Cần 'trị' con người trước khi
'cứu' thiên nhiên
Cập nhật lúc 09:45
Một
dự án mang tên du lịch sinh thái đã lọt lòng ngay giữa vùng lõi rừng quốc
gia. Đó là thực tế cụ thể nhất, sáng rõ nhất mà cũng bất chấp, thách thức mọi
khuyến nghị ảnh hưởng môi trường.
Ngày 24/9/2019,
trước kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74, Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo trên toàn cầu lên tiếng ủng hộ sự ra đời của
một bản thỏa thuận mới khẩn cấp về con người và thiên nhiên.
Trong một thước phim ngắn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:
“Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh
hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý
tài nguyên, bảo vệ môi trường ở vị trí quan trọng trong nghị quyết và định
hướng phát triển”.
Với thế giới, đó là bản thỏa thuận khẩn cấp.
Với chúng ta, là cam kết mạnh mẽ “đặt quản lý tài nguyên, bảo vệ
môi trường ở vị trí quan trọng” nhưng là trong... nghị quyết. Còn thực tế,
liệu có quyết liệt thực thi?
Thực tế, 13 năm trước, các nhà khoa học đã cực lực phản đối dự án
du lịch Tam Đảo II bởi thảm rừng đặc trưng cho kiểu rừng kín nhiệt đới ẩm gió
mùa ở vùng núi cao trung bình, còn giữ được nguyên sơ, là lá phổi của toàn
miền Bắc. Hội Bảo vệ thiên nhiên và con người Việt Nam, năm 2006 cũng
gửi công văn phản đối dự án Tam Đảo II lên các bộ ngành, UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhiều tiếng nói nhân dân mong muốn “Save Tam Đảo” - tên của một
nhóm bạn trẻ thành lập năm 2018 nhằm kêu gọi bảo vệ Vườn quốc gia Tam Đảo...
không chỉ khoanh vùng trong một dự án mà còn là trách nhiệm cộng đồng trước
tài nguyên quốc gia, bảo vệ di sản núi rừng, biển cả...
Và cũng là thực tế, chiều 27/12/2016, ngay tại Khu di tích danh
thắng Tây Thiên, Tam Đảo, dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II, hạng mục
nhà ga cáp treo đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc và tập đoàn Sun Group tổ chức lễ
khởi công.
Một dự án mang tên du lịch sinh thái đã lọt lòng ngay giữa vùng
lõi rừng quốc gia. Đó là thực tế cụ thể nhất, sáng rõ nhất mà cũng bất chấp,
thách thức mọi khuyến nghị ảnh hưởng môi trường, khuyến cáo tác động đến danh
thắng Tây Thiên. Trong tổ hợp “du lịch sinh thái” ấy, tôi thấy có các “tổ
viên” như biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng, vườn thực vật đi kèm khu thương mại,
khu khách sạn, khu resort...
Sực nhớ câu quảng bá trên trang web của Tập đoàn Sun Group về Sun
Group Sapa, đại ý sau khi sản phẩm nghỉ dưỡng ven biển đã bão hòa thì “các
ông lớn của thị trường bất động sản đã chuyển hướng sang đầu tư sản phẩm biệt
thự núi”.
Cứ thế, những dự án bất động sản, khu nghỉ dưỡng (hẳn nhiên là
cao cấp) như có đôi hài bảy dặm, quét từ cảng biển đến dọc bờ biển, leo chễm
chệ lên núi, bạt rừng ngăn suối, ngạo nghễ nắm ngọn cờ “cú hích cho ngành du
lịch - dịch vụ”, “thu hút đầu tư”, “tăng trưởng kinh tế"... Còn chu
trình bồi lấp của cát biển ven bờ bị phá vỡ, những vùng cát bị xói lở hay cấu
trúc rừng cùng sự đa dạng sinh học về thành phần loài thích nghi hầu như
không được chú trọng, không được gọi tên.
Cảnh đẹp hồ Xạ Hương Tam Đảo liệu tồn tại được bao lâu nữa?
Một môi trường thiên nhiên biển, rừng bị tàn phá.
Và một môi trường xã hội - nơi một phần được vận hành, điều
khiển, quyết định bởi những con người có chức trách quản lý, bảo vệ môi
trường thiên nhiên lại đột nhiên “đóng cửa” mọi thông tin.
Cụ thể, với dự án Tam Đảo II, đâu là ranh giới vùng lõi phải được
bảo vệ tuyệt đối của dự án này trong tổng thể Vườn quốc gia Tam Đảo? Báo cáo
đánh giá tác động môi trường của dự án? Các biện pháp thi công, xử lý, an
toàn lao động để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và khu vực rừng
nguyên sinh? Hiệu quả đầu tư và đóng góp ngân sách dự kiến so với tổn thất về
mặt môi trường và hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng/phá hủy?
Sự lảng tránh, im lặng của các cơ quan công quyền trước những đòi
hỏi “quyền được tiếp cận thông tin” của nhân dân (trong đó có báo chí) trong
một dự án do tư nhân khai thác, xây dựng, hoạt động ngay trên khu vực rừng
quốc gia, sẽ buộc phải được hiểu rằng, “tiếng nói” thật sự, “phát ngôn” quyền
lực đang thuộc về... “ông trời”! Thói “vâng lời” lại thuộc về những kẻ hạ
giới.
Hình như, cái bản thỏa thuận khẩn cấp toàn cầu mà Thủ tướng vừa
lên tiếng ủng hộ lại cần “trị” con người - những quan chức “câm lặng” kia -
trước khi “cứu” thiên nhiên.
Còn thiên nhiên, từ Bà Nà, Sơn Trà, Tam Đảo, Sa pa... lại chưa
bao giờ biết đọc... nghị quyết!
(Theo Phụ nữ
TPHCM) Ái Mỹ
|
Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét