Điều tra độc quyền: Sun Group, Địa
Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo
Cập nhật lúc 16:27
Khi
được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu thông tin về dự án của Tập đoàn Sun Group tại
rừng quốc gia Tam Đảo - Tam Đảo II, có giá trị 25.000 tỷ đồng, chúng tôi đã
lạc vào 'rừng thông tin' chính thống và không chính thống.
Lời tòa soạn: Từ
Vườn Quốc gia Tam Đảo đến núi Bà
Nà, núi rừng tan nát, chim muông cây cỏ bị thiêu rụi bởi mặt trời,
nhưng mặt trời không phải từ trên cao, mà từ Sun Group (Tập đoàn Mặt trời).
Họ phá núi, đốn rừng, mở đường
để dựng bê tông, xây khu vui chơi, đặt trạm kiểm soát, thu tiền. Sun Group
xứng đáng được gọi là "trời", bởi được che chắn từ hạ giới có tên
là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Và vẫn “bổn cũ soạn lại”, một mớ
hư hư thực thực: trấn yểm long mạch, khởi phát tâm linh… đẻ ra từ liên kết
giữa thầy chùa biến thái với doanh nghiệp hòng lùa người ta vào ma trận với
đích duy nhất: kiếm tiền…
Đã từ lâu những tiếng nói phản
biện, kêu cứu, uất ức về những dự án tàn phá tự nhiên của Sun Group vang lên,
nhưng tất cả đều như một trò đùa. Không chặn bàn tay lông lá này lại thì long
mạch đúng nghĩa sẽ bị chặt yểm, tà khí sẽ lộng hành, lòng người sẽ nát tan,
non nước sẽ tả tơi.
Công bố loạt điều tra độc quyền về sự việc coi trời bằng vung của Tập
đoàn Mặt trời, ngoài những con số đớn đau, những tâm sự nát lòng của giới
nghiên cứu, chúng tôi cũng có lời xin lỗi bạn đọc về một số chi tiết hơi phản
cảm trong bài, nhưng không còn cách nào khác, bởi sự thật chỉ có một thể tồn
tại duy nhất.
BÀI 1: Sư trụ
trì gạ tình phóng viên
“Con đi theo qua đây, sau này thầy sẽ giúp con. Giờ con phải nghe
lời thầy! Cho thầy quan hệ tình dục đi. Cái này không đơn thuần là quan hệ
tình dục, mà là khi thầy gọi vong ra khỏi người em con, vong linh siêu thoát
thông qua con đường đó” - sư Toàn nói. Dưới bức tượng Quan Âm Bồ Tát của chùa
Nga Hoàng, tôi quỳ gối van xin sư Toàn để thoát ra ngoài.
Một lần khác, khi đi xem đất trong đêm, sư Toàn bất ngờ nhảy lên
ô tô của tôi. Sư Toàn lao vào tôi, đòi cởi quần áo tôi để “quan hệ”. Trong
lúc tôi đang ở trạng thái tột cùng của sự ghê tởm và sợ hãi, xung quanh là
khu đô thị hoang vắng, tôi không còn cách nào khác ngoài sự van xin và tránh
né. Tôi mong mình có thể thoát hiểm được như lần trước ở chùa. Tai tôi ù đặc
trước những tiếng hổn hển của sư thầy: “Cho thầy đi, chỉ một tí là xong ấy
mà”. Tôi co rúm lại, toàn thân căng ra chống đỡ, dường như không thể tấn công
được nữa, sư thầy quay ra kéo quần, tự thỏa mãn mình trên ô tô của tôi. Đêm
hôm ấy, khi đã trở về nhà, dù đã là lần thứ hai thoát hiểm an toàn, nhưng
gương mặt ấy, hành vi ấy, sắc danh ấy đã ám ảnh tôi nặng nề đến tận khi viết
những dòng này.
Ma trận thông
tin
Khi được giao nhiệm vụ đi tìm hiểu thông tin về dự án của Tập
đoàn Sun Group tại rừng quốc gia Tam Đảo (Tam Đảo II), có giá trị 25.000 tỷ
đồng, tôi đã lạc vào “rừng thông tin” chính thống và không chính thống. Những
dấu mốc của việc triển khai dự án đang dần dần hoàn thiện, qua những lễ khởi
công từng hạng mục. Những thông tin phản biện đầy thuyết phục như: “Nếu làm
dự án này, toàn bộ lá phổi của miền Bắc sẽ chết”. Trong mớ hỗn độn đó, bỗng
nảy ra một cái tên “chùa Địa Ngục”.
Có ý kiến nói rằng, đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, được
phát hiện thông qua “huyền tích” là một giấc mơ của đại đức Thích Thanh Toàn.
Đốm sáng trong rừng và giấc mơ ấy đã dẫn đường để đại đức Thích Thanh Toàn
vượt núi cao, rừng rậm, lên đỉnh Tam Đảo và tìm ra Địa Ngục Tự. Có ý kiến lại
cho rằng, Sun Group đang có một âm mưu “thôn tính” Địa Ngục Tự vì ngôi chùa
này nằm trong dự án. Thậm chí, có cả một cuộc kêu gọi trên mạng để bảo vệ
chùa, trước sự “xâm lăng” của dự án.
Chùa Địa Ngục chính là hướng tiếp cận đầu tiên của nhóm phóng viên
Báo Phụ Nữ TP.HCM.
Chúng tôi đã tiếp cận với đại đức Thích Thanh Toàn - ở chùa Nga
Hoàng, thuộc xã Hợp Châu, H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Sư Toàn được Giáo hội
Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm làm trụ trì ngôi chùa này từ năm 2008 đến
nay. Khi tiếp cận, chúng tôi rất bất ngờ bởi một ngôi chùa nhỏ, không hề nổi
tiếng, nằm ở chân dãy núi Tam Đảo lại có quá nhiều “con nhang đệ tử” đứng sau
sư thầy để “tiền hô hậu ủng”, đóng góp mua hàng chục héc-ta ruộng lúa xung
quanh để xây dựng và mở rộng chùa.
Có rất nhiều nhân vật VIP thường xuyên tới lui nơi này trong
những buổi lễ quan trọng. Tại lễ Vu lan (rằm tháng Bảy) năm nay, chúng tôi
tận mắt chứng kiến một nữ Ủy viên chuyên trách của Quốc hội đã tham gia từ
đầu đến cuối buổi lễ. Bà ở lại ăn cơm chay và bàn bạc với sư thầy những việc quan
trọng.
Chính vì có những VIP như thế, sư thầy Thích Thanh Toàn và chùa
Nga Hoàng ngày càng khuếch trương thanh thế, càng có sức hút để nó từ một
ngôi chùa bé tẹo như bị bỏ quên, qua dăm năm, đã ngổn ngang các công trình
xây dựng trên đất ruộng. Đằng sau nó là bao lời bàn tán về những “ông to bà
lớn” đã yểm trợ cho chùa.
Với thân phận là một nữ đại gia ở nước ngoài mới về, muốn đầu tư
bất động sản ở Tam Đảo và chữa bệnh cho cậu em họ, tôi được thầy Toàn tiếp
đón vô cùng chu đáo. Sư Toàn trực tiếp gọi vong, trục vong và giải hạn cho
cậu em tôi. Sau đó, tôi được sư Toàn kể cho những câu chuyện về đầu tư đất
lãi như thế nào.
Trong một lần nói chuyện, nghe tôi bày tỏ ý muốn được đầu tư bất
động sản tại Tam Đảo, cái tên Tam Đảo II đã được nhắc đến. Sư Toàn nói: “Con
nên đầu tư vào dự án Tam Đảo II, chùa Địa Ngục của thầy nằm trong lòng dự án
này. Đây sẽ là một dự án lớn nhất, sang nhất, đắt nhất và lãi nhất”.
Sau đó, sư Toàn nhiều lần thuyết phục tôi đầu tư vào dự án này,
bởi khả năng lãi “khủng” của nó và mối quan hệ đặc biệt của sư Toàn với ông
Sơn - Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group. Sư Toàn nửa kín nửa hở, căn dặn tôi
không được để lộ chuyện mua dự án này vì “pháp luật không cho phép”, nhưng sẽ
được hợp thức hóa bằng một cách nào đó.
Tôi hỏi: “Con đọc trên mạng, thấy có thông tin Sun Group liên
danh với Sông Hồng Thủ Đô?”. Sư Toàn xua tay: “Dự án này đầu tiên do Sông
Hồng Thủ Đô đứng ra xin, sau đó Sun nhảy vào. Liên danh chỉ là cái cớ thôi,
của chú Sơn bên Sun Group hết. Chú ấy còn đang bảo đưa thầy 300 tỷ để xây
chùa Địa Ngục”.
Sự bẩn
thỉu khoác áo tu hành
Viết ra hay không viết ra? Câu hỏi này cứ đau đáu trong tôi suốt
quá trình tác nghiệp đề tài này. Đã có lúc, tôi không hề muốn viết ra những
chuyện này vì nó quá ghê tởm. Mặc dù cắn răng chịu trận để tác nghiệp, tôi vẫn
không thoát khỏi cảm giác cay đắng, bẽ bàng.
Nhưng những ngày dài tiếp cận, tôi thấy xung quanh sư Toàn và
chùa Nga Hoàng có bóng dáng những phụ nữ các lứa tuổi, ánh mắt của họ nhìn sư
Toàn như một đấng toàn năng. Có thể lắm, sẽ có rất nhiều nạn nhân giống như
tôi. Và cuối cùng, tôi đã quyết định kể ra những sự thật trần trụi.
Lần đầu tiên, sự bẩn thỉu của một nhà sư hiện ra là sau cuộc áp
vong, chữa bệnh cho em tôi (một phóng viên). Sư Toàn tranh thủ lúc nghỉ lễ,
vắng vẻ, cứ lấy tay vuốt vào ngực tôi, mồm thì liên tục nói: “Vừa cúng xong
mệt quá! Cho thầy xin tí khí”. Sững người, tôi không thể tin là có chuyện như
vậy; phải một lúc sau, tôi mới kịp nghiêng người tránh né.
Nhưng không chỉ có vậy. Liên tục sau đó, sư Toàn có một loạt hành
vi, lời nói, cử chỉ… biểu hiện sự bệnh hoạn mà nếu chỉ là một người đàn ông
bình thường với một người phụ nữ mới quen, đã là điều không thể chấp nhận
được, huống hồ là một người khoác áo tu hành với sắc danh đại đức.
Sư Toàn liên tục “gạ” tôi chat sex, đòi tôi gửi hình ảnh hở hang.
Có lần, đang cúng cho khách, thầy còn gọi cho tôi, nói: “Cái ấy” của thầy
cứng quá, không xuống được, con gửi ảnh hở ngực để thầy xem…”.
Trong một ngày lễ trang trọng, hàng trăm phật tử đội sớ lên đầu
rước lễ Vu lan báo hiếu, sư Toàn đọc kinh dẫn đầu đoàn rước lễ, mà sau đó còn
dám nói với tôi rằng: “Vừa nhìn thấy con đeo kính đen đi ngược lại là cái ấy
của thầy nó lại cứng lên”. Thật không có gì kinh tởm hơn được nữa.
Tận cùng của sự khốn nạn là lần tranh thủ hẹn tôi đi xem đất vào
buổi tối ở một khu đô thị hoang vắng, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sư Toàn đã
nhảy vào xe của tôi. Sau một hồi vật lộn, không làm gì được trước sự chống đỡ
của tôi, sư Toàn đã vạch quần ra, tự thỏa mãn.
Tôm hùm
và chiếc túi Dior giá 75 triệu đồng
Tạm dừng chuyện chùa Địa Ngục và sư Toàn, chúng tôi đến Bộ Tài
nguyên và Môi trường, xin cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của
dự án Tam Đảo II.
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, kể cả bằng đường công văn
chính thống của báo, xin tài liệu không thuộc diện bí mật nhà nước, nhưng
chúng tôi vẫn chưa nhận được đầy đủ văn bản theo luật định, trong khi báo cáo
đánh giá tác động môi trường là văn bản cực kỳ quan trọng, có vai trò quyết
định sự sống còn của dự án Tam Đảo II.
Trên đường tìm văn bản mang tính pháp lý và khoa học này, chúng
tôi còn nhận được sự bất hợp tác của nhiều bên liên quan như Vườn Quốc gia
Tam Đảo, Vụ Thẩm định giám sát đầu tư của Bộ kế hoạch và Đầu tư… Các cơ quan
hữu quan này có rất nhiều lý do khác nhau do khách quan, chủ quan, nhưng cuối
cùng, chúng tôi vẫn không thể có nổi văn bản đó.
Nhóm phóng viên chúng tôi đang loay hoay tìm cách liên hệ để làm
việc với Sun Group, nghe thông tin chính thống về dự án Tam Đảo II thì bất
ngờ, trong một cuộc đàm thoại căng thẳng với lãnh đạo Vụ Tuyên truyền, Thi
đua và Khen thưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đòi quyền đương nhiên được
tiếp cận văn bản đánh giá tác động môi trường của dự án nói trên, chúng tôi
yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện đúng luật báo chí… và thế là,
chỉ ít phút sau, tôi nhận được điện thoại từ... người đại diện truyền thông
của Tập đoàn Sun Group.
Ở lần gặp đầu tiên, nữ giám đốc truyền thông Tập đoàn Sun Group
tên là Ánh nói rất nhiều về công lao, nhiệt huyết và ý tưởng tốt đẹp với môi
trường của Việt Nam nói chung và môi trường của các dự án do Sun Group thực
hiện. Ở lần gặp này, cô Ánh nêu mong muốn không có bất cứ bài viết nào về Sun
Group và các dự án của họ.
Cho đến lần gặp thứ hai, khi biết chắc chắn chúng tôi vẫn thực
hiện loạt bài này, Ánh bày tỏ mong muốn chỉ nên có một bài chung chung, không
ảnh hưởng đến tập đoàn, vì đây là khoảng thời gian nhạy cảm, chỉ một bài báo
thôi cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn cho tập đoàn. Cuối cùng, Ánh xin tôi
sắp xếp cho một cuộc hẹn với một lãnh đạo cao cấp của Sun Group.
Trưa 12/9, tôi đã đến chỗ hẹn để gặp lãnh đạo Tập đoàn Sun Group.
Đón tôi là bữa trưa với thực đơn là tôm hùm và nhiều món ăn sang trọng. Ngoài
giám đốc truyền thông, còn có ông Trần Minh Sơn - Phó chủ tịch Tập đoàn Sun
Group và là người trực tiếp quản lý dự án Tam Đảo II. Trong suốt bữa ăn, ông
Sơn say mê nói về vẻ đẹp vô giá của rừng Tam Đảo, nói về ước mong sẽ thực
hiện được một dự án nghỉ dưỡng 5 sao chỉ dành cho người có tiền.
Tình cờ, ông Sơn nhắc đến chùa Địa Ngục và sư thầy Thích Thanh
Toàn bằng sự kính trọng, nể phục đại đức. Ông Sơn cho tôi xem ảnh chụp chung
với sư Toàn ở chùa Địa Ngục, trong ảnh có rất nhiều nhân vật VIP. Ông Sơn chỉ
vào ảnh và nói đến từng người với những chức danh và thân phận “khủng” của
họ. Tôi nhận ra một số người mình đã gặp trong quá trình tác nghiệp tại chùa
Nga Hoàng.
Bất chợt, tôi nhớ đến một cán bộ đã hơn 20 năm công tác ở Vườn
Quốc gia Tam Đảo. Khi bị hỏi “tại sao chùa Địa Ngục được xây dựng trái phép
mà đơn vị quản lý là vườn quốc gia lại để nó tồn tại bao nhiêu năm nay như
vậy”, ông đã trả lời: “Chúng tôi không làm gì được. Chúng tôi chỉ biết lập
biên bản và báo cáo lên trên”. Tôi hỏi: “Có thế lực nào che đỡ cho chùa?”.
Ông cười, bảo: “Công an tỉnh còn chả làm gì được nữa là”.
Quay lại bữa trưa với ông Sơn, tôi vẫn nghe giọng ông đều đều và
nhiệt huyết: “Ngày xưa, tỉnh Vĩnh Phúc định trục xuất thầy Toàn, chính anh là
người nói đỡ để thầy ở lại. Còn chùa Địa Ngục, chắc chắn tập đoàn sẽ đầu tư
xây dựng bài bản… Bọn anh làm du lịch nên rất trân trọng điểm đến, đặc biệt
là điểm đến tâm linh”.
Tôi chợt nghĩ đến chuyện người dân kể, sư Toàn tổ chức đưa quả
chuông nặng hàng tấn lên đỉnh núi, giống y như kéo pháo lên Điện Biên Phủ; đi
đến đâu, chặt cây, mở đường đến đấy. Và kỳ lạ thay, cái vết của “con
đường chuông” ấy, nay Sun Group đang trùm lên đó một con đường cho hai xe
điện tránh nhau để đi vào dự án Tam Đảo II.
Tại sao chùa Địa Ngục lại ra đời? Tại sao nó nằm trong lòng dự án
Tam Đảo II? Tại sao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc luôn khẳng
định rằng, ngôi chùa này không có điển tích? Ngay cả những người đã đồng hành
cùng sư Toàn đi tìm đốm sáng trong rừng ấy đã khẳng định chắc chắn rằng:
“Chẳng có cái gì cả. Từ mộ cổ đến giếng cổ đều do sư Toàn dựng lên hết. Tại
sao những chuyện hài hước như vậy lại có đất tồn tại suốt những năm qua? Đứng
sau sư Toàn là ai mà có thể huy động được rất nhiều tiền của, tâm sức để dựng
cốt chùa, đúc chuông, chuyển chuông?…
Và có rất nhiều gương mặt VIP luôn đồng hành cùng sư Toàn từ
những ngày đầu xây chùa Địa Ngục. Chính sư đã nói với tôi, những VIP này đều
có phần đất trong dự án. Ông muốn giúp tôi bằng cách mua lại “suất ngoại giao
VIP” này và cam kết lời “khủng”.
Tôi đang chìm vào ma trận thông tin hỗn loạn, lúc rời rạc, khi
liền mạch thì tín hiệu của buổi ăn trưa kết thúc. Cô Ánh tiếp tục đề nghị tôi
không báo cáo đề tài này sâu hơn với ban biên tập, đồng thời mong muốn tôi
thiết lập một cuộc gặp gỡ Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM. Cô Ánh nói: “Bên
em không muốn dùng đến áp lực từ một cấp cao nào xuống Báo Phụ Nữ”.
Tiếp sau đó, một gói quà được đưa đến trước tôi. Vì đã báo cáo
cuộc tiếp xúc này với lãnh đạo báo, nên tôi chỉ nhắc: “Nếu trong gói quà có
tiền, chị sẽ trả lại”. Tôi nhận gói quà để cuộc tiếp xúc được êm xuôi, để tạm
thời không có một áp lực bất ngờ từ đâu đó giáng xuống báo mình khi bài viết
này còn chưa kịp ra đời.
Về đến tòa soạn, tôi đã lập biên bản và nộp lại gói quà trước sự
chứng kiến của nhiều cán bộ, phóng viên của báo. Một chiếc túi Dior được bán
tại cửa hiệu chính hãng với giá 2.500 euro. Sau khi kiểm tra kỹ, tôi được
biết, chiếc túi được mua trước cuộc hẹn ăn trưa khoảng 2 giờ. Cửa hàng đồ
hiệu chính hãng này từ chối nêu tên người mua. 2.500 euro là tròm trèm 75
triệu đồng tiền Việt…
(Theo Báo Phụ
nữ TPHCM) Nhóm phóng viên
|
Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét