Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

ĐH Thái Nguyên nói gì về ý định thăng chức cho hiệu phó bị điều tra tham nhũng?

Cập nhật lúc 07:52                
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên (thuộc Đại học Thái Nguyên) đang bị điều tra trong vụ việc lập khống hồ sơ, chứng từ để quyết toán tiền mua vật tư, hóa chất xét nghiệm đề tài khoa học nhưng mới được đề nghị thăng chức vụ trong Đảng. Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng được giới thiệu phụ trách Đảng bộ của Đại học Y dược Thái Nguyên.


Giới thiệu người đang bị điều tra phụ trách Đảng bộ Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên)

Ban Thường vụ Đại học Thái nguyên vừa cử đoàn công tác đến và làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ nhà trường Đại học Y dược Thái Nguyên để lấy phiếu tín nhiệm một người trong Ban Chấp hành phụ trách của trường này để phụ trách Đảng bộ đến hết nhiệm kỳ (năm 2020). Việc này được tiến hành khi Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng bộ Đại học Y dược Thái Nguyên vừa về hưu.



Đại học Thái Nguyên

Theo đó, trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm có PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược - người đang bị điều tra. Đây là lần thứ hai, Đại học Thái Nguyên có yêu cầu Đảng bộ ĐH Y Dược tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Dũng. Trước đó, khi đưa ông Dũng ra lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, một số cán bộ, giảng viên phản ứng làm đơn gửi cơ quan chức năng và báo Tiền Phong.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng Đại học Thái Nguyên xác nhận: Được sự phân công của Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Thái Nguyên, Đoàn công tác đã xuống Đại học Y dược lấy ý kiến về hai trường hợp, chứ chưa có quyết định chính thức. “Đây là nhiệm vụ trong công tác Đảng, không phải chính quyền. Còn việc ông Dũng đang là đối tượng điều tra cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức, chưa bị xử lý về Đảng”, PGS.TS Hà nói.

Luật sư Nguyễn Công Hiếu, Công ty Luật Hiếu Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ (về “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng”) quy định về căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác. Cụ thể, “Căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng”.

“Với kết quả xác minh ban đầu của Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thì ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên là người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng trong việc thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học. Vì vậy, ông Dũng cần phải được xử lý theo quy định của Pháp luật. Có nghĩa là ĐH Thái Nguyên cần có quyết định đình chỉ công tác với ông Dũng để phục vụ công tác điều tra chứ không thể đưa vị này ra lấy phiếu tín nhiệm bầu chức danh trong Đảng ủy cơ quan”, luật sư Hiếu nêu quan điểm.

Trước đó, báo Tiền Phong thông tin, tháng 5/2018, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng (nay là Cục Cảnh sát kinh tế) tiến hành xác minh làm rõ sai phạm trong việc lập hồ sơ, chứng từ để quyết toán tiền mua vật tư, hóa chất xét nghiệm khi thực hiện Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh Thalassemia ở phụ nữ người dân tộc khu vực miền núi phía Bắc”, do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên làm chủ nhiệm đề tài.

Cụ thể, lãnh đạo Đại học Y dược Thái Nguyên cho hay, nội dung văn bản của Cục Cảnh sát Kinh tế nêu: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng là chủ nhiệm đề tài, là người ký duyệt hồ sơ quyết toán có dấu hiệu lập khống, quyết toán số tiền 230 triệu đồng mua vật tư, hóa chất phục vụ đề tài từ nguồn tiền đầu tư ngân sách.
Căn cứ tính chất, mức độ và hậu quả, thẩm quyền điều tra, ngày 08/4/2019 Cục Cảnh sát kinh tế đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Công an tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận, thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan Công an tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa thông tin kết quả.
Trước đó Tiền Phong phản ánh một số dấu hiệu khuất tất trong các Hợp đồng mua bán hóa chất để triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh Thalassemia” do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng làm chủ nhiệm.

Cụ thể, những hợp đồng mua hóa chất của Chủ nhiệm đề tài ký với 2 cửa hàng tại tỉnh Thái Bình có tổng giá trị gần 300 triệu là hợp đồng khống. Theo đó, ngay từ hóa đơn bán hóa chất đã có những bất thường. Hai hóa đơn được xuất từ hai nơi có địa chỉ khác nhau (là cửa hàng Thiết bị y tế Anh Sơn, địa chỉ 403 Lý Bôn và cửa hàng Thiết bị y tế Kim Ngân, địa chỉ 537/13/03 Lý Thái Tổ, đều ở thành phố Thái Bình) nhưng lại có chung một số điện thoại giao dịch.

Thứ 2, cửa hàng Thiết bị y tế Kim Ngân không có chủ cửa hàng là Đoàn Thị Dung (như trong hóa đơn). Còn cửa hàng Trang thiết bị y tế Anh Sơn đúng chủ cửa hàng là bà Nguyễn Thị Hến nhưng không cung cấp được hóa đơn để chứng minh đầu vào.

Theo các chủ cửa hàng, nơi cung cấp hóa chất này là Cty TNHH Thiết bị Y tế Anh Phát có địa chỉ tại 5C/92, đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tuy nhiên, khi PV đến tận nơi lại không tồn tại địa chỉ này.

(Theo Tiền Phong) LONG VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét