'Ma trận' trường quốc tế: Học phí nửa
tỷ, lập lờ danh xưng
Cập nhật lúc 08:49
Đánh vào tâm lý sính ngoại, nhu cầu của dân cho con
học với giáo viên nước ngoài tại những ngôi trường có tên rất “Tây” ngày càng
tăng, nhiều trường học đang tự gắn các mác “quốc tế”. Thực tế này khiến phụ
huynh học sinh khó lòng phân biệt. Tại TPHCM, danh xưng trường quốc tế được
cho là đang áp dụng tràn lan.
Các
cô phụ trách xe đưa đón học sinh lên xe bus sau khi tan học tại trường PTLC
quốc tế Getway chiều ngày 7/8. Ảnh: Như Ý
Học phí nửa tỷ
đồng/năm
Trong vai
người có nhu cầu cho con đi du học, chúng tôi được nhiều phụ huynh mách: Nên
đầu tư cho con vào học tại trường quốc tế ngay từ lớp 1, để con có nền tảng
kiến thức vững chắc, nhất là về ngoại ngữ. Những ngôi trường quốc tế mà chúng
tôi được giới thiệu, mời đưa con cái vào học là Trường Quốc tế Bắc Mỹ; Trường
tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) và Phổ thông trung học (THPT) Albert
Einstein; TH-THCS-THPT Quốc tế Canada, trường Quốc tế TPHCM...
Liên hệ với Trường Quốc tế Bắc
Mỹ, tôi được nhân viên tư vấn giới thiệu, học sinh sẽ học bằng tiếng Anh là
chính, riêng môn toán là dạy bằng tiếng Việt. “Vì trường thuộc Tập đoàn N.H
nên học sinh học ở đây có nhiều dạng để đi du học. Nếu gia đình đã định hướng
cho con đi du học thì nên chọn Trường Quốc tế Bắc Mỹ”, nhân viên tư vấn cho
biết.
Học phí ở
Trường Quốc tế Bắc Mỹ nằm trong top “đắt đỏ” so với nhiều hệ thống trường
quốc tế khác tại TPHCM. Theo đó, học phí lớp 1 niên học 2019-2020 lên đến hơn
385 triệu đồng/học sinh, chưa kể phí đăng ký và sử dụng trang web là 65 triệu
đồng, tiền ăn 29 triệu đồng, chưa kể tiền đồng phục… Tổng mức chi cho một học
sinh trong một năm lên đến gần 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, phụ huynh còn
phải trả các khoản phí khác như phí khai thác, phí xe đưa đón gần cả trăm
triệu đồng. Khi tôi hỏi đây có phải là trường quốc tế không, nhân viên khẳng
định “đây là trường quốc tế xịn”.
Những trường có học phí nằm trong
top “đắt đỏ” có thể kể đến như Trường Quốc tế TPHCM có mức học phí từ khoảng
hơn 475 triệu - hơn 700 triệu đồng/năm tùy theo từng lớp học. Trường quốc tế
Renaissance Sài Gòn có mức học phí từ lớp 1 hơn 422 triệu đồng/năm và đến lớp
11, 12, mức học phí khoảng 657 triệu đồng/năm.
Muốn quốc tế phải kiểm định
Trả lời báo
chí trong cuộc họp báo ra mắt trang tin dịch vụ giáo dục để người dân tra
cứu, giám sát các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
TPHCM cho biết, đang có sự nhầm lẫn rất lớn giữa “trường tư thục” và “trường
có yếu tố nước ngoài” tại TPHCM hay còn gọi là trường quốc tế.
“Hiện nay, các trường tư thục đã
được phép giảng dạy các chương trình quốc tế hoặc chương trình tích hợp, họ
tự gắn mác trường quốc tế, nên nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần giảng dạy
chương trình nước ngoài, đó sẽ là trường quốc tế. Trong khi đó, trường có yếu
tố nước ngoài phải do tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài,
dạy chương trình do nước ngoài biên soạn…”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, quy định trước
đây, các trường quốc tế bậc tiểu học chỉ được tuyển 10% học sinh là con em
người Việt; Trường THCS, THPT chỉ được tuyển 20% học sinh Việt Nam. Tuy
nhiên, hiện nay các trường đã được tuyển một nửa số học sinh là người Việt.
“Mặc dù vốn đầu tư nước ngoài, dạy theo chương trình nước ngoài nhưng các
trường này vẫn chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp, của Sở GD&ĐT”,
ông Hiếu khẳng định.
Theo số liệu công bố trên website
của Sở GD&ĐT TPHCM, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố chỉ có 21
trường phổ thông có yếu tố nước ngoài. Theo ông Hiếu, đây là 21 trường đã
được cấp phép và công nhận là trường có yếu tố nước ngoài (hay còn gọi là
trường quốc tế), những trường không nằm trong danh sách này thì chỉ được gọi
là trường tư thục.
Tuy nhiên, theo khảo sát của
chúng tôi, rất nhiều trường không nằm trong danh mục 21 trường quốc tế này
nhưng website của họ vẫn quảng cáo là trường quốc tế. Nhân viên tư vấn của
những trường này cũng khẳng định hoặc lập lờ cho biết, đó là trường quốc tế
hoặc trường áp dụng chuẩn quốc tế.
Nhiều
phụ huynh khó lựa chọn trước sự mời gọi của quá nhiều trường quốc tế.
Ảnh: minh họa
Trao đổi với
chúng tôi, ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục Quốc tế Nam
Việt (tập đoàn thành lập trường THCS- THPT Nam Việt) cho biết, Trường THCS-
THPT Nam Việt không phải là trường quốc tế. Từ quốc tế ở đây là danh từ, là
cái tên để tiệm cận với chuẩn quốc tế. Theo ông Quốc, hệ thống trường Nam
Việt dùng từ “quốc tế” vì trường áp dụng chuẩn quốc tế vào để giảng dạy, cơ
sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên có người nước ngoài, hệ thống quản lý
thông minh…
Khi PV đề cập đến việc có nhiều
trường dùng từ quốc tế là để đánh vào tâm lý sính ngoại của phụ huynh, để lôi
kéo học sinh là chính…, thì ông Quốc cho rằng: “Không loại trừ một số trường
làm việc đó, tuy nhiên, phụ huynh ngày nay rất thông thái và có nhiều sự lựa
chọn. Để chọn trường cho con, họ tìm hiểu rất kỹ, tới lui trường 5 lần 7 lượt
rồi mới chọn. Nếu hệ thống trường Nam Việt không đạt chuẩn như họ yêu cầu thì
chúng tôi không thể nào phát triển đến 5- 6 cơ sở như ngày hôm nay”.
Chia sẻ về vấn đề này, hiệu
trưởng về hưu của một trường THPT có tiếng tại TPHCM cho biết, thực trạng
nhiều trường chạy đua gắn mác trường quốc tế là có, bởi tâm lý phụ huynh giàu
có thường sính ngoại, muốn con mình học ở môi trường đẳng cấp bên cạnh các
phụ huynh muốn đầu tư chỉn chu cho con về mọi mặt. “Tuy nhiên, muốn đạt đến
trình độ trường đẳng cấp quốc tế, trước tiên chúng ta phải có đầy đủ các yếu
tố đồng bộ về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình… và để làm được việc này
không còn cách nào khác phải tham gia các tổ chức kiểm định uy tín của quốc
tế”, vị này nói.
Chia sẻ
về vấn đề này, hiệu trưởng về hưu của một trường THPT có tiếng tại TPHCM cho
biết, thực trạng nhiều trường chạy đua gắn mác trường quốc tế là có, bởi tâm
lý phụ huynh giàu có thường sính ngoại, muốn con mình học ở môi trường đẳng
cấp.
(Theo Tiền Phong) NGUYỄN DŨNG - UYÊN PHƯƠNG
|
Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét