Nhiều dấu hỏi lớn quanh vụ đánh bạc nghìn tỷ ở Hải Phòng
Cập nhật lúc 11:00
Sự việc gần 400 đối tượng người Trung
Quốc ngang nhiên biến khu đô thị (KĐT) Our City, quận Dương Kinh (Hải Phòng)
thành “thánh địa” riêng để tổ chức đường dây đánh bạc trong thời gian dài đã
dấy lên sự lo ngại về công tác quản lý của chính quyền TP. Hải Phòng.
Dự án khu đô thị Our City được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đô
thị nhà ở, như một điểm nhấn trong đô thị Hải Phòng
KÐT Our City
của ai?
Với quy mô
hoành tráng, tầm cỡ quốc tế, khu nhà ở với kiến trúc châu Âu, trung tâm
thương mại, vui chơi giải trí... theo kế hoạch, dự án KĐT Our City được kỳ
vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị nhà ở, như một điểm nhấn trong đô thị
Hải Phòng.
Dự án nằm sát bên đường Phạm Văn
Đồng nối trung tâm Hải Phòng với khu du lịch Đồ Sơn. Phía Đông liền kề với
con sông Lạch Tray, đây là địa điểm đắc địa bởi giao thoa của hệ thống giao
thông và các công trình công cộng lớn của Hải Phòng.
Theo quy hoạch tổng thể, diện
tích của dự án là 43 ha, tổng diện tích xây dựng 680.871 m2, tỷ lệ xanh hóa
48,22%, dự án được chia làm 6 khu, bao gồm: 5 khu nhà sinh thái với sản phẩm
chủ đạo là các biệt thự đơn lập, biệt thự liền kề và 1 khu thương mại tổng
hợp cỡ lớn với số vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 85 triệu USD.
Có
gần 400 đối tượng người Trung Quốc bị tạm giữ nhưng chỉ có 27 người có đăng
ký tạm trú với chính quyền địa phương.
Năm 2005, dự án này đã được Sở Kế hoạch & Đầu tư Hải Phòng cấp phép. Đây là dự án bất động sản đầu tiên của Việt Nam có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam thuộc Tập đoàn Hiệp Phong Hồng Kông- Trung Quốc (Qia Feng Holdings Limited).
Tuy nhiên, tính đến thời điểm
hiện tại, sau 14 năm được cấp phép, đất giao cho Our City cơ bản vẫn để
trống, một phần nhỏ được xây dựng một vài căn nhà 3 tầng và khu trung tâm
điều hành 5 tầng trở thành “sào huyệt” của đường dây đánh bạc quốc tế siêu
khủng.
Đến ngày 14/9/2014, Công ty TNHH
Hiệp Phong Việt Nam lại công bố việc hợp tác chiến lược với Công ty CBRE
Singapore - chi nhánh Đông Nam Á và Công ty CBRE Việt Nam (thuộc Tập đoàn
CBRE) cùng những nội dung điều chỉnh lớn về quy hoạch tổng thể của KĐT thương
mại Our City.
Đáng chú ý,
từ khi đưa vào sử dụng cách đây vài năm, KĐT Our City khá vắng vẻ. Sinh sống
tại đây chủ yếu là người Trung Quốc. Không những vậy, KĐT này còn hạn chế cho
người lạ tiếp cận, vào thăm; khách hàng muốn vào thuê địa điểm bán hàng thì
phải được sự đồng ý của Ban quản lý và luôn có bảo vệ bên cạnh hướng dẫn đi
lại. Kể cả những nhân viên được thuê phục vụ dọn dẹp, cấp dưỡng cũng chỉ được
thực hiện đúng công việc tại những vị trí quy định, không được phép đi lại tự
do đến những khu vực khác.
Chính quyền ở đâu?
Gần 400 đối tượng người Trung
Quốc đã chọn Our City làm “đại bản doanh” của đường dây đánh bạc qua mạng hơn
10 nghìn tỷ trong một thời gian dài nhưng không bị phát giác. Đặc biệt, khi
cơ quan chức năng đột kích vào “sào huyệt” này, vỏn vẹn chỉ có 27 người có
đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương.
Điều đáng nói, đây là một tổ chức
tội phạm công nghệ cao, thường xuyên sử dụng mạng internet để kết nối ra nước
ngoài với một hệ thống hơn 500 máy tính và hơn 2.000 điện thoại thông minh.
Nhưng khi hợp đồng với đơn vị viễn thông để cấp đường truyền, đơn vị này đã
bỏ qua nhiều điểm nghi vấn vì trên danh nghĩa, KĐT này vẫn chưa phải là khu
dân cư đông đúc để có thể sử dụng một đường truyền khủng như thế.
Trao đổi vấn đề này với Tiền
Phong, đại diện Sở Thông tin và Truyền Thông Hải Phòng cho biết: “Việc hợp
đồng giữa doanh nghiệp với đơn vị viễn thông cung cấp đường truyền như thế
nào là hợp đồng kinh tế với nhau. Sở chỉ quản lý về mặt nhà nước có liên quan
khi xảy ra sai phạm”.
Theo nguồn tin Tiền Phong có
được, đa số những đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam qua đường du lịch. Khi
đến Hải Phòng, các đối tượng liền “cắm chốt” tại Our City để thực hiện hành
vi phạm pháp. Trong một thời gian dài, để che giấu hành tung, các đối tượng
không ra ngoài và không tiếp xúc với bất kỳ ai để tránh bị bại lộ.
Trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch
Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Thương Huyền nói: “Việc các đối tượng nhập cảnh vào
Việt Nam bằng Visa du lịch thì hỏi phía công an nhé, bên này không có trách
nhiệm, liên quan gì đến Visa cả”. Khi phóng viên hỏi về việc các đối tượng
đến Hải Phòng để du lịch thì sở có nắm được họ đến bao nhiêu người, ở đâu,
làm gì không?
Bà Huyền cho biết: “Cái đấy thuộc
về trách nhiệm xuất nhập cảnh của an ninh sân bay, không có liên quan gì đến
chúng tôi cả. Còn về phía chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về hướng dẫn du lịch
và các vấn đề liên quan đến lữ hành thôi”.
Đem vấn đề này trao đổi với đại
diện Sở Ngoại vụ Hải Phòng, vị này cho hay: “Đến nay phía sở vẫn chưa nhận
được báo cáo cụ thể nào về sự việc trên. Qua một số kênh thông tin, sở cũng
đã nắm được bản chất vụ việc và đã có văn bản báo cáo gửi lên Bộ Ngoại giao.
Về chức năng nhiệm vụ, sở sẽ giải quyết các vấn đề có liên quan đến người
nước ngoài xảy ra trên địa bàn”.
Cho đến nay, đã hơn 5 ngày kể từ
khi Bộ Công an triệt phá “sào huyệt” của đường dây đánh bạc qua mạng do người
Trung Quốc tổ chức tại Our City, phía chính quyền Hải Phòng vẫn chưa có văn
bản chính thức nào thông tin sự việc cũng như truy cứu trách nhiệm đối với
những đơn vị có liên quan vì đã để xảy ra vụ việc trên.
Theo
nguồn tin của Tiền Phong, sáng 1/8, gần 400 đối tượng người Trung Quốc có
liên quan đến đường dây đánh bạc hơn 10 nghìn tỷ sẽ được Bộ Công an trao trả
cho phía Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, theo Hiệp định
tương trợ tư pháp Việt Nam - Trung Quốc. Vụ án này sẽ thuộc thẩm quyền điều
tra mở rộng, xử lý cuối cùng của Công an Trung Quốc. Cơ quan chức năng Trung
Quốc xác định các đối tượng cầm đầu trong băng tội phạm công nghệ cao này
đang lẩn trốn ở nước ngoài.
(Theo Tiền Phong) HOÀNG DƯƠNG -
PHƯƠNG LINH
|
Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét