'Liên minh' sản xuất thuốc giả vừa bị
lật tẩy hoạt động ra sao?
Cập nhật lúc 14:36
Hàng loạt vụ sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất
lượng quy mô lớn được phát hiện thời gian qua thực sự là nỗi ám ảnh, đe dọa
trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả tại nhà máy
của Công ty Đông Dược Việt ở huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh cắt từ clip
Mới đây, một
đường dây sản xuất thuốc giả lại được Công an TP.HCM lật tẩy.
Cầm đầu "liên minh" sản
xuất thuốc giả này là Nguyễn Đình Lạc Thư - phó giám đốc Công ty TNHH TM Asia
Pharmacy (Q.7) và Lê Văn Khối - giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Đông Dược
Việt (Bình Chánh).
Từ khoảng một năm nay, hai đối
tượng này "bắt tay" với nhau nhằm thiết lập quy trình sản xuất khép
kín cùng một mạng lưới phân phối thuốc giả, thực phẩm chức năng (TPCN) rộng
khắp các nhà thuốc quận, huyện và "vươn vòi" tận các tỉnh miền Tây.
Lập hẳn công ty
sản xuất thuốc giả
Từ cuối năm
2018, lực lượng Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP "đưa vào tầm
ngắm", xác lập chuyên án đấu tranh về một đường dây sản xuất thuốc, TPCN
giả bởi hai công ty Asia Pharmacy và Đông Dược Việt.
Sau một thời gian thu thập bằng
chứng, trưa 25-7 các trinh sát đeo bám bắt quả tang một đối tượng chở 20
thùng cactông chứa hàng nghìn hộp TPCN giả (có công dụng kéo dài tuổi xuân)
đến giao cho một hộ kinh doanh trên đường Hòa Bình (P.5, Q.11, TP.HCM) do Thư
làm chủ.
Tại đây, qua khám xét tiếp tục
phát hiện bắt quả tang thêm hai đối tượng sản xuất thuốc, TPCN giả. Tại cơ sở
này nhiều thùng thuốc, TPCN thành phẩm đang sẵn sàng để tung ra thị trường
bán.
Từ các thông tin thu thập được,
một mũi trinh sát lập tức kiểm tra khu xưởng sản xuất của Lê Văn Khối, bắt
quả tang 5 đối tượng đang vận hành quy trình sản xuất, đóng vỉ, bao bì thành
phẩm thuốc và TPCN các loại. Khu sản xuất này khá chuyên nghiệp khi có đầy đủ
các dụng cụ sản xuất, cạnh đó là hàng loạt thùng hàng thành phẩm, nguyên
liệu, nhãn mác...
Cùng ngày, PC03 đồng loạt phối
hợp công an các quận 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình
Chánh khám xét khẩn cấp 7 địa điểm gồm các công ty, hộ kinh doanh, nơi sản
xuất và nơi tàng trữ thuốc, TPCN giả trong đường dây.
Kết quả thu giữ một máy ép vỉ,
một máy sấy, một máy ép seal, một máy khuấy nguyên liệu, máy cán UV dùng để
cán dấu bóng lên tem, khuôn kim loại để sản xuất vỏ chai nhựa; 500kg bao bì
nhãn mác, cùng hàng trăm ký nguyên liệu để sản xuất...
Về số lượng hàng giả thành phẩm,
có 850.000 đơn vị thuốc (viên, lọ) của 10 loại thuốc và 1,5 triệu đơn vị TPCN
giả của 13 loại TPCN. Tổng giá trị hàng hóa tạm giữ trị giá tương đương hàng
thật ước tính hàng chục tỉ đồng.
Kết quả điều tra ban đầu xác định
đường dây này làm giả nhiều loại tân dược và TPCN của nhiều nhãn hàng, sản
phẩm bán chạy trên thị trường được đăng ký độc quyền bởi các công ty trong và
ngoài nước.
Hàng giả sau khi sản xuất được
phân phối đến các hộ kinh doanh thuốc, trung tâm dược tại các quận, huyện ở
TP.HCM, đồng thời "vươn vòi" ra các tỉnh miền Tây bán đến người
tiêu dùng.
"Đây là chuyên án bắt giữ
đường dây sản xuất thuốc, TPCN giả số lượng cực lớn. Đặc biệt, đối tượng sản
xuất không phải nhỏ lẻ mà lập hẳn công ty, nhà xưởng sản xuất công khai, tinh
vi nhằm qua mắt lực lượng điều tra.
Để triệt phá đường dây này, lực
lượng đã tổ chức thu thập, đối chiếu chặt chẽ hàng thật của nhiều đơn vị,
theo dõi chặt quá trình phân phối từ địa điểm sản xuất..." - một lãnh
đạo PC03 cho hay.
Tang vật các loại thuốc, thực phẩm chức năng được cơ
quan chức năng thu giữ tại kho của Công ty Đông Dược Việt ở huyện Bình Chánh,
TP.HCM - Ảnh: CACC
Chạy theo để xử phạt
Theo báo cáo
từ hệ thống kiểm nghiệm thuốc, năm 2018, cả nước phát hiện 21 mẫu dược liệu
bị nhầm lẫn, giả mạo (giảm 11 mẫu so với năm 2017) và 14 loại thuốc nghi ngờ
bị làm giả, trong đó có 13 loại tân dược và 1 loại đông dược.
So với số lượng mẫu lấy để kiểm
nghiệm, tỉ lệ thuốc giả chỉ khoảng 0,1%, thuốc kém chất lượng dưới 2%. Đây là
một tỉ lệ được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định là thấp. Tuy nhiên thực
tế có phải như con số báo cáo?
Tháng 1-2019, Tổ chức Y tế thế
giới có cảnh báo đến cơ quan chức năng Việt Nam hai dược phẩm giả mạo, đã
phát hiện lưu hành ở Pakistan và Iran, bao gồm Gulucatime và Glucantime, đều
là dung dịch tiêm truyền, hạn dùng lần lượt ghi trên nhãn là tháng 10 và
tháng 2-2021.
Kết quả phân tích trong phòng thí
nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy Gulucatime không sản xuất theo tiêu
chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), tiêu chuẩn bắt buộc với thuốc tân
dược lưu hành ở Việt Nam.
Nhãn sản phẩm bằng tiếng Anh và
tiếng Pháp đều sai chính tả, nhà sản xuất sản phẩm xác nhận không sản xuất,
lưu thông sản phẩm này mà là sản phẩm giả mạo 100% và cảnh báo "các quốc
gia có khả năng bị ảnh hưởng tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng thuốc".
Đây là một
trong những loại thuốc giả đã phát hiện ở ngoài Việt Nam và được cảnh báo
trước khi ghi nhận có mặt tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người bệnh
không may mắn như thế, bởi có một thực tế là thuốc giả trên thị trường hầu
hết chỉ bị phát hiện khi đã ra thị trường.
Ông Trần Nhân Thắng - nguyên
trưởng khoa dược Bệnh viện Bạch Mai - cho hay từng có 1 loại thuốc cho trẻ em
và 1 loại thuốc cho phụ nữ có thai bị phát hiện làm giả, cơ quan chức năng
bắt giữ ở cửa hàng tại Chùa Bộc, Hà Nội.
"Khi đó chúng tôi lấy sản
phẩm có tên tương tự sản phẩm bị giả mạo để so sánh thì thấy có những điểm
khác nhau về độ tơi của bột thuốc, chữ viết ở nhãn thuốc..., nhưng nếu không
tinh thì khó phát hiện" - ông Thắng cho biết.
Thuốc kém chất lượng đương nhiên
phải đình chỉ, thu hồi. Thế nhưng hiệu quả thực sự của việc thu hồi đang là
câu hỏi khiến nhiều người bệnh băn khoăn. Nhiều loại thuốc khi biết kém chất
lượng thì đã được "tung" ra thị trường tiêu thụ.
"Kiểm tra xử lý từ gốc mới
là giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Theo tôi, các cơ
quan chức năng đang chạy theo để xử phạt, điều này rất đáng lo ngại" -
một chuyên gia dược phẩm ở TP.HCM đánh giá.
Đơn cử vào cuối năm 2018, Trung
tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM báo cáo kết quả mẫu kiểm tra
chất lượng thuốc kháng sinh Amoxicilin 500mg (dạng viên nang). Thuốc này có
số đăng ký VD-22212-15, lô 291217, ngày sản xuất 27-12-2017 và hạn sử dụng
đến 27-12-2020 do Công ty cổ phần dược phẩm Tipharco (Tiền Giang) sản xuất,
với tác dụng điều trị các chứng bệnh đường mật, tiêu hóa, tiết niệu...
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra các
mẫu thuốc tại Công ty TNHH dược phẩm L.N. (Q.10) xác định lô thuốc không đạt
tiêu chuẩn chất lượng về cả chỉ tiêu tính chất và định tính.
Đặc biệt, kết quả kiểm nghiệm còn
nhận thấy các mẫu thuốc được lấy tại công ty này là giả bởi có nhiều chi tiết
không trùng khớp với sản phẩm thật như tờ hướng dẫn, nắp và đáy chai không in
logo đơn vị sản xuất.
Chưa hết, với các đặc điểm như
nang thuốc có màu hồng nhạt, trắng ngà, bột thuốc màu trắng không có mùi đặc
trưng... là bằng chứng tố cáo sản phẩm trên được làm giả hoàn toàn.
Đồ họa: TUẤN ANH
Chưa nghiêm
Tại hội nghị
tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và
hàng giả do Bộ Y tế tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, các chuyên gia đánh giá việc
đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả,
hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, TPCN, mỹ phẩm, dược liệu và vị
thuốc y học cổ truyền dân tộc (gọi chung là dược phẩm)... còn rất nhiều bất
cập.
Theo Bộ Y tế, nhóm mặt hàng dược
phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, an ninh, an toàn xã
hội. Đây là ngành kinh tế tăng trưởng cao, lợi nhuận lớn nên hành vi vi phạm
đối với nhóm hàng này ngày càng tinh vi, phức tạp.
Tuy nhiên sự vào cuộc của chính
quyền một số địa phương chưa kịp thời, công tác phối hợp liên ngành một số
nơi chưa được chặt chẽ và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu nhắc nhở.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc
Cường cho biết qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm như cơ sở sản
xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm TPCN chứa các thành
phần không được công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm.
Hay quảng cáo TPCN như thuốc chữa
bệnh khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh. Đặc biệt, đã phát hiện tình trạng
pha trộn tân dược một cách trái phép vào sản phẩm để lưu hành trên thị trường
hoặc sử dụng điều trị ngay tại các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền.
Thực trạng này tiềm ẩn nhiều rủi
ro, gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Điển hình đã có một số trường
hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng, thậm chí đã gây tử
vong cho người sử dụng.
Để "dẹp loạn" tình
trạng này, Bộ Y tế cho biết thời gian tới đơn vị sẽ tập trung thanh tra việc
thực hiện quy định về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý
chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn TP Hà Nội,
TP.HCM. Đồng thời thanh tra thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh
doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Có thể lãnh án tử hình
Điều 194 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội "sản xuất, buôn bán
hàng giả". Theo đó, người phạm tội tùy mức độ bị phạt thấp nhất 2 năm
tù, cao nhất đến tử hình.
Người
phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ,
cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc
toàn bộ tài sản.
Phát hiện thuốc giả, bằng cách nào?
Hiện Cục Quản lý dược đang có hai khâu kiểm tra tiền kiểm và hậu kiểm
với dược phẩm trên thị trường. Trong đó, các công ty đã có vi phạm về chất
lượng thuốc, vẫn đang trong thời gian theo dõi phải trải qua quá trình tiền
kiểm 100% lô hàng trước khi sản phẩm ra thị trường.
Trong quá trình lưu thông, các viện/trung tâm kiểm nghiệm thuốc sẽ lấy
mẫu ngẫu nhiên tại cơ sở bán buôn, bán lẻ, cơ sở điều trị để "hậu
kiểm" chất lượng thuốc.
Khi có thuốc kém chất lượng bị phát hiện, Cục Quản lý dược sẽ có thông
báo đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn quốc, đồng thời yêu cầu công ty nhập
khẩu/sản xuất báo cáo tiến độ thu hồi. Với thuốc giả, sau khi phát hiện có
thuốc giả trên thị trường, Cục Quản lý dược sẽ có công văn gửi các sở y tế
tỉnh thành, yêu cầu các sở thông báo tới hệ thống y tế trên địa bàn, thông
báo mẫu thuốc giả, cách nhận diện, cảnh báo cho người dùng...
Theo ông Đoàn Cao Sơn - viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, năm
2018 toàn hệ thống kiểm nghiệm lấy xấp xỉ 40.000 mẫu thuốc để kiểm nghiệm. Số
lượng mẫu lấy, theo ông Sơn, là nhiều, có luân phiên giữa các sản phẩm, nhất
là sản phẩm có nghi ngờ cao là có thuốc giả mạo hoặc kém chất lượng.
Ông Sơn cho biết hệ thống kiểm nghiệm là cơ quan chuyên môn, việc lấy
mẫu nhằm đánh giá chất lượng thuốc. Muốn quản lý được thị trường thuốc, ngoài
hệ thống chuyên môn, ông Sơn cho rằng quản lý thị trường phải vào cuộc mạnh
hơn.
LAN ANH
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM):
Tác hại ghê gớm
Thông thường, hoạt chất có trong thuốc chính là dược chất có tác dụng
chữa bệnh, do không chứa dược chất hoặc có chứa nhưng không đủ hàm lượng,
hoặc chứa cả độc chất nên thuốc giả gây tác hại ghê gớm.
Còn có loại thuốc giả chứa đúng hàm lượng hoạt chất nhưng lưu hành bất
hợp pháp (chủ yếu dựa vào uy tín của thuốc thật để bán thu lợi nhuận sẽ làm
hại uy tín của các hãng sản xuất thuốc thật). Nguy hại hơn, thuốc giả chứa
"sai hoạt chất" khiến người dùng thuốc có thể tử vong.
Ông Đỗ Văn Dũng (trưởng phòng nghiệp vụ dược
Sở Y tế TP.HCM):
Mua bán thuốc không hóa đơn
Hiện nay việc triển khai mạng kết nối các nhà thuốc, tăng cường bán
thuốc kê đơn góp phần hướng nhà thuốc đến việc phải mua thuốc có nguồn gốc
xuất xứ, chất lượng, giá thuốc rõ ràng.
Nguyên nhân của việc thuốc giả, kém chất lượng lưu thông trên thị
trường xuất phát từ việc mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ. Đây chính
là cơ hội cho các loại thuốc giả có giá khá mềm "lọt" vào trong hệ
thống.
XUÂN MAI - HOÀNG LỘC ghi
Bất chấp vì lợi nhuận khổng lồ
Việc buôn bán thuốc giả với lợi nhuận khổng lồ đã khiến một số đối
tượng bất chấp, nhập thuốc giả, "phù phép" nguồn gốc thuốc cho hợp
lệ rồi chi "hoa hồng" khủng để thuốc được tuồn vào bán tại các bệnh
viện. Vụ án VN Pharma là một ví dụ điển hình.
Tháng 10-2011, Nguyễn Minh Hùng thành lập Công ty cổ phần VN Pharma.
Từ năm 2012, Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư
nên bàn với Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế
H&C) thực hiện việc đặt mua và tiêu thụ một số loại tân dược có xuất xứ
từ Canada.
Đến giữa năm 2013, Hùng tiếp tục đặt Cường mua thuốc H-Capita 500mg
Caplet chứa hoạt chất capecitabine dùng để chữa các bệnh ung thư vú, ung thư
trực tràng... để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện trong nước.
Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada
không cung cấp được, Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ nêu trên.
Để thuốc được bán tại các bệnh viện, lãnh đạo VN Pharma đã nâng khống giá
thuốc, lấy tiền chênh lệch chi hoa hồng cho các bác sĩ.
Khi vụ
việc bị phát hiện, kết luận giám định của Bộ Y tế cho thấy lô thuốc H-Capita
500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc,
kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Mặc dù
là người môi giới cho VN Pharma nhập khẩu các lô thuốc, trong đó có thuốc của
Công ty Health 2000 Canada sản xuất và thuốc H-Capita, tuy nhiên lời khai của
Võ Mạnh Cường tại cơ quan điều tra khiến nhiều người kinh ngạc: Không biết
các lô thuốc được sản xuất
tại đâu.
Quá trình điều tra cho thấy lô thuốc H-Capita được dán tem từ Ấn Độ về
Singapore, sau đó nhập khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên xác minh mã vạch, mã số in
trên vỏ thuốc thì không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Các giấy
chứng nhận chất lượng thuốc đều là giả. Kết quả điều tra và ủy thác tư pháp
cho thấy không có công ty nào đăng ký kinh doanh như giấy tờ của VN Pharma
nộp cho Cục Quản lý dược. Cơ quan điều tra nhận định hơn 9.000 hộp thuốc
H-Capita 500mg đều không rõ
nguồn gốc.
Vụ án đến nay kéo dài 5 năm nhưng vẫn chưa có hồi kết. Trước đó vào
tháng 7-2017, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường 12
năm tù về tội "buôn lậu". 7 bị cáo còn lại trong vụ án cũng bị kết
án về tội "buôn lậu" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ
quan, tổ chức".
Bản án này sau đó bị dư luận lên tiếng phản đối gay gắt. Cuối cùng,
toàn bộ bản án sơ thẩm đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại. Quá
trình điều tra lại, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can, nâng tổng số
bị can trong vụ án lên 12 người. Vừa qua, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo
trạng truy tố 12 bị can trong vụ án về tội "buôn bán hàng giả là thuốc
chữa bệnh".
TÂM LỤA
(Theo Tuổi Trẻ) HOÀNG LỘC - LAN ANH - THÁI AN
|
Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét