Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Xóa độc quyền mới bỏ được Quỹ Bình ổn giá xăng

Cập nhật lúc 09:20     
Ðại diện Bộ Tài chính và một số chuyên gia cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn đang phải giữ để cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chỉ khi nào xóa bỏ thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu được thả nổi theo thị trường mới có thể bỏ quỹ.


Quỹ bình ổn giá xăng dầu đôi lúc chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại. Ảnh: Hồng Vĩnh

Liên quan đề xuất bãi bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của Đoàn giám sát Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đã nhiều lần trình Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 83, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông, hiện xăng dầu sản xuất trong nước đã đáp ứng gần 80% nhu cầu, còn 20% là nhập khẩu, nhất là nguyên liệu sản xuất phần lớn nhập khẩu. Do đó, ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới với trong nước vẫn rất lớn. Để cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn cần Quỹ Bình ổn xăng dầu để tránh cú sốc cho thị trường.

“Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hằng ngày thì khi đó sẽ không cần quỹ nữa. Còn nếu theo cơ chế hiện nay thì vẫn cần thiết”, ông Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, trước mắt vẫn nên giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu nhưng cách điều hành quỹ cần cải tiến chứ không phải như vừa qua mang tính “triệt tiêu” sự biến động thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chỉ khi chấp nhận thả nổi giá xăng dầu theo thị trường, lúc đó mới tính đến bỏ quỹ bình ổn giá. Hiện tại, khi Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu số 1 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và Nhà nước đang điều hành giá xăng dầu thì chưa thể bỏ quỹ này.

Thực tế, theo ông Long, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các loại quỹ ngoài ngân sách, nguồn hình thành chủ yếu từ một phần đóng góp của doanh nghiệp, trích từ tiền mua xăng, dầu của người dân. Riêng với quỹ bình ổn xăng dầu, số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối thực chất là “khoản thu trước của người dân, doanh nghiệp”.

Với quỹ này, theo ông Long, chính Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) hồi tháng 4 vừa qua cũng đã kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì quỹ này. Hiệp hội này lập luận, việc trích lập quỹ 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi”.

Theo VINPA, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. “Nếu bỏ Quỹ Bình ổn giá, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới”, VINPA bày tỏ.

Theo ông Ngô Trí Long, đề xuất bỏ quỹ của VINPA và nhiều chuyên gia không phải không có lý khi việc điều hành quỹ thời gian qua có phần lạm chi. Chẳng hạn, có thời điểm quỹ bình ổn được xả ở mức cao chưa từng có, như kỳ điều hành ngày 18/3, nhà điều hành đã xả quỹ ở mức kỷ lục để bù chênh lệch với giá cơ sở, hơn 2.800 đồng một lít xăng E5 RON 92 và trên 2.600 đồng một lít với RON 95. Các mặt hàng dầu cũng được quỹ này “gánh” 1.340-1.640 đồng một lít, tùy mặt hàng.

Hai tháng gần đây, giá xăng dầu thế giới đi xuống, giá trong nước lại giảm rất ít do quỹ bình ổn đã âm và nhà điều hành phải tăng trích quỹ để bù lại số âm trước đó. Mức trích quỹ bình ổn theo đó cũng không còn tuân theo quy định 300 đồng một lít. Liên tiếp các kỳ điều hành từ giữa tháng 7 đến nay, mức trích quỹ với xăng RON 95 được duy trì ở 500 đồng một lít, E5 RON 92 là 100 đồng.

Ông Long cho hay, hiện nay trên thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh thực sự, vì Petrolimex và PVOil đang giữ vị trí độc quyền. Giá xăng dầu vẫn do nhà nước quyết định bằng mức giá trần, còn doanh nghiệp có thể điều chỉnh nhưng không được cao hơn. “Xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, tác động rất lớn đến lạm phát, do đó vẫn cần công cụ để điều tiết, kiểm soát lạm phát nên chưa thể bỏ quỹ. Chỉ khi nào thị trường cạnh tranh thực sự thì mới có thể bỏ quỹ này”, ông Long phân tích.

“Xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, tác động rất lớn đến lạm phát, do đó vẫn cần công cụ để điều tiết, kiểm soát lạm phát nên chưa thể bỏ quỹ. Chỉ khi nào thị trường cạnh tranh thực sự thì mới có thể bỏ quỹ này”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì cùng với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Có rất nhiều nội dung sẽ được bổ sung, sửa đổi gồm cả cách điều hành giá, giá cơ sở, quỹ bình ổn, dự trữ lưu thông...” Hiện tại, khi Nhà nước vẫn điều hành giá, tức là Bộ Công thương đưa ra giá cơ sở thì Quỹ Bình ổn giá xăng vẫn tồn tại. Chỉ khi Nhà nước không điều hành giá cơ sở nữa, sẽ nghiên cứu bỏ quỹ này”, vị đại diện này cho hay.

Nhiều bất cập trong chi Quỹ
Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015 - 2016 được công bố đầu năm 2018, trong 47 kỳ điều hành giá xăng dầu giai đoạn này: Có 3 kỳ trích mức Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cao hơn 300 đồng/lít, 1 kỳ mức quỹ trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thấp hơn 300 đồng/lít, 43 kỳ điều hành còn lại mức quỹ trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ổn định 300 đồng/lít.

KTNN chỉ rõ, việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn nhiều bất cập. Cụ thể, khi giá cơ sở tăng so với kỳ trước điều hành giá vẫn thực hiện trích quỹ và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Việc này sẽ làm cho giá xăng dầu vẫn tăng sau khi thực hiện điều hành giá và thực tế nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn còn tồn Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với giá trị lớn sau khi điều chỉnh tăng giá.

Để khắc phục tình trạng này, KTNN đã kiến nghị chỉ trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khi giá giảm để giá vẫn ổn định (bình ổn giá) và tạo nguồn cho quỹ, khi giá tăng không trích (để không làm tăng giá - đạt mục đích bình ổn giá) và sẽ dùng quỹ bình ổn để bù đắp, khi thiếu quỹ khi đó mới tăng giá.

“Tuy nhiên, cũng cần phải cân đối mức chi sử dụng quỹ không nên ở mức quá cao, thời gian chi không nên kéo dài, vì điều này sẽ dẫn đến giá bán trong nước thoát ly giá thế giới, nhanh cạn quỹ và khi đó buộc phải tăng giá”, KTNN nêu rõ.

Trích lập quỹ 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi”.

Kỳ điều hành ngày 18/3, nhà điều hành đã xả quỹ ở mức kỷ lục để bù chênh lệch với giá cơ sở, hơn 2.800 đồng một lít xăng E5 RON 92 và trên 2.600 đồng một lít với RON 95

Liên tiếp các kỳ điều hành từ giữa tháng 7 đến nay, mức trích quỹ với xăng RON 95 được duy trì ở 500 đồng một lít, E5 RON 92 là 100 đồng.
(Theo Tiền Phong) TUẤN NGUYỄN

 Giá xăng dầu thực ra chẳng được bình ổn gì. Khi giá xăng dầu thế giới tăng là trong nước tăng theo ngay. Khi giá thế giới giảm thì cũng miễn cưỡng giảm nhưng rất nhỏ giọt, không tương xứng mức giảm thế giới. Cái quỹ này chỉ tạo sự nhập nhèm trong thu chi mà thôi. Nên nhanh chóng bỏ đi cho dân nhờ!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét