Loại SGK của GS Hồ Ngọc Đại: Lo độc
quyền mới
Cập nhật lúc 15:55
Ở Việt Nam cơ quan quản lý vừa
ban hành và quản lý tiêu chuẩn chung nhưng lại đồng thời tham gia soạn thảo
SGK
Vì sao thử nghiệm tới hơn 40 năm?
Ba bản thảo sách giáo khoa
(SGK) Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định
SGK đánh trượt vòng thẩm định đầu tiên. Dư luận băn khoăn, một bộ sách đã
trải qua hơn 40 năm thử nghiệm, được áp dụng ở 49 tỉnh thành với hơn 900.000
học sinh, từng được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, được đánh giá tốt,
nhiều thời điểm được Bộ GD-ĐT khuyến khích sử dụng vì có lợi cho học sinh
nhưng chưa có kết luận thành công hay thất bại, chưa được nhân rộng? Đến
giờ, bộ sách ấy trượt vòng công nhận là SGK?
Không bày tỏ rõ quan điểm ủng hộ bản
thảo SGK của GS Hồ Ngọc Đại nhưng TS. Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng
Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Ủy viên thường trực Hiệp hội các trường Đại học
Cao Đẳng Việt Nam cũng thừa nhận chưa có bản thảo SGK nào lại được thử nghiệm
kéo dài tới gần 50 năm.
Có việc thử nghiệm kéo dài như vậy, ông
Khuyến cho rằng có lý do xuất phát từ việc bản thảo của GS Hồ Ngọc Đại
được viết trước khi những tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá về chương trình SGK
được xây dựng.
Như vậy, sẽ nảy sinh vấn đề:
Hội đồng thẩm định đánh giá, xét duyệt các bản thảo phải căn cứ trên các tiêu
chí, tiêu chuẩn chung của Bộ, trong khi, bản thảo này lại được viết
trước khi có các tiêu chí.
Do đó, kết quả lựa chọn bản thảo trong
trường hợp này còn phụ thuộc vào tiêu chí, tiêu chuẩn được đặt ra thế nào và
bản thảo có phù hợp với tiêu chí đó không? Điều này cũng lý giải cho lý do vì
sao một bản thảo SGK lại được thử nghiệm lâu như vậy mà vẫn chưa được đánh
giá.
Đổi mới chưa triệt để
Ngoài ra, bản thảo bị kéo dài thời gian
vị chuyên gia còn cho rằng có sự mâu thuẫn trong tư duy, cách tiếp cận với
nền giáo dục hiện nay.
Trong một môi trường giáo dục quen tiếp
cận theo lối truyền thống thì phương pháp giáo dục công nghệ theo hướng mở
của GS Hồ Ngọc Đại đang bị lạc lõng, bị lép vế, nên khó được đón nhận là điều
dễ hiểu.
TS Lê Viết Khuyến cho biết, khi tiếp
cận với chủ trương soạn thảo SGK mới của Bộ GD-ĐT, trong đó có đưa ra tiêu
chí là soạn thảo SGK theo hướng mở, với định hướng này nhiều hy vọng SGK của
GS Hồ Ngọc Đại sẽ được chấp nhận.
Tuy nhiên, khi đi vào tiếp cận với nội
dung thì tư duy cách tiếp cận vẫn chưa tương thích với tiếp cận về năng lực
của người học.
Nội dung vẫn hướng tới sự phát triển
đồng loạt, đồng đều, vì lý do này nên cả nước tới nay vẫn chỉ có chung một
chương trình SGK. Nhưng quy định về một hay nhiều bộ SGK cũng phải tương
thích với cách tiếp cận về năng lực của người học.
Theo xu hướng của các nước có nền giáo
dục phát triển, để tiếp cận được với năng lực người học một cách hiệu quả
nhất, trên thực tế phải đòi hỏi có nhiều chương trình và nhiều bộ SGK khác
nhau. Từng chương trình phải phù hợp với năng lực của từng nhóm đối tượng
học. Ví dụ, học sinh thành phố phải học chương trình khác với học sinh vùng
núi. SGK cũng phải được viết dưới dạng mở, quy định chỉ là tiêu chuẩn tối
thiểu phải đạt được nhưng có thể viết chương trình cao hơn quy định.
Ở thời điểm này, giáo dục Việt Nam mới
cải tiến được tới mức chấp nhận nhiều bộ SGK nhưng vẫn giữ một chương trình.
Như vậy là chưa triệt để trong cách tiếp cận.
Vì lý do này mà trong các kỳ thi THPT
trên cả nước, điểm tiếng Anh ở các vùng nông thôn, miền núi luôn thấp hơn
điểm trung bình ở các thành phố lớn. Lý do đơn giản là do quy định cào bằng
chương trình học, những học sinh khu vực nông thôn, miền núi không thể có
điều kiện học tập tốt như học sinh ở thành phố, nên điểm thấp hơn là đương
nhiên.
Cũng từ cách tiếp cận chưa triệt để nói
trên, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng rất khó có được một bộ SGK
viết theo dạng mở. Bởi vì, khi đánh giá, thẩm định, Hội đồng thẩm định chỉ
căn theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được quy định, như
vậy rõ ràng những bản thảo không theo chương trình, vượt quá chương
trình đều sẽ bị đánh trượt.
"Ở đây có vấn đề về quy định cũng
như nội hàm về tư duy, cách tiếp cận trong giáo dục. Dù nói rằng đã đổi mới
nhưng nội hàm tiếp cận nội dung lại không mới.
Nếu căn theo các quy định, Hội đồng
thẩm định không sai nhưng để bảo đảm tính thuyết phục thì cách đánh giá dựa
trên các tiêu chí, tiêu chuẩn cứng lại chưa đủ thuyết phục. Sự tranh cãi vừa
qua là xuất phát từ những lý do này", TS Lê Viết Khuyến nói.
Độc quyền chương trình SGK
Từ câu chuyện các bản thảo của GS Hồ
Ngọc Đại bị loại, TS Lê Viết Khuyến lo ngại sẽ nảy sinh một xu hướng độc
quyền giáo dục mới, đó là độc quyền "chương trình SGK".
Theo vị chuyên gia, nếu trước đây việc
Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm vừa tổ chức biên soạn, tổ chức thẩm định, phê
duyệt, chỉ đạo xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín
trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành thì bây giờ
với việc áp các tiêu chí, tiêu chuẩn cứng của chương trình SGK có thể sẽ tạo ra
loại hình độc quyền về nội dung.
Vị chuyên gia cho biết, qua tiếp cận
với một số nền giáo dục trên thế giới thì thấy, chính quyền, cơ quan quản lý
nhà nước chỉ ban hành chuẩn chương trình, chương trình cụ thể phải do các
trường soạn thảo và ban hành.
Về SGK luôn viết theo dạng mở, không dạy
theo SGK nhưng phải căn theo SGK để lựa chọn chương trình dạy cho phù hợp với
từng bối cảnh, từng nhóm đối tượng học sinh cụ thể.
Việc này khác hoàn toàn với Việt Nam. Ở
Việt Nam cơ quan quản lý vừa ban hành và quản lý tiêu chuẩn chung nhưng lại
đồng thời tham gia soạn thảo SGK. Hơn nữa, các chương trình giảng dạy cũng
được quy định cứng và giáo viên, học sinh phải dạy và học theo đúng chương
trình trong SGK.
Vị chuyên gia cảnh báo, với cách thức
tiếp cận theo hướng xây dựng các chuẩn cứng, cả nước chỉ có một chương trình
SGK, lẽ đương nhiên việc thành lập Hội đồng tư vấn giúp bộ xây dựng các chuẩn
SGK cũng phải căn trên các tiêu chuẩn cứng.
"Từ những cái chuẩn cứng được quy
định chắc chắn sẽ đẻ ra những cái chuẩn cứng trong tư vấn, thẩm định, đánh
giá... Kết quả cuối cùng sẽ lại quay trở lại với cách tiếp cận cũ là một
chương trình và một SGK. Điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu nhiều SGK sẽ
thất bại", vị TS cảnh báo.
(Theo Đất Việt) Lam Nguyễn
|
Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét