Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Khi Sun Group muốn biến đầm tích nước của cả Tam Đảo thành... ao nhà mình
Cập nhật lúc 09:05      

Chỉ một ngôi chùa giả, một ông sư từng bị đuổi khỏi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mà đã khuynh đảo, vô hiệu hóa toàn bộ các cơ quan chức năng suốt hàng chục năm qua thì...

Lời tòa soạn: Một lần nữa, vòng tròn… ma giáo do kẻ biến thái đội lốt nhà sư liên kết với Sun Group dựng lên, chọn… ngọn cờ tâm linh làm tâm điểm để ma mị người khác. Đường đến chùa Địa Ngục còn khó hơn đường về địa ngục, bởi ma quỷ núp bóng người ngăn chặn. Càng khó, càng bí hiểm, vượt được vào đó có khi phải trả giá bằng sinh mệnh.
Nhưng, qua được cánh cửa tử thì sự thật phơi bày: một ngôi chùa giả xây trái phép rồi được tung tin là chùa cổ với người trụ trì phẩm hạnh, tâm đức không trong sáng, chắc chắn không phải cho chánh pháp… Giả chồng lên giả.
Sau bài báo đầu tiên về sư thầy Thích Thanh Toàn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang vào cuộc xác minh. Chân tu hay tà sư, rồi sẽ rõ. Nhưng câu chuyện của Tam Đảo II với những nhát chém vào vùng lõi vườn quốc gia để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp lung linh như ma thuật chỉ dành cho người giàu vẫn đang tiếp diễn, mọi ngả đường cần và phải được biết về hệ lụy môi trường của nó đều bị bịt kín...
Điều tra độc quyền:
Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo

Trở lại chuyện sư Toàn, chùa Địa Ngục và cái vòng luẩn quẩn về ngôi chùa cổ nằm trong một dự án du lịch nghỉ dưỡng đang triển khai.
Chỉ nói riêng về những thứ đã xây cất, cài cắm nhằm tạo nên “di tích”, một công trình tâm linh giả, ngang nhiên tồn tại hàng chục năm, trong lõi rừng quốc gia Tam Đảo, luôn phát triển, xâm lấn một cách ầm ĩ... chắc chắn đã là một công trình vi phạm pháp luật trắng trợn, không thể chối cãi. Câu hỏi là, hàng chục năm qua, các cơ quan chức năng ở đâu?
Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ thuộc Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc - người được giao quản lý địa bàn sư Toàn đóng chân - nói: “Sư Toàn luôn tỏ ra coi thường chính quyền địa phương. Chúng tôi đến làm việc để xử lý vi phạm, ông ta không bao giờ hợp tác.
Có lần chúng tôi đang làm việc với ông, yêu cầu ông không được vi phạm... ông không thèm nói gì, đứng dậy và bỏ đi luôn. Gần đây nhất, sư Toàn tự ý kéo điện lưới lên chùa Địa Ngục. Chúng tôi đã lập biên bản, thu giữ cuộn dây cáp điện và cất tại Ban quản lý di tích chùa Tây Thiên... Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, chúng tôi phải trả lại cho ông, vì có sự can thiệp từ trên xuống”.
Chỉ một ngôi chùa giả, một ông sư từng bị đuổi khỏi Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mà đã khuynh đảo, vô hiệu hóa toàn bộ các cơ quan chức năng suốt hàng chục năm qua, thì thật dễ hiểu khi chúng tôi muốn tiếp xúc với các văn bản liên quan đến dự án Tam Đảo II, mọi cánh cửa đều đóng chặt.
Cho đến giờ, ngay cả việc tiếp cận văn bản báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Tam Đảo II, cũng đã không thể thực hiện.



Chúng tôi chỉ dám nêu một chi tiết rất nhỏ của dự án là địa danh rừng ma Ao Dứa, một hệ sinh thái, phễu nước nằm trong dự án. Theo nhà sinh vật học, tiến sĩ Trần Đình Nghĩa - nguyên Giảng viên trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - Ao Dứa của Tam Đảo II như cái phễu trữ nước, gom nước của nơi cao, chuyển thành nước ngầm, cung cấp nước cho các dòng suối vùng chân núi. Nhờ vậy mà vào mùa khô, các con suối dưới chân núi vẫn có nước.
Lượng nước thấm vào các kẽ nứt, các mạch trong lòng đất, giữa các khối đá mẹ, chuyển sang dạng nước ngầm ở Tam Đảo II rất cao, nhờ cấu trúc đặc trưng của nền địa chất. Nhờ vậy, cường độ các dòng chảy bề mặt giảm bớt, dù trong mùa mưa, nước lũ chảy mạnh, nhưng chưa xảy ra lũ quét với sức tàn phá cao.
Thảm thực vật vùng dự án Tam Đảo II không chỉ là một bộ phận của vẻ đẹp kỳ vĩ cho mục đích du lịch sinh thái mà còn là tác nhân gia cố cho các cấu trúc địa chất, địa hình vốn đã ẩn chứa nhiều tiềm năng tai biến.
Việc bê tông hóa bề mặt chẳng những làm sông suối cạn kiệt, ảnh hưởng đến nhiều vùng của đồng bằng và trung du bắc bộ mà còn làm cho lượng nước chảy bề mặt nhiều hơn, dòng chảy mạnh, gây ra lũ lụt cho cả vùng sườn và chân núi.
Với cấu tạo địa hình của Tam Đảo - một vùng núi khối tảng nâng trồi mạnh, với các hệ thống đứt gãy địa chất phức tạp, nhiều vách dốc đứng, các đới phiến hóa, kaolin hóa, nhất là ở phần phía nam của Tam Đảo II - thì khi xảy ra thảm họa, toàn bộ danh thắng Tây Thiên vốn tựa lưng vào dãy núi, sẽ là nơi phải gánh chịu đầu tiên.
Vậy mà, tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Minh Sơn bảo: “Ao Dứa ở Tam đảo II đẹp vô cùng. Vào mùa mưa, nước dâng lên đẹp lắm. Nước trong, đáy đầy rêu, mùa cạn nước lại rút đi mất, nên Sun Group sẽ đắp cái đập để giữ nước quanh năm. Mấy chục héc-ta hồ trên núi cao như thế là hiếm lắm”.
Thiết nghĩ, không cần phải là một nhà khoa học cũng có thể dễ dàng hiểu được, cái đập ngăn nước của ông Sơn và tập đoàn Sun Group sẽ giữ lại lượng nước khổng lồ thế nào trên cái hồ rộng hàng chục héc-ta. Cái đập ấy sẽ chắc chắn can thiệp thô bạo vào thiên nhiên. Liệu chi tiết này đã có trong dự án được duyệt?
Ngày 25/9/2019, chúng tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi vào đêm muộn của nhà báo Hoàng Phương - một đệ tử thân thiết của nhà sư Huyền Diệu tại Nepal. Chị nói: “Thầy Huyền Diệu đọc được thông tin trên báo, nói về việc liên quan đến Sun group thì buồn lắm. Thầy  không muốn mình bị lợi dụng cho mục đích của họ”.
Còn gì để nói, khi một nhà sư đã từng từ chối việc đưa tên mình vào danh sách đề cử giải Nobel Hòa Bình chỉ vì lý do đơn giản - “Ông rất ngại xuất hiện trên truyền thông, báo chí, sợ việc đó ảnh hưởng đến thời gian tu tập của mình”. Thế mà ông đã chủ động liên lạc với chúng tôi để chia sẻ nỗi buồn bị “mượn danh”.
Mùa hè năm 2016, Kong: Skull Island - bộ phim đình đám với đạo diễn và dàn diễn viên hàng đầu thế giới đã quyết định quay bối cảnh chính tại Việt Nam. Có lẽ khi ấy, trong không khí muốn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tỉnh Quảng Bình và các cơ quan khác đã mở rộng cửa mời đoàn phim về quay tại Sơn Đoòng.
Sau chuyến đi khảo sát, phát ngôn chính thức của đoàn phim là: “Rất cảm ơn Việt Nam đã mời chúng tôi thực hiện cảnh quay tại hang Sơn Đoòng - một kỳ quan mới của thế giới. Nếu Sơn Đoòng là bối cảnh chính của phim, chúng tôi chắc chắn phim sẽ hấp dẫn hơn, mở ra khả năng thành công lớn hơn... Nhưng chúng tôi xin được từ chối Sơn Đoòng để chọn một địa điểm khác. Nếu làm phim tại đây, dù cố gắng đến mấy, chắc chắn chúng tôi cũng không thể giữ được nguyên trạng kỳ quan này”.
Chúng tôi muốn kết bài này bằng câu chuyện của đoàn phim Kong: Skull Island để thấy rằng, dù chẳng có bất cứ lời nói đao to búa lớn nào về chuyện yêu thiên nhiên hay bảo vệ môi trường, những người bạn quốc tế đã chọn giữ nguyên hiện trạng một kỳ quan thiên nhiên. Còn ông Sơn, nếu với tình yêu thiên nhiên và hiểu biết sâu, rộng như ông thể hiện, chúng tôi tin rằng, ông và Sun Group sẽ có những quyết định đúng cho môi trường chứ không chỉ cho tập đoàn của ông.
(Theo Phụ nữ TPHCM) Nhóm phóng viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét