Vốn FDI Trung Quốc dồn dập vào Việt Nam
Cập nhật lúc 16:06
Trong 8 tháng
đầu năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt
Nam đã vươn lên dẫn đầu, vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản. Các chuyên gia kinh tế
cho rằng, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là một trong những nguyên
nhân khiến dòng vốn FDI Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam.
Chiến tranh thương mại khiến vốn FDI Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam. Ảnh
minh hoạ
Tổng cục Thống kê cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước thu hút
được 2.406 dự án cấp phép mới, tăng 25,4%. Tổng vốn đăng ký đạt 9,1 tỷ USD,
giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số 68
quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam,
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với gần 1,9 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn
đăng ký cấp mới. Nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đã tụt xuống phía sau.
Trước đó,
năm 2017, vốn FDI Trung Quốc và Hồng Kông đạt 3,7 tỷ USD, năm 2018 tăng lên 5,8
tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 7,59 tỷ USD.
Theo nguyên
Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, trong điều kiện chuyển đổi công nghệ
mới, Trung Quốc có xu hướng đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài. Tuy nhiên, quan
trọng nhất là quyền lựa chọn nhà thầu, công nghệ, dự án đầu tư của Việt Nam.
“Chúng ta vay
vốn Trung Quốc phải có điều kiện giám sát chặt trong nước. Như trường hợp của
dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm, có lỗi của cơ quan quản lý
của Việt Nam thay đổi kết cấu, giám sát chưa chặt chẽ. Vì vậy, chúng ta phải
nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực để lựa chọn nhà thầu, lựa chọn vốn
đầu tư, tránh việc ham giá rẻ như trước đây”, ông Tuyển khuyến cáo
Bên cạnh đó,
cả nước còn có 908 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh
vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,98 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ
năm trước. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng năm nay
đạt 13,1 tỷ USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ
năm trước.
Trong 8
tháng còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với
tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018, trong
đó có 872 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với
giá trị vốn góp là 5,9 tỷ USD và 4.363 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ
phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,61 tỷ USD.
Ngành công
nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số
vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.807,1 triệu USD, chiếm
74,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản ở vị
trí thứ 2 với 852,3 triệu USD, chiếm 9,3%.
(Theo Tiền Phong) QUỲNH NGA |
Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét