Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Giao rừng đặc dụng Tam Đảo cho doanh nghiệp là điều quá bất thường

Cập nhật lúc 15:30                
Trên cả nước, hiện có rất nhiều dự án mang danh cải tạo, tôn tạo hoặc phát triển du lịch, nhưng bản chất chỉ là những dự án bất động sản.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, một trong những người lên tiếng khá mạnh về hiện trạng lấn sông trên toàn quốc - lại là bên mở đầu buổi trao đổi với chúng tôi bằng câu hỏi: "Nhà báo cho biết dự án ở Tam Đảo có quy mô và tính chất như thế nào?".
Phóng viên: Theo Quyết định 2992/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo” có quy mô 385,5ha đất rừng đặc dụng (thuộc các xã Đạo Trù, Đại Đình, Tam Quan, H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) được giao cho chủ đầu tư thuê để kinh doanh du lịch sinh thái trên cơ sở chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2015.


Luật sư Trương Anh Tú

Bản chất chỉ là những dự án bất động sản
Luật sư Trương Anh Tú: Tôi thấy trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng nói riêng, bảo vệ tài nguyên quốc gia nói chung, còn nhiều bất cập. Trên cả nước, hiện có rất nhiều dự án mang danh cải tạo, tôn tạo hoặc phát triển du lịch nhưng dưới lăng kính của người làm công tác nghiên cứu pháp luật, tôi đánh giá, bản chất đây chỉ là những dự án bất động sản được khoác lên mình nhiều “cái áo” khác nhau mà thôi.
* Thưa ông, rừng đặc dụng có thể hiểu là những tài nguyên bất khả xâm phạm đối với sự tồn vong và phát triển bền vững của quốc gia?
- Môi trường Vườn Quốc gia Tam Đảo chính là rừng đặc dụng. Luật Bảo vệ và phát triển rừng xác định, rừng đặc dụng là một trong các loại rừng được ưu tiên bảo vệ cao nhất. Mang cái tên như thế cho thấy, luật xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ những cánh rừng cho quốc gia chứ không chỉ có điều chỉnh hoạt động về rừng.
Mục tiêu thứ hai còn là phát triển rừng. Tại sao? Trong suốt những năm chiến tranh và về sau này, chúng ta đã tàn phá thiên nhiên, tàn phá những cánh rừng nặng nề. Tôi nhớ từ năm 1993, Chính phủ đã có chỉ thị đóng cửa rừng để chặn đứng việc hủy hoại môi trường sống của chúng ta.
Từ đó trở đi, chúng ta quyết liệt trồng rừng. Có thời kỳ, nhiều dự án trồng lại hàng triệu héc-ta rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc trên cả nước.
Có thể thấy, tinh thần bảo vệ và phát triển rừng là không thay đổi, từ khái niệm về rừng đặc dụng cho đến quy trình giao, sử dụng, bảo vệ và phát triển.
* Đối với Tam Đảo, hàng trăm héc-ta rừng đặc dụng đã được duyệt cho mục đích du lịch sinh thái, liệu có thể được chấp nhận như là sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội không, thưa luật sư?
- Theo góc nhìn của tôi, không nói tất cả, nhưng hầu hết các dự án, hễ cứ quai đê lấn biển, bạt núi ngăn sông trong thời đại hiện nay về cơ bản là những hình thức hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan quốc gia. Và Nhà nước cần phải đánh giá lại toàn thể những dự án này.
Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn những cảnh quan thiên nhiên chung cho đất nước, cho thế hệ mai sau, không cho phép những chủ đầu tư lợi dụng việc phát triển kinh tế - xã hội để trục lợi trên những tài nguyên thiên nhiên quốc gia như thế được.
Dự án Tam Đảo những ngày qua gây xôn xao dư luận cả nước. Phải thấy rằng, việc phát triển kinh tế - xã hội là điều rất cần thiết. Đảng, Nhà nước kêu gọi, xã hội có nhu cầu và các chủ đầu tư tham gia cùng Nhà nước, nhân dân để khai thác tốt tài nguyên thiên nhiên quốc gia, thúc đẩy kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng đã xác địnhkhông đánh đổi môi trường lấy những lợi ích kinh tế trước mắt kia mà.
* Ông có thể nói rõ ý kiến của mình?
- Tôi xin nói thẳng, không phải dự án nào cũng mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội, cho đất nước. Một dự án phân lô bán nền hay bạt núi ngăn sông thì lợi ích chính thuộc về chủ đầu tư, Nhà nước chỉ được một phần rất hạn chế, trong khi nhân dân thì bị mất rất nhiều thứ mà không thể nào lấy lại được.
Như Tam Đảo, phải xác định là khu vực rừng đặc dụng quốc gia được Luật Bảo vệ và phát triển rừng xác định đặc biệt ưu tiên bảo tồn. Mọi hành vi tác động đều có khả năng gây tổn hại đến rừng, đến môi trường. Cho nên, phải hết sức cẩn trọng trong vấn đề quản lý, khai thác và đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng của rừng.
Chính vì thế, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2016 đã thay đổi về thẩm quyền; từ thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có rừng, nay bổ sung thêm quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có diện tích từ 50ha trở lên phải hỏi ý kiến Quốc hội, chứ không phải các bộ, ban, ngành hay chính quyền địa phương tự ý cho phép những dự án đó.
Tôi không thể hiểu tại sao lại có thể cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác, xây dựng trên rừng đặc dụng quốc gia như vậy. Ở góc nhìn của tôi, việc này không phù hợp, tác động xấu, tiêu cực đến cảnh quan, môi trường, cụ thể ở đây là Vườn Quốc gia Tam Đảo.


Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo

* Theo quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ dự án là Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô. Quyết định này được Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký ngày 26/12/2016 thì một ngày sau (27/12), dự án đã được khởi công. Đặc biệt, trang web của Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc còn nói rõ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II, hạng mục nhà ga đi cáp treo…
- Với tư cách là người làm công tác pháp luật có quan tâm các vấn đề kinh tế - xã hội, tôi khẳng định, trong lĩnh vực bất động sản, những năm qua, có hiện tượng chuyển nhượng, mua bán lòng vòng tư cách chủ đầu tư. Các chủ đầu tư thực hiện những thủ tục hành chính ban đầu rồi chuyển nhượng qua tay nhiều người, nhiều doanh nghiệp.
Phía sau nó, ai cũng hiểu rằng, có các vấn đề “hậu trường” rất phức tạp. Nó có thể quá sức tưởng tượng của những người bình thường như chúng ta, mà cũng có thể chúng ta không tiện nói ra.
Dù người ta muốn nói gì thì nói, trong góc nhìn cá nhân, tôi đánh giá đây chỉ là một dự án bất động sản. Thế thì với các dự án này, họ đều đã xây dựng những kế hoạch vô cùng khoa học, chu đáo, trong thời gian dài… Những diễn biến liên tiếp nhau như vậy (ngày 26 phê duyệt, ngày 27 khởi công) cũng không nằm ngoài những ý kiến của tôi, rằng có rất nhiều vấn đề “hậu trường” mà chúng ta không thể biết hết được, không thể đoán định được. Bất động sản là một vòng tuần hoàn khép kín, nó không giống những loại giao dịch làm ăn khác, mà là thứ “làm ăn đặc biệt” tại Việt Nam hiện nay.


Ngày 26/12/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II cho Công ty Sông Hồng Thủ Đô thì ngày 27/12/2016 tập đoàn Sun Group tổ chức lễ khởi công dự án này.

Riêng việc “giao rừng” đã hàm chứa sự bất ổn
* Thưa luật sư, nếu xem kỹ ở phần căn cứ pháp lý, Quyết định 2992/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ căn cứ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học chứ không hề căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Phải chăng do lúc đó, luật này chưa có hiệu lực?
- Tôi cũng băn khoăn như thế. Nhưng nên nhớ, luật này đã ra đời từ năm 1991. Qua hai lần sửa đổi, bổ sung (năm 2004 và gần đây nhất là 2016), thì tinh thần pháp luật không thay đổi. Một khi đã “động chạm” đến rừng mà không căn cứ vào các quy định có liên quan thì rõ ràng đã phản ánh góc nhìn chưa đầy đủ, toàn diện về dự án của bộ này.
* Mặc dù trong Quyết định 2992/QĐ-BTNMT có nêu ra rất nhiều điểm nhằm “lưu ý” chủ đầu tư đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường nhưng đây là rừng đặc dụng. Điều này có trái quy định hay không?
- Tôi chưa xác định quyết định này có trái quy định pháp luật hay không. Tuy nhiên, với tư cách một công dân, tôi cho rằng, với những văn bản như thế, dù có thể hiện sự “quan tâm sâu sắc”, “trách nhiệm to lớn của cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ rừng” nhưng nó cho thấy chỉ là “lý thuyết”, bởi riêng việc giao rừng cho doanh nghiệp đã là điều quá bất thường. Rừng đặc dụng mà giao cho doanh nghiệp khai thác đã hàm chứa điều gì đó bất ổn. Nên cho dù anh có nói gì, anh “quan tâm sâu sắc” gì, “yêu cầu tuân thủ” gì trong văn bản đó, đều không có nhiều giá trị.
* Xin cảm ơn luật sư.
(Theo Phụ nữ TPHCM) Nhóm phóng viên thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét