Ngăn 'chuyến tàu vét' trước thềm Đại hội Đảng: Chặn ký... chạy
hưu
Cập nhật lúc
09:47
Trao đổi với
Tiền Phong về giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng “chuyến tàu vét”
trước thềm Đại hội Đảng, các chuyên gia và cơ quan kiểm tra cho rằng, vấn đề
quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, nếu việc quyết định được thực hiện
bằng cái tâm thì sẽ chọn được cán bộ chuẩn, còn tâm không sáng dễ dẫn đến
“đúng quy trình nhưng không đúng người”.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ,
trong vòng 1,5 năm cuối nhiệm kỳ, nguyên Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh đã quyết
định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 48 trường hợp. ảnh: p.v
Có ý kiến đề nghị ban hành quy định cấm cán bộ trước nghỉ hưu ký
các quyết định liên quan đến đầu tư, xây dựng, bổ nhiệm cán bộ… để phòng ngừa
vi phạm.
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học
các cơ quan Đảng Trung ương: Ðúng “quy trình” nhưng không trúng người
PGS.TS Vũ Văn Phúc
Để ngăn chặn
tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” theo tôi nên có quy định của Đảng về vấn đề
này. Ví dụ trước khi về hưu khoảng 1 năm, lãnh đạo các bộ, ngành không được
ký các quyết định liên quan đến việc đầu tư dự án, bổ nhiệm cán bộ. Các quyết
định đó có thể để cho cấp phó trong diện quy hoạch nhân sự nhiệm kỳ sau, hoặc
cấp phó không ở trong diện “hoàng hôn nhiệm kỳ” ký. Quy định này không có
nghĩa là “vô hiệu” quyền của của cấp trưởng, mà thực tế cấp trưởng vẫn là người
cầm trịch, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong việc thảo luận, quyết định các
vấn đề liên quan đầu tư xây dựng hoặc bổ nhiệm cán bộ… Tuy nhiên, sau khi các
vấn đề đó được thống nhất trong tập thể thì người thay mặt ký là cấp phó chứ
không phải là cấp trưởng.
Tương tự ở địa phương - cấp
trưởng không nằm trong diện tái cử, chuẩn bị nghỉ hưu cũng không ký các vấn
đề liên quan đến đầu tư xây dựng, mua sắm, bổ nhiệm cán bộ nữa mà để cấp phó
nằm trong diện tái cử, hoặc trong diện quy hoạch cấp trưởng nhiệm kỳ sau ký.
Như thế cấp phó sẽ phải chịu
trách nhiệm rất lớn trong việc ký các quyết định. Anh ký thì anh phải chịu
trách nhiệm nên không còn tâm lý “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ,
thấy sai không đấu tranh trong thảo luận quyết định các vấn đề quan trọng.
Nếu đúng mới ký, còn thấy sai thì sẽ phản biện và không ký. Điều này cũng hạn
chế tình trạng đổ trách nhiệm cho người tiền nhiệm. Giải pháp này cũng ngăn
được “tư duy nhiệm kỳ”, đặc biệt sẽ tạo ra sự chuyển tiếp, liên thông giữa
nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ sau, không ai dám ký bừa, ký ẩu. Đây cũng là bước
thử thách cho cấp phó trong việc nâng cao trách nhiệm trong việc đấu tranh
với tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Vì quyết định được ký bởi một người sắp
về hưu, nếu đúng đắn thì không vấn đề gì, song nếu “có vấn đề” thì hệ lụy của
chữ ký ấy sẽ rất khó giải quyết và đôi khi để lại hậu quả rất nặng nề.
Ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung
ương MTTQ Việt Nam: Sai phạm xảy ra do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ
Ông Nguyễn Túc
Qua các vụ
việc được Đảng và cơ quan Nhà nước xử lý thời gian qua cho thấy rõ ràng của
tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Ở một cấp ngành, chính quyền địa phương,
người lãnh đạo chủ chốt bộc lộ sự tiêu cực trong thời điểm chuyển giao nhiệm
kỳ, tranh thủ trước ngày nghỉ hưu để “bổ nhiệm” ồ ạt. Những vi phạm đó diễn
ra rất đa dạng, không chỉ cán bộ cấp cơ sở mà ngay lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ,
cũng có tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Những việc này không chỉ để lại hậu
quả nặng nề nhiệm kỳ sau mà có khi còn nhiệm kỳ tiếp theo nữa. Nó không chỉ
gây thiệt hại về tiền của, mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và
Nhà nước.
Để ngăn chặn tình trạng này theo
tôi cần phải phát huy tinh thần tập trung dân chủ trong các cấp ủy, đảng bộ,
cơ quan, đơn vị. Thực tế trong các vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương
kiểm tra, kết luận và xử lý thời gian qua cho thấy, phần lớn cán bộ, lãnh đạo
quản lý các cơ quan đơn vị đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi đề
cập vấn đề này có người nói rằng “nếu nói khác với lãnh đạo cấp ủy dễ bị trù
dập”, cái này cho thấy nguyên tắc dân chủ và sức chiến đấu trong một số cấp
ủy, đảng bộ còn có vấn đề. Do đó, cần phải có giải pháp phát huy dân chủ và
sức chiến đấu trong nội bộ các cấp ủy đảng, cơ quan đơn vị. Tăng cườngvai trò
của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trong việc
tham gia, góp ý xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Đặc biệt, trong thời gian tới,
khi đại hội Đảng bộ các cấp đã cận kề, các cơ quan của Đảng và Nhà nước cần
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm. Thực tế
thời gian qua, xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai, kể cả cán bộ đã nghỉ
hưu đã góp phần cảnh báo, răn đe, phòng ngừa “tư duy nhiệm kỳ” trong mỗi cán
bộ, đảng viên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Giám sát cán bộ thực hiện quy định về nêu gương
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương
Những vi phạm
về “tư duy nhiệm kỳ” xảy ra không phải chỉ trong thời gian gần đây, mà còn
xảy ra ở nhiều nhiệm kỳ trước. Vì thế, Đảng đã có nhiều Nghị quyết, nhiều quy
định, yêu cầu các cán bộ công chức đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ chính trị
của mình, phải thực hiện đúng theo chức năng nhiệm vụ. Trên cơ sở đó phòng
chống và loại trừ “tư duy nhiệm kỳ”.
Dù không phổ
biến, song trên thực tế hiện nay vẫn còn những cán bộ có tư tưởng “tư duy
nhiệm kỳ”. Đó là tạo lợi nhuận cho bản thân về kinh tế, tạo lợi thế cho dòng
tộc họ hàng và tìm mọi cách để phục vụ cho lợi ích nhóm, bè phái, vị trí của
bản thân mình. Khi sắp kết thúc nhiệm kỳ, họ tìm mọi cách thực hiện được tất
cả những ý đồ của mình, từ bổ nhiệm người nhà, người thân cho đến thực hiện
ký kết, thông qua các dự án. Hay thực trạng cán bộ “ngồi im chờ Đại hội” cũng
xảy ra. Có những cán bộ lãnh đạo giữ vị trí chủ chốt, khi đến cuối nhiệm kỳ
không dám thể hiện vì sợ ảnh hưởng chuyện này chuyện kia, hoặc không dám táo
bạo, dũng cảm đối với những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống. Thực
trạng này cần phải được ngăn chặn, khắc phục trong thời gian tới.
Có nhiều giải pháp để khắc phục
tình trạng này. Trước tiên cán bộ lãnh đạo cần thực hiện nghiêm các nghị
quyết, quy định về chống tự diễn biến, tự chuyển hóa; xây dựng đạo đức lối
sống, và thực hiện theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị
quyết của Đảng về vấn đề nêu gương. Đặc biệt phải xử lý nghiêm các vi phạm để
ngăn chặn, cảnh báo, răn đe. Trong đó cần chú trọng tới những đối tượng có
đơn khiếu nại tố cáo, phải kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm để ngăn chặn tình
trạng này.
Bên cạnh đó, cần thống nhất quy
định, trong khoảng thời gian 3 tháng, từ khi có thông báo quyết định nghỉ hưu
thì không được ký bổ nhiệm cán bộ và những vấn đề khác tương tự, để ngăn
những “chuyến tàu vét lúc hoàng hôn”.
“Quy trình
bổ nhiệm cán bộ hiện nay rất chặt chẽ, bài bản. Vì thế, vấn đề quan trọng là
ở con người thực hiện. Nếu lựa chọn cán bộ bằng cái tâm sẽ chọn được con
người chuẩn, còn tâm không sáng rất dễ dẫn đến “đúng quy trình nhưng không
đúng người”. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nếu phát
hiện thì phải xử lý ngay để ngăn chặn, răn đe, phòng ngừa vi phạm. Xử lý kỷ
luật không ai muốn, nhưng đó là việc cần phải làm nhằm trong sạch bộ máy, đảm
bảo sự tín nhiệm đối với cán bộ đảng viên và nhân dân”- ông Nguyễn Trung Hải,
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
(Theo Tiền Phong) Nhóm PVTS
|
Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét