Cầm cố sổ tiết kiệm, chỉ 30 phút vay cả tỷ đồng,
biến tướng nguy hiểm
Cập nhật lúc 07:48
Từ những biến tướng của việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm
thời gian qua, việc Ngân hàng Nhà nước phát đi cảnh báo là rất cần thiết.
NHNN cũng nên mạnh tay với các hành vi cố ý lợi dụng việc cho vay cầm cố để
biến tướng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn
bản cảnh báo về việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của các ngân hàng không có
phương án vay vốn, mục đích sử dụng vốn cụ thể, dễ dẫn đến rủi ro; đồng thời
siết chặt hoạt động này của các tổ chức tín dụng. Vậy, vay cầm cố sổ tiết
kiệm là gì, vì sao lại trở nên phức tạp?
Từ cách để hỗ trợ khách hàng
Cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là một hình
thức cấp tín dụng của các ngân hàng. Theo một cán bộ Ngân hàng Nhà nước
(NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) khi cấp tín dụng thường yêu cầu khách
hàng phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay, trường hợp này, là tiền gửi tiết kiệm của họ. Còn “cầm
cố” chỉ là một biện pháp đảm bảo. Theo đó, khách hàng sẽ bàn giao sổ tiết
kiệm cho ngân hàng phong toả, quản lý trong suốt thời gian được sử dụng để
đảm bảo cho khoản vay.
Theo Giám đốc Quản trị rủi ro của một
ngân hàng, loại tài sản là tiền gửi tiết kiệm thường được coi là an toàn
nhất, dễ xử lý nhất trong các loại tài sản được đem đảm bảo; và cầm cố cũng
là biện pháp mà ngân hàng “nắm đằng chuôi” nên nguồn lực cho việc xử lý các
tài sản thường thấp. Chính vì vậy, các ngân hàng thường có xu hướng “thả
lỏng” hơn các điều kiện về thẩm định khách hàng, giấy tờ mục đích sử dụng vốn
cũng như trình tự, thủ tục cấp tín dụng được đảm bảo bằng tiền gửi cũng rất
đơn giản, gọn nhẹ, thậm chí từ lúc yêu cầu, đến lúc giải ngân nhanh nhất chỉ
30 phút đồng hồ.
Cũng theo vị này, “chúng tôi thường ưu
tiên tiền gửi tại ngân hàng mình trước, còn tiền gửi tại các tổ chức khác,
chúng tôi quy định danh sách các ngân hàng có uy tín, và thường bắt buộc yêu
cầu nhân viên đi xác minh số dư, yêu cầu phong toả”.
Khi được hỏi về vay cầm cố sổ tiết
kiệm, chị T., một giao dịch viên nhiều năm ở của ngân hàng, cho biết, ở cấp
độ của chị, đây là hoạt động rất bình thường, thường được sử dụng để hỗ trợ
khách hàng có nhu cầu rút tiền tiết kiệm trước hạn.
“Nếu khách hàng sắp đến hạn nhưng cần
rút trước một vài ngày, chúng tôi thường tư vấn giải pháp là vay cầm cố chính
sổ tiết kiệm đó, khi đến hạn sẽ tất toán, thu nợ, đỡ thiệt thòi hơn nhiều”.
Chị Hường (Long Biên, Hà Nội), một
khách hàng từng cầm cố sổ tiết kiệm, kể: “Tôi có gửi tiết
kiệm 1,2 tỷ, thời hạn 3 tháng, lãi suất 5,1%/năm tại một ngân hàng, tính ra
được hơn 15 triệu tiền lãi. Nhưng vì có việc gấp, mà 1 tuần nữa mới đến hạn,
nếu rút ra ngay bị tính lãi suất không kỳ hạn lãi chỉ được hơn 1 triệu. Trong
khi đó, nếu tôi vay cầm cố sổ tiết kiệm, lãi 10%/năm. Khi tất toán, sau khi
trừ đi phần lãi suất vay, tôi vẫn còn lãi hơn chục triệu”.
Biến tướng nguy hiểm
Với những khoản vay “giải nguy” tiền
mặt cho khách hàng như trên, hồ sơ cho vay thường rất đơn giản, không kèm
theo chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn, thời gian giải ngân rất nhanh.
Tuy nhiên, ở các cấp độ cao hơn trong hệ thống ngân hàng, đây lại đang trở
thành một công cụ biến tướng.
Đầu tiên, việc cầm cố sổ tiết kiệm trở
thành công cụ “chạy chỉ tiêu kinh doanh” cho các chi nhánh của ngân hàng.
“Cuối năm thường thiếu chỉ tiêu dư nợ, các giám đốc chi nhánh thường có
‘chiêu’ là đề nghị một số khách hàng thân quen cầm cố tiết kiệm/tiền gửi, để
giải ngân. Việc này làm tăng cả hai đầu, dư nợ và dư tiền gửi, lại tương đối
an toàn nên thường được áp dụng” - Giám đốc một chi nhánh NHTM cho hay.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng
này, là dư nợ thường tăng nhanh vào các thời điểm chốt như 30/6 hay 31/12,
nhưng qua mốc đó dư nợ sụt giảm mạnh.
“Chúng tôi biết việc này, và đã từng xử
lý kỷ luật cả giám đốc chi nhánh, giám đốc kinh doanh có liên quan”, Giám đốc
Quản trị rủi ro một một ngân hàng chia sẻ. Tuy nhiên, đây vẫn là hình thức
biến tướng còn nhẹ nhàng, và chưa quá nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng”, vị
giám đốc trên nhận xét.
Biến tướng nguy hiểm hơn là việc lợi
dụng tính an toàn theo lý thuyết của việc đảm bảo tiền vay bằng sổ tiết
kiệm/tiền gửi để buông lỏng việc thẩm định cho vay ban đầu, thiếu thu thập
các chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn, hồ sơ yêu cầu đơn giản, quá
trình thẩm định khoản vay ngắn.
Đây chính là một trong những cách làm
biến tướng việc cho vay cầm cố bằng tiền gửi. Trong đại án Phạm Công Danh tại
Ngân hàng Xây dựng (VNCB), ông này đã cầm cố một số dư tiền tiền gửi lớn của
VNCB tại các ngân hàng khác, bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty nằm
trong liên minh của Phạm Công Danh. Khi đến hạn, các công ty con này không có
tiền trả, ngân hàng thì thu nợ bằng số tiền cầm cố, dẫn đến thiệt hại cho
chính VNCB.
Cáo trạng thể hiện rõ việc thẩm định
các khoản vay trên của các ngân hàng đều thiếu trách nhiệm, được phê duyệt
thần tốc, quản lý sau vay lỏng lẻo, để Phạm Công Danh sử dụng vốn sai mục
đích. Cho đến tận phiên xét xử phúc thẩm, tính hợp pháp của khoản vay và số phận
của khoản tiền được cầm cố vẫn là sự tranh cãi kịch liệt giữa các bên.
Một loại hình tội phạm cũng đang nổi
lên, là cán bộ ngân hàng lợi dụng việc vay cầm cố để chiếm đoạt tài sản của
khách hàng. Với lòng tin, khách hàng đã đưa sổ tiết kiệm cho cán bộ, thường
là lãnh đạo của chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng. Chính những người này
lại quay ra làm giả hồ sơ để vay vốn, hình thức đảm bảo bằng cầm cố các sổ
tiết kiệm.
Từ những biến tướng của việc cho vay
cầm cố sổ tiết kiệm thời gian qua, việc NHNN ra văn bản cảnh báo là rất cần
thiết. Có lẽ, NHNN cũng nên mạnh tay với các hành vi cố ý lợi dụng việc cho
vay cầm cố để biến tướng, làm sai lệch các chỉ số.
Đồng thời, bản thân các ngân hàng cũng
định vị lại rủi ro, và có tiêu chí để kiểm soát được loại hình cho vay này,
vừa hỗ trợ được khách hàng với mục đích tốt đẹp, giảm thiệt thòi khi gửi tiết
kiệm nhưng cũng cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro, tránh biến tướng, lợi dụng.
(Theo
VietNamNet) Nguyễn Thanh Ngọc
|
Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét