Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Ai là người chịu trách nhiệm khi biết lỗ vẫn 'làm' dự án Cát Linh - Hà Đông?

Cập nhật lúc 14:08

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ kéo dài lỗi phần lớn do Tổng thầu EPC Trung Quốc, nhưng để xảy ra nhiều sai sót trong thẩm định, đấu thầu, phê duyệt điều chỉnh lại là trách nhiệm của Bộ GTVT. 



Chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý dự án đường sắt đô thị là một trong những lý do để xảy ra nhiều sai sót liên quan đến dự án Cát Linh - Hà Đông. Ảnh Ngọc Thắng

 Chủ đầu tư nhiều lần vượt thẩm quyền

Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, nhưng giai đoạn từ khi phê duyệt tới 2014, Bộ lại giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, trong khi Cục này yếu kinh nghiệm chuyên môn, thiếu cả về nhân lực. Ban quản lý dự án đường sắt, đại diện chủ đầu tư dự án, cũng có nhiều quyết định chưa phù hợp với thẩm quyền.
 Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt hình thức quản lý dự án “chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án” chưa phù hợp điểm b, khoản 1, điều 35, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ, do chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý dự án đường sắt đô thị có quy mô và công nghệ tương tự. Chủ đầu tư không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định tại điều 26, Nghị định 16.
Bộ GTVT cho phép Ban quản lý dự án đường sắt giao Tổng thầu EPC Trung Quốc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công giai đoạn từ 28.10.2015 đến ngày 18.8.2016 là chưa phù hợp thẩm quyền. 


Dự án Cát Linh - Hà Đông đến thời điểm này vẫn chưa hẹn ngày về đích Ảnh Ngọc Thắng


Đáng chú ý, thiết kế kỹ thuật của dự án chưa phù hợp đã dẫn đến phải điều chỉnh ở bước thiết kế bản vẽ thi công, như điều chỉnh đóng cọc khoan nhồi ở hạng mục nhà điều hành trung tâm, điều chỉnh cọc ở hạng mục xử lý nền đất yếu tuyến ra vào, làm phát sinh thêm nhiều chi phí...
Đặc biệt, về công tác lựa chọn nhà thầu, KTNN đánh giá, Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát theo hình thức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà thầu Trung Quốc. Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu và phê duyệt trúng thầu trước khi được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc để thanh toán cho gói thầu này, chưa đúng quy định của luật Đấu thầu.

Ai chịu trách nhiệm chính?

 KTNN cũng chỉ ra hàng loạt sai sót khác của chủ đầu tư trong phê duyệt dự toán, khi sử dụng kết quả thẩm định giá vật tư thiết bị của đơn vị tư vấn thẩm định giá VVFC, trong khi báo cáo thẩm định giá còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, công tác quản lý chi phí đầu tư còn nhiều tồn tại, dẫn đến sai lệch khối lượng, đơn giá...
KTNN đề nghị tổ chức kiểm điểm, xác định làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhânđể xảy ra sai sót trong tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án một số hạng mục xây lắp, vật tư, thiết bị còn nhiều sai sót; ký phụ lục hợp đồng số 11, thương thảo bổ sung 21,07 triệu USD chi phí xây dựng tăng thêm thiếu cơ sở pháp lý...
 Đặc biệt, KTNN cũng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (vượt 10.000 tỉ đồng), tại Quyết định 513/QĐ-BGTVT ngày 23.2.2016, khi chưa báo cáo Thủ tướng xem xét và xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư.
Theo tìm hiểu, trách nhiệm liên quan đến các sai sót này, nếu tính theo thời điểm, chủ yếu liên quan trực tiếp đến Bộ GTVT, bộ trưởng và các thứ trưởng phụ trách dự án, Ban quản lý dự án đường sắt và Cục Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016.
Giai đoạn này, Bộ trưởng GTVT là ông Đinh La Thăng, Thứ trưởng phụ trách trực tiếp dự án là ông Nguyễn Hồng Trường.
Về Ban quản lý dự án đường sắt trước đó thuộc quản lý của Cục Đường sắt Việt Nam, nhưng từ tháng 8.2014, do quản lý yếu kém của Cục Đường sắt, Bộ GTVT đã sáp nhập Ban quản lý các dự án đường sắt (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) và Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam về làm một là Ban Quản lý dự án đường sắt và điều chuyển về Bộ quản lý trực tiếp.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt giai đoạn này cũng có nhiều biến động. Ông Trần Văn Lục giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt từ năm 2011 đến 2014 (trước đó ông này là Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - VNR từ năm 200 đến năm 2009).
Đáng chú ý, ông Trần Văn Lục năm 2014 cùng với nhiều Phó tổng giám đốc VNR đã bị khởi tố về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn do liên quan đến nghi án nhận hối lộ của Công ty tư vấn giao thông JTC (Nhật Bản) tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

(Theo Thanh Niên) Mai Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét