Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

Vụ cây sưa bị chặt hạ: Người dân lo cho số phận cây sưa lớn còn lại

Sau sự việc được đánh già là khá “vội vã” khi chặt hạ cây sưa lớn trước mặt số nhà 35 phố Thuốc Bắc (Hà Nội) trong đêm 16/8, đến nay người dân khu phố này vẫn chưa hết ngỡ ngàng và xót xa.  Sau sự việc này, người dân càng thêm lo lắng cho số phận của những cây sưa còn lại trên con phố cổ nghìn năm văn hiến này.


Cây sưa trước khi bị chặt hạ trong đêm 16/8.
“Việc chặt cây sưa lớn vào đêm ngày 16/8 là khá vội vã, đến giờ chúng tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng và xót xa. Chúng tôi ở đây qua bao nhiêu đời, sinh hoạt gần cây sưa này chúng tôi biết, cây sưa đó hoàn toàn không gặp bất kỳ vấn đề gì nhưng vẫn bị chặt mang đi 1 cách khó hiểu như vậy thì những cây sưa còn lại đặc biệt là cây sưa cổ thụ cao lớn cạnh số nhà 35 sẽ ra sao đây? Hay lại bị chặt phăng mang đi nữa”, 1 người dân ở phố Thuốc Bắc lo lắng.


Lực lượng chức năng tiến hành chặt hạ cây sưa.
Theo người dân trên phố Thuốc Bắc, hiện tại dọc theo con phố cổ mang đầy dấu ấn lịch sử và trong thi ca này còn gần chục cây sưa lớn nhỏ, đặc biệt có 1 cây sưa cổ thụ to lớn với chiều cao trên 6 tầng nhà và gốc cây có bán kính gốc cây khoảng hơn 50cm đang là nỗi lo lắng cho cả khu phố sau sự việc chặt cây vào đêm 16/8.


Không gian trơ trọi khi cây sưa bị chặt hạ. 
Người dân trên phố Thuốc Bắc (Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, sau khi chặt hạ cây sưa ở số nhà 35, không gian khu vực trơ trọi hẳn đi, không còn vòm lá xanh che cả góc đường.  Họ cho rằng, cơ quan chức năng có nhiều cách xử lý, đặc biệt có thể quan tâm hơn đến môi trường, cảnh quan và những giá trị mang biểu tượng của người dân.
"Có thể cắt tỉa các cành có nguy cơ gãy đổ sau đó chỉnh phần gốc rồi trồng lại cho đảm bảo chứ không đến nỗi phải chặt hạ toàn bộ, vì bao nhiêu năm trời chăm sóc mới có 1 cây sưa lớn xanh mát như vậy", một người dân bày tỏ.


Người dân lo lắng cho số phận cây sưa cổ thụ to lớn còn lại trên phố Thuốc Bắc.
Ở những đất nước văn minh luôn coi cây cối là một bộ phận của cơ thể sống trên hành tinh, một bộ phận cơ thể sống ảnh hưởng tới đời sống cộng đồng người và vật, là công dân có văn minh phải có trách nhiệm bảo vệ nó.


Gốc cây sưa cổ thụ to lớn còn lại trên phố Thuốc Bắc.
Mới đây nhà văn nổi tiếng Nguyễn Văn Thọ cũng đã lên tiếng về vụ cây sưa bị chặt hạ trong đêm ở phố Thuốc Bắc.
Cây sưa, chỉ một cây thôi nhưng hàm ý về triết lí sống chung giữa cây với người. Nhất là khi Hà Nội đang đối diện với nguy cơ không  khí ngày càng ô nhiễm. Vậy Cây sưa có nguy cơ làm con người ở quanh nó bị đe dọa đến nguy hiểm không? Thành phố nên quan tâm việc này và giáo dục lại cho các lãnh đạo hiểu rõ, đạo lí trồng cây mà Bác Hồ từng chỉ ra. Hãy thay đổi quan niệm cũ lạc hậu để phải coi cây cối là một bộ phận văn hoá, sinh thể của Hà Nội này mà giữ gìn và bảo vệ  nó. Chặt một cây chỉ cần 1 vài giờ, trồng 1 cây cho Hà Nội đẹp, ai ai cũng được thụ hưởng môi trường trong  sạch cần đến chục năm, vài chục năm. Sâu xa hơn, tiêu diệt cây khi tình cảm con người ta với đâu chỉ là cây "Hạ xuống rồi hàng cây tình tự" là đâm chết mòn một góc tâm hồn Hà Nội (ý thơ Phạm Tiến Duật)”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ.


Hoa và tán lá của cây sưa bị chặt trong đêm 16/8.
Quay trở lại câu chuyện liên quan đến vụ chặt cây sưa ở phố Thuốc Bắc, trả lời Phóng viên Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN), ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ khẳng định: “Cây sưa bị chặt vào đêm 16/8 đã bị nghiêng đổ ra đường nên chúng tôi đã phải báo cáo UBND quận Hoàn Kiếm và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội để giải quyết. Sau đó Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã về làm các thủ tục như lập biên bản để chặt hạ đi nơi khác. Hiện tại trên phố Thuốc Bắc còn 1 cây sưa lớn ở cạnh số nhà 35 và  5 – 6 cây sưa nhỏ, vẫn đang phát triển bình thường nên sẽ vẫn được giữ nguyên”./.
                                             Nguyễn Ngân/VOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét