhưng vụ việc cứ như “trồi lên rồi lại tụt xuống”, mỗi nơi hành xử một tầm mức khác nhau, thậm chí có lúc như chìm đi khiến nhiều người thêm mất đi niềm tin rằng vụ việc sẽ được trị tận gốc, làm rõ bản chất sự hối lộ, mua bán điểm. Nếu chính học sinh cũng mất niềm tin vào những kì thi thì vô cùng nguy hại! 


Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang có lúc như chìm xuống khiến dư luận nghi ngờ

Cũng liên quan đến chuyện tiêu cực kì thi năm trước, gần đây Bộ GD&ĐT ra Quyết định số 245/QĐ-BGDĐT về việc thành lập hội đồng kỉ luật công chức và Thông báo số 878/TB-BGDĐT về việc xem xét xử lí kỉ luật với 13 công chức của Bộ có trách nhiệm trong việc xảy ra gian lận thi THPT quốc gia năm trước. Thế nhưng chỉ hai tuần sau, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã hủy bỏ quyết định và thông báo chính mình ban hành nêu trên khiến dư luận ngạc nhiên. Phải chăng vì gần nửa trong số 13 công chức có trách nhiệm trên là thanh tra giáo dục nên đủ lí lẽ “bẻ lại” được cấp trên? Những “bùng nhùng” nội bộ này đã tiếp tục “hạ điểm” tín nhiệm vào một cơ quan cao nhất vận hành nền giáo dục nước nhà.
Gần đây nhất, việc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại Sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại khiến dư luận thêm một lần ngỡ ngàng. Thì ra bộ sách có hành trình hơn 40 năm được gần triệu học sinh ở 48 tỉnh thành sử dụng, được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao nay lại bị cả 15/15 thành viên hội đồng xếp vào loại “không đạt” với hàng tá nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ! Bộ sách này từng bị loại ra vào năm 2000 rồi “phải” trở lại vào 2006 khi nạn “ngồi nhầm lớp” diễn ra phổ biến. Lần loại ra thứ 2 của bộ sách này liệu có “ngày tái hồi”?  


Tài liệu Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Những năm qua, ngoài việc nội dung chương trình giáo dục được coi là quá tải với học sinh thì sách giáo khoa cũng là một gánh nặng với phụ huynh, khi mà năm nào cũng phải mua mới, không thể dùng lại vì sách liên tục chỉnh sửa. Liệu có ai dám khẳng định những bộ sách được Hội đồng quốc gia thẩm định duyệt đạt vừa qua sẽ giữ được sức sống hàng chục năm như sách của GS Hồ Ngọc Đại, hay rồi lại sớm phải chỉnh sửa, in lại? Dư luận đã có ý kiến rằng cần “thẩm định” lại Hội đồng thẩm định và nghi ngại thành phần hội đồng “có người” của Nhà xuất bản giáo dục!
Khi mà niềm tin chưa đủ thì sức thuyết phục của những quyết sách sẽ vô cùng khó khăn!/.
(Theo dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét