Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Làm rõ trách nhiệm tổng thầu EPC Trung Quốc

Cập nhật lúc 09:22      

Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai sót, vi phạm liên quan dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.


Chỉ 1% hạng mục công trình nhỏ chưa hoàn thành, cả dự án 868 triệu USD nằm chờ dài dài (biểu đồ: Q.Thành) Ảnh: Như ý

Mới đây nhất, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ động biện pháp xử lý dứt điểm, hoặc đề xuất cấp trên xử lý (nếu vượt thẩm quyền) với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Nghị quyết của Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu, không để tình trạng chậm trễ tiến độ dự án đường sắt đầu tiên ở Hà Nội này kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban QLDA đường sắt, Bộ GTVT làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu EPC Trung Quốc và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký. Đối với Cục Đường sắt Việt Nam, phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai sót trong tạm phê duyệt dự toán gói thầu EPC, thẩm định, phê duyệt dự toán còn nhiều sai sót, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu giữa các nhà thầu Trung Quốc không đúng quy định.

Làm rõ trách nhiệm “đội” vốn 10 nghìn tỷ đồng
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án tốn giấy mực nhất của báo giới, cũng như nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Đội vốn, kéo dài tiến độ là hai điểm đáng quan tâm nhất trong dự án này. Sau nhiều lần lỗi hẹn, đến nay, dù đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, chỉ còn lại 1% với một số hạng mục nhỏ, nhưng đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Đơn giản vì 1% còn lại của dự án này lại liên quan đến tính an toàn của hệ thống.

Dự án đình đám này ban đầu được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt vào năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (khoảng 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Hai năm sau khi được phê duyệt, vào tháng 10/2011 dự án được khởi công và mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014. Nhưng sau hạn mốc thời gian đó, dự án liên tục trượt dài trong điệp khúc chậm tiến độ. Rồi bất ngờ vào đầu năm 2016, dự án được điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (khoảng 18.000 tỷ đồng). Sau một vài lần chạy thử, dự án tiếp tục chậm tiến độ đến ngày hôm nay.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt sai sót trong dự án đầy tai tiếng này. Đầu tiên phải kể đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỷ đồng lên 18.001,59 tỷ đồng, tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%. Theo cơ quan kiểm toán, việc tăng tổng mức đầu tư theo Quyết định 513 của Bộ GTVT vào tháng 2/2016 trong khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và xin chủ trương của Quốc hội là chưa đúng quy định của Nghị quyết số 49 của Quốc hội và Luật Đầu tư công. Về việc đội vốn 10 nghìn tỷ đồng này, Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định.

Kiểm toán cũng chỉ ra rằng, việc Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt hình thức “chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án” là chưa phù hợp với Nghị định số 16 của Chính phủ, do chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý. Chủ đầu tư lại không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định. Bên cạnh đó, việc bộ chủ quản cho phép ban quản lý dự án (BQLDA) giao Tổng thầu EPC Trung Quốc phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công là chưa phù hợp thẩm quyền.

Đặc biệt, trong lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát theo hình thức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà thầu Trung Quốc. Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu và phê duyệt trúng thầu trước khi được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc để thanh toán cho gói thầu này chưa đúng quy định của Luật Đấu thầu.

Biết lỗ vẫn làm?

Điểm đáng lưu ý khác, theo đơn vị kiểm toán, việc chủ đầu tư kết luận dự án hiệu quả về mặt kinh tế là thiếu chính xác. Bởi khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác. Trong khi đó, phương án tài chính công trình ngay từ khi lập dự án đã cho thấy khả năng phải bù lỗ rất lớn, nhưng các bên có liên quan lại chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, lưu lượng khách hàng do đơn vị tư vấn lập dự án giả định tính toán cao hơn nhiều so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT.

Kiểm toán nhà nước đánh giá, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay chưa hiệu quả do việc phối hợp triển khai thực hiện và giải quyết những khó khăn trong thực hiện cơ chế tài chính chậm chạp, kéo dài. Việc vay vốn của Trung Quốc trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn đầu tư cho dự án, nhưng gặp những ràng buộc, bất lợi cho phía Việt Nam như phải thực hiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện 13.751,4 tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư. Về tiến độ dự án, đến thời điểm kiểm toán vào cuộc, dự án vẫn chưa hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư, chậm gần 4 năm.

Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban QLDA đường sắt, Bộ GTVT làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu EPC Trung Quốc và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký. Đối với Cục Đường sắt Việt Nam, phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai sót trong tạm phê duyệt dự toán gói thầu EPC, thẩm định, phê duyệt dự toán còn nhiều sai sót, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu giữa các nhà thầu Trung Quốc không đúng quy định.

Cơ quan kiểm toán cũng đề nghị Bộ GTVT phải tăng cường kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, tư vấn đối với công tác hoàn thiện của tổng thầu nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ thuật cho công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng.

(Theo Tiền Phong) THÀNH NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét