Sun Group - 'ông trời' không từ
trên cao - Bài 2: Danh thắng Tây Thiên trước nguy cơ sụp đổ vì dự án Tam Đảo
II
Cập nhật lúc 14:38
Dù
ít dù nhiều, những khoảng rừng, những tán cây chắc chắn bị hạ xuống để nhường
chỗ cho cả một tổ hợp nghỉ dưỡng...
Rừng Tam Đảo đột nhiên bị cấm, không người dân nào được phép bước
chân qua cánh cửa mới dựng lên gần trạm kiểm lâm. Cả những người dân sống ở thị
trấn Tam Đảo cũng không được phép vào rừng để sửa đường ống dẫn nước như thói
quen bao năm. Dân trekking (đi bộ khám phá) không có đường vào địa điểm quen
thuộc sâu trong rừng già thâm u (chùa Địa Ngục), rừng ma Ao Dứa. Đi theo
hướng Tây Thiên thì có nhóm bị chặn đánh đầy bí ẩn và khó hiểu. Ở cửa rừng
Tam Đảo, duy nhất một phương tiện chạy ra, chạy vào, đó là xe tải.
Mười ba năm trước, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cực lực phản
đối dự án Tam Đảo II. Nằm trên địa bàn ba tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên
Quang, có cấu trúc địa hình của một núi lửa cổ, nên những tác động của con
người đối với Vườn Quốc gia (VQG) Tam Đảo nói chung và khu Tam Đảo II nói
riêng đều có nguy cơ gây ra những thảm họa không chỉ đối với môi trường, mà
còn với đời sống của bà con dưới chân núi.
Thế nhưng 3 năm nay, Tam Đảo II đã và đang được sửa soạn để biến
thành khu du lịch, bất chấp những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn đã được đông đảo
các nhà khoa học hàng đầu cảnh báo trước đó.
Rừng giàu
bị “hiến tế” cho du lịch
Huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng với thị trấn Tam Đảo
được xây dựng từ thời Pháp thuộc làm khu nghỉ mát phục vụ các quan chức người
châu Âu và gia đình của họ. Khoảng những năm 1940, người Pháp còn phát hiện
một lòng chảo khác của dãy núi Tam Đảo, nằm cách khu nghỉ mát cũ khoảng 12km,
cao hơn, rộng hơn. Hai thị trấn này đều nằm trên dãy núi Tam Đảo.
Nhiều năm qua, nếu Tam Đảo I “bị” đầu tư phát triển du lịch theo
lối băm nát, thì Tam Đảo II vẫn được các nhà khoa học trân trọng bởi thảm
rừng tại vùng đất này là đặc trưng cho kiểu rừng kín nhiệt đới ẩm gió mùa ở
vùng núi cao trung bình, còn giữ được vẻ nguyên sơ, gần như chưa chịu tác
động của con người. Cấu trúc rừng ở tầng cây gỗ gần như nhau, độ che phủ trên
80%. Ở tầng cây bụi và cây thảo, có sự khác biệt lớn về thành phần loài do
thích nghi với các điều kiện môi trường ngập nước và không ngập nước.
Những cánh rừng ở Tam Đảo II được xếp vào loại rừng giàu theo
cách phân loại lâm sinh, hoặc rừng kín ẩm thường xanh chưa bị hoặc bị tác
động rất nhẹ bởi các hoạt động của con người theo quan niệm sinh thái bảo
tồn. Tính nguyên sơ và sự tồn tại của các vùng rừng này là minh chứng về giá
trị to lớn của vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên các đai cao của VQG Tam Đảo. Hơn
300ha của vùng dự án cũng là vùng giàu có về đa dạng sinh học.
Các nhà sinh vật học đã nghiên cứu, thống kê: ở Tam Đảo II, có
không dưới 58 loài có giá trị bảo tồn, trong đó 40 loài có tên trong Sách đỏ
Việt Nam và 18 loài đặc hữu. Ở đây, các nhóm có mức độ rủi ro cao trong sự
tồn vong như thú lớn, bò sát, lưỡng cư chiếm tỷ lệ rất lớn so với toàn bộ VQG
Tam Đảo.
Từ năm 1975, VQG Tam Đảo nói chung và Tam Đảo II nói riêng là nơi
lý tưởng cho nhiều thế hệ sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là
Trường đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu.
Thế nhưng, hiện nay cánh rừng nguyên sinh giàu có, đa dạng vào bậc nhất ấy
đang bị “hiến tế” cho sự phát triển du lịch.
Dù ít dù nhiều, những khoảng rừng, những tán cây chắc chắn bị hạ
xuống để nhường chỗ cho cả một tổ hợp nghỉ dưỡng. Đó là chuyện trong lõi
rừng. Còn ở ngoài bìa rừng, ven đường lên Tam Đảo I hiện nay, người ta lại
cắm rất nhiều biển cấm với nội dung: “Nghiêm cấm bẻ hoa, phá hoại, lấy trộm
cây rừng VQG Tam Đảo”.
Những nguy cơ,
thảm họa luôn rình rập
Nhà sinh vật học, tiến sĩ Trần Đình Nghĩa - nguyên giảng viên
Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - là
một trong số những người gắn bó, hiểu rõ nhất về VQG Tam Đảo. 13 năm trước,
ông Nghĩa là một trong số những nhà khoa học lên tiếng phản đối quyết liệt dự
án Tam Đảo II. Ông không ngờ, giờ đây, những nỗ lực, tiếng nói của các nhà
khoa học năm xưa là vô ích.
Ông phân tích: vùng Tam Đảo II có vai trò đặc biệt đối với bảo vệ
môi trường, bởi Tam Đảo II nằm trong vùng có lượng mưa cao nhất của dãy núi
Tam Đảo. Tam Đảo II cân bằng nước dư thừa, là nguồn cung cấp nước quan trọng
cho các vùng đồng bằng và trung du ở chân núi. Tỷ lệ nước thấm vào các kẽ
nứt, các mạch trong lòng đất, giữa các khối đá mẹ và chuyển sang dạng nước ngầm
ở Tam Đảo II là rất cao nhờ cấu trúc đặc trưng của nền địa chất. Nhờ vậy,
cường độ các dòng chảy bề mặt giảm bớt, nên trong mùa mưa, nước lũ chảy mạnh
nhưng chưa xảy ra lũ quét với sức tàn phá lớn bao giờ. Thảm thực vật vùng Tam
Đảo II không chỉ là một bộ phận của vẻ đẹp kỳ vĩ cho mục đích du lịch sinh
thái mà còn là tác nhân gia cố cho các cấu trúc địa chất, địa hình vốn đã ẩn
chứa nhiều tiềm năng tai biến.
Bất kỳ một cây nào bị chặt, rễ bị phân hủy thì cấu trúc gia cố
này cũng suy giảm, tạo nguy cơ mất cân bằng trong cấu trúc địa hình dẫn đến
nguy cơ sụt lở tăng lên. Nguy cơ đó, sự gia cố bằng bê tông, nhựa đường không
thể cứu vãn được. Mảnh đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, giá trị đa dạng sinh
học cao ở chính trung tâm vùng bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Tam Đảo đang đứng
trước những thử thách tồn vong của đa dạng sinh học và những biến đổi khó
lường của môi trường sống.
Tam Đảo II như một cái phễu gom góp nước từ các vùng cao hơn trên
đỉnh núi, chuyển chúng sang dạng nước ngầm cung cấp cho các dòng suối vùng
chân núi, nhờ vậy vào mùa đông, ít mưa, nhưng các dòng suối trong vùng vẫn
không hết nước.
Khi bê tông hóa, diện tích thấm nước ở bề mặt giảm không những
làm sông suối cạn kiệt, ảnh hưởng đến nhiều vùng, cả đồng bằng và trung du
Bắc bộ (sông Cà Lồ bắt nguồn từ dãy Tam Đảo), mà còn khiến lượng nước chảy
trên bề mặt nhiều hơn, dòng chảy mạnh hơn, gây ra lũ lụt ở cả sườn và chân
núi.
Với cấu tạo địa hình của Tam Đảo - một vùng núi khối tảng nâng
trồi mạnh với các hệ thống đứt gãy địa chất phức tạp, tạo ra nhiều vách dốc
đứng, các đới phiến hóa, kaolin hóa, nhất là ở phần phía nam của Tam Đảo II -
thì khi xảy ra thảm họa, toàn bộ danh thắng Tây Thiên vốn tựa lưng vào dãy
núi sẽ là nơi phải gánh chịu đầu tiên và nặng nề nhất.
Chưa kể, Tam Đảo II là vùng có nguy cơ trượt lở cao ở các sườn
núi dốc, các sườn đồi dốc thoải, các bề mặt đỉnh, vai địa hình và trung tâm
lòng chảo. Và vùng có nguy cơ ngập lụt chính là trung tâm lòng chảo.
Ông Nghĩa lo - nỗi lo 13 năm trước như vẫn còn vẹn nguyên: việc
xây dựng ở Tam Đảo II sẽ phá hủy mối cân bằng của địa hình do thiên nhiên tạo
ra, do đó sẽ khởi phát các quá trình tai biến động lực như trượt lở, lũ quét,
lũ bùn đá, gây ảnh hưởng khó lường đến vùng sườn và chân núi trên một diện
tích chắc chắn lớn gấp nhiều lần diện tích xây dựng.
“Đánh
lận” khái niệm du lịch
Có lẽ, không ở đâu làm du lịch sinh thái mà trang bị tiện nghi
đến tận răng như ở ta. Dự án nào cũng nói mục tiêu hướng đến khách du lịch
nước ngoài nhưng thực tế, người nước ngoài không bao giờ có khái niệm hưởng
các dịch vụ hiện đại khi đi du lịch sinh thái.
Rất nhiều nhóm khách du lịch nước ngoài muốn cõng lều bạt, lội bộ
xuyên qua những trảng rừng tuyệt đẹp của Việt Nam. Du lịch sinh thái đúng
nghĩa cũng không phải là điều mới mẻ đối với VQG Tam Đảo. Từ năm 1914, người
Pháp đã giới thiệu Trạm nghỉ mát mùa hè Tam Đảo như là một vùng thiên nhiên
đẹp với các tuyến đi nguyên sơ nhưng rất thuận tiện cho việc khảo cứu động
thực vật và thưởng ngoạn cảnh rừng.
Ngay trong quyết định thành lập VQG Tam Đảo, nhiệm vụ tuyên truyền,
giáo dục phổ cập lòng yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân, tạo
môi trường tốt phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, du lịch và nghỉ mát đã
được xác định. Nhiệm vụ ấy đã được VQG Tam Đảo thực hiện khá thành công trong
nhiều năm qua. Hằng năm, VQG đã hợp tác, tạo điều kiện cho các nhà khoa học
quốc tế nghiên cứu sinh học, lâm học. Về thực chất, đó cũng là hoạt động du
lịch sinh thái.
Câu chuyện của Tam Đảo II hôm nay khiến chúng tôi nhớ đến cố giáo
sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Trương, nhà sinh thái học hàng đầu, chuyên
gia rừng nhiệt đới, là người lập ra Viện Kinh tế sinh thái, viện dân lập đầu
tiên ở nước ta.
13 năm trước, trong một hội thảo về việc biến Tam Đảo II thành
khu du lịch, giáo sư Trương có nói đại ý, nếu không giữ được Tam Đảo II, đó
sẽ là sự xấu hổ của những người làm khoa học. Khi tôi nhắc lại lời giáo sư
Trương, đôi vai tiến sĩ Nghĩa chùng xuống, mái tóc bạc lòa xòa che kín mặt,
ông ngồi lặng im như một pho tượng.
(Theo Phụ nữ
TPHCM) Nhóm phóng viên
|
Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét