Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Lập luận của Trung Quốc về vùng Biển Đông: Ngụy biện và vô lý

Cập nhật lúc 10:07   

Căng thẳng xung quanh khu vực Bãi Tư Chính đến nay đã gần bước sang tháng thứ ba, tình hình nghiêm trọng đến mức báo động. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu các loại vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước ASEAN khác.



Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: GETTY IMAGES
Mưu đồ
Ý đồ cũng như mục tiêu các lần xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nằm trong tiến trình thực hiện chính sách “tằm ăn dâu” nhằm độc chiếm Biển Đông và thực hiện chiến lược biến Trung Quốc thành cường quốc đại dương.
Về các biện pháp thì muôn hình vạn trạng, từ “ngoại giao pháo hạm”, đến “vừa ăn cướp vừa la làng”, từ dùng vũ lực để đe doạ đến thực hiện “tam chủng chiến pháp”… Đây chính là chính sách nước lớn ức hiếp nước nhỏ, một dạng của chính sách bá quyền trong thời đại mới và cũng là một truyền thống trong chính sách bành trướng của Bắc Kinh đối với khu vực, trong đó có Việt Nam.
Đã bất chấp luật pháp quốc tế, cậy lớn ức hiếp nhỏ, nhưng Trung Quốc còn mang luật quốc tế ra biện minh. Ngày 18.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn cho rằng: “Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các vùng nước kế cận gần bãi Tư Chính”. Lập luận của Trung Quốc như vậy là hết sức ngược ngạo và vô lý.
Trong tuyên bố này, dường như Trung Quốc muốn cho rằng bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, và vì Trung Quốc có chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, cho nên Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại khu vực biển này.
Trước đây, Trung Quốc luôn đưa ra yêu sách dựa trên “đường lưỡi bò”, với các cách giải thích lập lờ khác nhau, cho dù yêu sách này không có cơ sở trong luật quốc tế. Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Phán quyết của Toà trọng tài ngày 12.7.2016 đã thẳng thắn bác bỏ yêu sách quyền lịch sử nằm trong “đường lưỡi bò“ của Trung Quốc. Mặc dù tuyên bố công khai rằng phán quyết chỉ là “tờ giấy lộn”, nhưng Trung Quốc cũng hiểu tác dụng của phán quyết khiến cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” có nhiều điều bất ổn, do đó phản tác dụng. Chính vì vậy, trong tuyên bố ngày 18.9.2019, Trung Quốc đã tỏ ý tránh đề cập đến “đường lưỡi bò”, nhưng vẫn yêu sách mọi thứ trong đó.
Vô lý
Trung Quốc muốn hợp lý hóa các hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bằng cách việc nói rằng bãi ngầm Tư Chính (mà Trung Quốc gọi là Vạn An) là một phần của quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Vấn đề hoàn toàn không phải như vậy.
Tàu hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu tại khu vực xung quanh lô 06-01, nơi Việt Nam đang khai thác mỏ khí đốt Lan Tây - Lan Đỏ. Khu vực lô 06-01 này nằm trên bể Nam Côn Sơn, chứ không phải nằm trên bãi Tư Chính. Bể Nam Côn Sơn hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không phải, không thể và chưa bao giờ là đối tượng tranh chấp đối với Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc vẫn cho tàu quấy nhiễu và lập luận rằng là đây là khu vực thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc. Lập luận này hết sức hồ đồ.
Thứ nhất, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Thứ hai, trong phán quyết trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 có thể hiện mấy vấn đề quan trọng liên quan đến vấn đề này, đó là: (1) Đường chín đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” không có hiệu lực vì ko có cơ sở trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và luật quốc tế. (2) Không có thực thể địa lý nào ở Trường Sa đủ tiêu chuẩn là đảo theo UNCLOS để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo. (3) Không thể coi quần đảo Trường Sa như một đơn vị thống nhất để vẽ đường cơ sở rồi tính vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh. (4) Không quốc gia nào có thể yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi nằm bên ngoài lãnh hải, vốn được coi như một phần của đáy biển. Vì thế, cũng không thể đòi chủ quyền đối với bãi ngầm như bãi Tư Chính luôn chìm dưới mặt nước biển, chỗ nhô lên cao nhất vẫn cách mặt nước biển 16m.
“Cuộc đấu tranh” lâu dài
Với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, có thể xác định đây sẽ là “cuộc chiến” lâu dài không chỉ của Việt Nam mà còn của cả các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines… để bảo vệ vùng biển và lợi ích hợp pháp của mình.
Trước mắt, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp như tiếp tục phản đối hành vi xâm phạm của Trung Quốc qua các kênh chính trị, ngoại giao với Trung Quốc; vận động cộng đồng quốc tế bày tỏ sự ủng hộ và nêu vấn đề này tại các cơ chế đa phương liên quan.
Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ có vị thế mạnh hơn để vận động các nước ASEAN khác bảo vệ luật pháp quốc tế; Việt Nam cũng có thể nói rõ sẽ không đồng ý với một COC không bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình.
Chắc rằng với sự nỗ lực, đoàn kết của cả dân tộc cùng với sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ đuổi được những kẻ xâm phạm ra khỏi vùng biển hợp pháp của mình, như các thế hệ cha ông đã nhiều lần làm được để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chính nghĩa luôn được ủng hộ, luôn thắng trước những kẻ cường quyền, hung hãn.

Các phản ứng chính trị và ngoại giao là cần thiết, nhưng nếu Trung Quốc không thay đổi, Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn hành động pháp lý quốc tế theo UNCLOS 1982.
THẠC SĨ HOÀNG VIỆT - GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM, THÀNH VIÊN BAN NGHIÊN CỨU LUẬT BIỂN VÀ HẢI ĐẢO CỦA LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét