Cẩn trọng phương pháp mới điều trị ung
thư
Cập nhật lúc 16:24
Một phương pháp điều
trị được chuyển giao từ một cơ sở y tế mà chưa được chấp thuận tại chính đơn
vị quản lý sở tại thì phải cẩn trọng.
LTS:- Bệnh viện Bạch Mai vừa
cho biết đã điều trị hiệu quả ung thư di căn bằng phương pháp miễn dịch được
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chấp thuận cho phép điều trị và được
ứng dụng tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 5/2017. Trước đó, Đại học Y Hà Nội
cũng cho biết đơn vị này sẽ đưa vaccine điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt
Nam.
Đây được xem là tin vui mang đến niềm
hi vọng cho nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác này. Với mong muốn tìm hiểu
rõ hơn về phương pháp điều trị ung thư mới cũng như có thể thông tin tới độc
giả một cách khách quan, đa chiều, báo Đất Việt đã có bài trao đổi với Ths.Bs
CKII Phan Tấn Thuận - PTP Chỉ Đạo Tuyến, đơn vị Thử nghiệm lâm sàng và Hợp
tác Quốc Tế, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM về vấn đề này.
PV:- Ông đánh giá
thế nào về phương pháp điều trị ung thư di căn mới vừa được công bố? Xin ông
nói cụ thể hơn về cơ chế cũng như nguyên tắc hoạt động của phương pháp này?
Ths.Bs CKII Phan Tấn Thuận:- Liệu pháp miễn
dịch, hay còn gọi là liệu pháp sinh học, là phương pháp điều trị ung thư bằng
cách khuếch đại hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư.
Liệu pháp này sử dụng những hoạt chất được sản suất trong nội tại cơ thể hoặc
tổng hợp từ phòng thí nghiệm nhằm cải thiện hay phục hồi hoạt động của hệ
miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch có thể hoạt động thông qua:
- Làm ngưng hoặc chậm lại sự phát triển
của tế bào ung thư
- Dừng việc lan tràn của ung thư ra
khắp cơ thể
- Giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt
hơn, qua đó tiêu diệt tế bào ung thư
Theo nghiên cứu, hiện có một số loại
liệu pháp miễn dịch bao gồm:
Một, kháng thể đơn dòng và liệu pháp
“làm mù” khối bướu (tumor-agnostic therapies).
Tức là những protein có nhiệm vụ chuyên
biệt trong cơ thể, kháng thể đơn dòng được sản xuất trong phòng thí nghiệm và
được đưa vào cơ thể người nhằm làm bất hoạt một biểu hiện protein bất thường
của tế bào ung thư (gọi là liệu pháp nhắm trúng đích, như trastuzumab cho thụ
thể HER2, bevacizumab cho thụ thể VEGF, rituximab cho thụ thể CD20, …). Ngoài
ra, kháng thể đơn dòng còn có vai trò trong liệu pháp miễn dịch, qua đó kháng
thể bám vào thụ thể miễn dịch tế bào ung thư giúp hệ thống miễn dịch nhận
biết tế bào ung thư.
Giải NOBEL Y sinh học 2018 được trao
cho 2 cơ chế miễn dịch là nhận biết các chốt chặn miễn dịch quan trọng là
PDL1 và CTLA-4. Một số thuốc điều trị trên cơ chế này đã được chấp thuận bao
gồm: Ipilimumab (Yervoy), Nivolumab (Opdivo), Pembrolizumab (Keytruda),
Atezolizumab (Tecentriq), Avelumab (Bavencio), Durvalumab (Imfinzi).
Hai, những liệu pháp miễn dịch không
đặc hiệu. Cũng như kháng thể đơn dòng, có một số thuốc miễn dịch đã được
sử dụng nhằm giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư.
Liệu pháp miễn dịch này thực ra đã được sử dụng rất lâu trước đây trong ung
thư. Hai liệu pháp miễn dịch nhóm này thường sử dụng là interferon và
interleukin, cho ung thư thận, mêlanôm...
Ba, liệu pháp ly giải bướu dùng virus.
Liệu pháp này, bác sĩ sẽ tiêm vào khối bướu một loại virus nào đó, virus sẽ
đi vào tế bào ung thư, sinh sôi và sẽ làm tế bào bướu chết. Năm 2015, FDA Hoa
Kỳ đã chuẩn thuận cho liệu pháp đầu tiên gọi là T-VEC trong điều trị mêlanôm.
Bốn, liệu pháp tế bào T. Tế bào T có
nhiệm vụ tiêu diệt nhiễm trùng hoặc những tế bào lạ xâm nhập cơ thể. Một số
tế bào T của bệnh nhân được trích xuất, sau đó được biến đổi trong phòng thí
nghiệm khi gắn thêm những thụ thể chuyên biệt giúp nhận diện tế bào ung thư.
Sau đó, những tế bào T này được nuôi cấy, nhân lên thật nhiều và được đưa trở
lại vào cơ thể bệnh nhân. Những tế bào T này sẽ săn tìm tế bào ung thư, nhận
biết những tế bào này là tế bào lạ và cần tiêu diệt. Liệu pháp này được gọi
là liệu pháp tế bào T có trùng hợp thụ thể (CAR - chimeric antigen receptor
T-cell therapy). Liệu pháp CAR có hiệu quả trong một số loại ung thư máu. Các
nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu trên vấn đề này.
Năm, Vaccine ung thư
(oncovaccine). Đây là một phương pháp khác giúp cơ thể đề kháng ung
thư. Vaccine giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết một kháng nguyên.
Khi nhận biết kháng nguyên, nó giúp hệ miễn dịch cơ thể tăng hoạt động, nhận
diện và tiêu huỷ kháng nguyên và các thành phần liên quan khác. Có 2 dạng
vaccine: vaccine điều trị và vaccine phòng ngừa.
Từ trước đến nay, có một số loại
vaccine phòng ngừa trong ung thư, nhưng chủ yếu là vaccine ngừa tác nhân gây
bệnh như vaccine HPV cho ung thư cổ tử cung hay vaccine viêm gan siêu vi B,…
Với vaccine điều trị, đa số trong giai
đoạn thử nghiệm, có hiệu quả trên lý thuyết nhằm ngăn ngừa sự phát triển của
ung thư hay ung thư quay trở lại sau một phương pháp điều trị triệt để mang
tính chữa khỏi, tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại nếu có hoặc ức chế kéo
dài không cho tế bào ung thư phát triển, lan tràn sau những phuông pháp điều
trị khác đã dừng lại vì bất cứ lý do gì (thường là không hiệu quả với những
ung thư khácng trị hoặc độc tính của các phương pháp điều trị đó). Sipuleucel
T trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến kháng trị cũng sử dụng cơ chế này và
được FDA Hoa Kỳ chấp thuận năm 2010.
PV:- Việc áp dụng
một phương pháp điều trị mới bao giờ cũng mở ra rất nhiều hi vọng cho những
bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, thực tế vẫn ghi nhận dù phương pháp
tốt vẫn có những rủi ro nhất định, có thể tương thích với người này nhưng lại
không hợp với người khác. Ví dụ như phương pháp điều trị ung thư bằng vaccine
được đánh giá cao nhưng ở Nhật Bản chưa được PMDA công nhận và cũng không
được bác sĩ khuyến khích áp dụng.
Ở Việt Nam đã ứng dụng hai phương pháp
này thế nào? Và người bệnh nên lưu ý gì, thưa ông?
Theo ông, trong công bố thông tin các
cơ sở điều trị nên rõ ràng ra sao để tránh cho người bệnh vội vã tìm tới
phương pháp điều trị mới nhưng chưa hẳn đã phù hợp với họ? Về phía cơ quan
quản lý nhà nước nên giám sát và điều chỉnh thế nào?
Ths.Bs CKII Phan Tấn Thuận:- PMDA là Cơ quan
Quản lý dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản. Tương tự như FDA của Mỹ và EMA
của Liên minh châu Âu, đây là những cơ quan kiểm soát về những sản phẩm ứng
dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh và những vấn đề liên quan đến sức khoẻ
con người.
Việc một phương pháp điều trị được
chuyển giao từ một cơ sở y tế mà chưa được chấp thuận tại chính đơn vị quản
lý sở tại chuẩn thuận trong việc sử dụng khiến chúng ta cần thật sự thận
trọng để đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Cần phải phân biệt và nêu rõ cho người
bệnh và người dân biết những phương pháp nào đã được chấp thuận bởi những cơ
quan chức năng quốc tế và Bộ Y Tế Việt Nam (khi đã chứng minh được hiệu quả
của thuốc cũng như kiểm soát được những độc tính của thuốc để đảm bảo tính an
toàn cho con người) và những phương pháp nào chỉ đang ở trong giai đoạn thử
nghiệm. Và trong giai đoạn thử nghiệm thì thuốc đang ở giai đoạn nào nữa, vì
có những giai đoạn chỉ để tìm hiểu liều thuốc, tính an toàn thuốc (pha I và
IIA) và những giai đoạn sau đó mới tìm hiểu về hiệu quả của thuốc (pha IIb
trở về sau).
Hiện nay, tại các cơ sở y tế chuyên sâu
trong điều trị ung thư, chúng tôi đã áp dụng một phần những bước tiến trong
điều trị miễn dịch và vaccine miễn dịch ung thư. Chúng tôi đã sử dụng thuốc
Ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (ICIs) trong một số loại ung thư như ung thư
tế bào hắc tố da (melanôm), ung thư phổi, ung thư đại tràng,… và hiện đang
nghiên cứu trên ung thư vú, ung thư bàng quang và ung thư gan…
PV:- Với việc áp
dụng những phương pháp tiên tiến nhất điều trị ung thư, Việt Nam đang ở đâu
trên bản đồ điều trị ung thư thế giới? Có nên kỳ vọng chúng ta sẽ đạt kỳ tích
trong lĩnh vực này hay không và nếu đạt được nó có ý nghĩa như thế nào?
Ths.Bs CKII Phan Tấn Thuận:- Hiện nay thế
giới đã “phẳng” đi và việc học hỏi áp dụng các tiến bộ trong y học đã được
đẩy nhanh. Việt Nam đã tham gia nhiều nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng quốc tế
để phát triển thuốc, đã áp dụng những tiến bộ cao nhất trong phẫu thuật, xạ
trị ung thư,… Chúng ta đang tiệm cận với sự phát triển của thế giới, không
tụt hậu quá xa.
Trong lĩnh vực miễn dịch học ung thư,
chúng ta đang áp dụng những thành tựu của thế giới, cũng như đang thúc đẩy
hợp tác đa phương để cùng nghiên cứu và phát triển. Việc hợp tác và chuyển
giao công nghệ từ Nhật Bản chỉ là một phần trong khuynh hướng phát triển này.
Nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực
y tế cũng được Đảng và Nhà Nước Việt Nam chú trọng và đầu tư trong những năm
qua. Chúng ta đã và đang xây dựng những trung tâm nghiên cứu và phòng xét
nghiệm chuyên sâu, hiện đại hoá để nghiên cứu ung thư. Ngoài ra, chúng ta
cũng đã và đang tham gia những nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng quốc tế,… nhằm
tạo điều kiện cho bệnh nhân của chúng ta tiếp cận một cách nhanh chóng đến
những phương pháp chăm sóc sức khoẻ tốt nhất, mới nhất.
PV:- Xin cảm ơn bác
sĩ!
(Theo Đất Việt)
Lan Vũ
|
Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét