Gây rối sân bay,
nữ Đại úy công an chịu thêm những trách nhiệm gì?
Cập nhật lúc 15:33
Mấy ngày hôm nay trên báo chí và mạng xã hội đang rộ lên thông
tin, clip một người phụ nữ trung tuổi với thái độ hung hãn, lời lẽ cục cằn,
thô lỗ luôn mồm chửi bới, xúc phạm, thách thức nhân viên hàng không và nhân
viên an ninh tại sân bay, hành động này đã khiến nhiều người không khỏi bức
xúc, phẫn nộ.
Bất ngờ hơn khi thông tin cho thấy người phụ nữ này lại là Đại uý
công an, hiện đang công tác tại Công an quận Đống Đa, Hà Nội. Ai cũng biết
rằng lực lượng công an nhân dân được tuyển chọn hết sức kỹ lưỡng, được giáo
dục đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đặc biệt là luôn luôn tuân thủ
về đạo đức, tác phong, phát ngôn, và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy
công an nhân dân... Khi tiếp xúc với dân cán bộ công an nhân dân phải có thái
độ chuẩn mực, lịch sự, có văn hoá. Tuy nhiên, hành vi, thái độ của người phụ
nữ này khiến mọi người hết sức bất ngờ.
Theo thông tin phản ánh trên báo chí, cơ quan hàng không đã xác
định người phụ nữ này có hành vi gây rối trật tự công cộng và đã xử phạt hành
chính theo quy định tại điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành
chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức xử phạt là
200.000 đồng khiến dư luận lại càng bức xúc và cho rằng mức xử phạt như vậy
là chưa đủ sức răn đe.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư
Chính Pháp cho rằng, hành vi gây rối trật tự công cộng, xúc phạm danh dự nhân
phẩm của người khác xảy ra tại khu vực hàng không, sân bay nếu không được
ngăn chặn, kiểm soát thì có thể ảnh hưởng, đe dọa đến an toàn bay, an ninh
hàng không nên hành vi này có thể áp dụng quy định về xử phạt hành chính
trong lĩnh vực hàng không dân dụng để giải quyết với mức chế tài hành chính
nghiêm khắc hơn chứ không xử phạt theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo quy định tại điểm h, khoản 4, Điều 26, Nghị định
162/2018/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì
hành vi: “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm
danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại
cảng hàng không, sân bay;” sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến
5.000.000 đồng.
Theo Luật sư Cường, trong hoàn cảnh này, dù xử phạt 200.000 đồng
theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP hay phạt đến 5.000.000 đồng theo quy định tại
khoản 4, điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP và đình chỉ công tác 30 ngày
công tác thì đây cũng chỉ là xử lý ban đầu. Và dù xử phạt hành chính 200.000
đồng nhưng áp dụng Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người phụ nữ này được xác
định là có “tiền sự”. Nếu sau đó còn có hành vi vi phạm tương tự thì dù chưa
đến mức nghiêm trọng, người này sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự
công cộng.
Bên cạnh đó nữ Đại úy công an Lê Thị Hiền cho rằng, mình bị oan,
clip bị cắt ghép, vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ trong thời
hạn 30 ngày theo quyết định của Giám đốc công an thành phố Hà Nội để có hình
thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, theo vị luật sư này với những gì đăng tải công
khai thì hành vi của nữ đại úy này rõ ràng là đã vi phạm Quy tắc ứng xử của
công an nhân dân được quy định tại thông tư 27/2017/TT-BCA.
Theo đó, nguyên tắc ứng xử chung của công an nhân dân là tuân thủ
Hiến pháp, pháp luật và điều lệnh Công an nhân dân; Tôn trọng, bảo vệ quyền,
lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức;
Phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc và truyền thống
Công an nhân dân; Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải chấp hành nghiêm túc
quy trình công tác, quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức nghề nghiệp có liên
quan.
Ngoài ra, Thông tư 16/2016/TT-BCA về việc xử lý kỷ luật cán bộ,
chiến sĩ Công an nhân dân cũng quy định về vi phạm quy tắc ứng xử của cán bộ,
chiến sĩ công an nhân dân khi có một trong các hành vi như vi phạm quy định
về quyền và nghĩa vụ của công dân được pháp luật quy định; các quy định về
nội quy, quy tắc, các chuẩn mực, thuần phong mỹ tục tại nơi làm việc, địa
điểm công cộng và nơi cư trú. Do đó, với hành vi mắng chửi, nhục mạ nhân viên
sân bay, hành vi gấy rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm nghiêm trọng
quy tắc ứng xử cán bộ, CAND.
Bởi vậy, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì hành vi này sẽ bị
xử lý kỷ luật, có thể là: Cảnh cáo, giáng chức, hạ quân hàm hoặc mức độ cao
nhất là tước danh hiệu Công an nhân dân (loại ngũ, cho ra quân)... tùy thuộc
vào tính chất mức độ hành vi, nguyên nhân và hậu quả đối với xã hội ... Việc
xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả xác minh của thủ trưởng cơ quan
này và căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, quy định về kỷ luật trong
công an nhân./.
|
Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét