Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

Ban giám hiệu trường Gateway không thể vô can

Cập nhật lúc 10:01  

Một em bé 6 tuổi đã chết oan uổng ngay trước thềm năm học mới vì sự vô trách nhiệm đến cùng cực của người lớn, và cụ thể ở đây là Ban giám hiệu trường Gateway.
Vừa mới đến trường được đúng một ngày và chưa kịp dự lễ khai giảng, bé Lê Hoàng Long đã vĩnh viễn từ giã cuộc đời vì sự vô trách nhiệm của Ban giám hiệu trường Gateway.
Hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Sự thật là nhà trường quên, quên một học sinh trong suốt giờ lên lớp, giờ ăn trưa, giờ ngủ…?
Ngày thứ hai đến trường, lẽ ra thầy cô giáo phải gần gũi từng bé lớp 1 non nớt, một cô giáo phải biết mình có bao nhiêu học trò trong lớp, một chuyến xe phải có người lớn đi kèm, phải có ai đó quay lại nhìn khắp xe một lần trước khi lũ nhỏ xuống hết, vậy mà quên!
Một cuộc sống như một cái cây nhỏ mới lên mầm, bị tước đi một cách hết sức vô lý, bởi sự quên và thiếu quy trình của cả Ban giám hiệu.

Lỗi này thuộc về Ban giám hiệu của trường Gateway, Ban giám hiệu điều hành, đưa ra quy định, quy chế và giám sát mọi người thực hiện. Ảnh:P.Duy.

Buổi họp Báo về sự việc của trường quốc tế Gateway tại Ủy ban nhân dân Quận Cầu Giấy không có bất kỳ đại điện nào của nhà trường.
Nhiều câu hỏi liên quan đến quy trình đưa đón, quản lý việc đưa đón học sinh, người điều hành xe có phải là giáo viên nhà trường… còn bỏ ngỏ.
Vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong: “Lỗi tại người lớn!”, Đó là quan điểm của ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Ông Ngọc Anh nhấn mạnh, lỗi là ở người lớn. Trong đó người chịu trách nhiệm lớn nhất là giáo viên chủ nhiệm và người nhận nhiệm vụ đưa đón học sinh.
Nhưng theo tôi thì lỗi này thuộc về Ban giám hiệu của trường Gateway, Ban giám hiệu điều hành, đưa ra quy định, quy chế và giám sát mọi người thực hiện.
Khi có lỗi xảy ra thuộc về quy trình thì đó là lỗi của Ban giám hiệu trường Gateway chứ không hoàn toàn thuộc về giáo viên chủ nhiệm và người nhận nhiệm vụ đưa đón học sinh
Bà Dương Thị Hoài Anh cho biết, bà được thuê làm hiệu trưởng, phụ trách chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều tháng nay bà nghỉ việc để chữa bệnh. Mọi việc đều do ban giám đốc nhà trường điều hành.
Vậy chúng ta có thể hình dung rằng Ban Giám đốc trường Gateway ngày hôm đó ngồi trong phòng có máy lạnh, bàn về những điều họ muốn...
Thì ở ngoài bãi xe dưới trời nắng 37 độ C, có một em học sinh của họ mới 6 tuổi đầu đang vật lộn với thần chết vì em bị bỏ quên ở trong xe ô tô đưa đón của trường suốt 9 tiếng đồng hồ, cuối cùng thần chết đã thắng cuộc.
Chiều hôm trước người cha của cậu bé đó còn bình tĩnh xử lý mọi việc, trả lời báo chí, chất vấn đại diện nhà trường bằng những câu hỏi đanh thép. Nhưng hôm nay khi tiễn con trên đoạn đường cuối cùng, anh gục ngã hoàn toàn.
Làm cha mẹ rồi mới hiểu, mất con là mất tất cả, là nỗi đau ấy sẽ đeo đẳng tới tận khi cha mẹ lìa đời.
Yêu con hơn cả sinh mệnh, cố gắng mãi mới có mụn con duy nhất, sống tiếp thế nào đây? Nghĩ tới đó, nước mắt tôi cứ chảy không ngừng. 


Một cuộc sống như một cái cây nhỏ mới lên mầm, bị tước đi một cách hết sức vô lý, bởi sự quên và thiếu quy trình của cả Ban giám hiệu. Ảnh: Báo Dân Trí.

Tôi cũng chỉ có một cô con gái duy nhất, nó vừa là con vừa là bạn, ngày ngày quấn quít bên mình. Mình yêu nó, thương nó, cần nó hơn tất thảy mọi thứ trên đời này.
Để nó có được sức khỏe và niềm vui, có đổi cả mạng, mình cũng đổi không do dự. Thì với nhà cháu bé kia, hay các gia đình khác cũng thế thôi.
Những người lẽ ra phải có trách nhiệm chỉ cần bước thêm một bước lên xe, nhìn thêm một lượt các hàng ghế, mất thêm vài giây là em học sinh kia được sống thêm cả cuộc đời.
Giáo viên nên gọi điện trực tiếp cho bố mẹ, báo con không đến lớp là cứu được một mạng người, hơn là dùng kiểu công nghệ nửa vời như hiện nay mà có nhiều cô chăm nuôi lớn tuổi không biết gì về công nghệ.
Một em bé 6 tuổi đã chết oan uổng ngay trước thềm năm học mới vì sự vô trách nhiệm đến cùng cực của người lớn, và cụ thể ở đây là cách làm ăn vô trách nhiệm của Ban giám hiệu trường Gateway.
Đây là tội ác, với nhiều người không thể nào tha thứ. Việc của hai người lớn ngày hôm đó chỉ là phụ trách chuyến đi với 13 đứa nhỏ, chứ có phải xe lớn 50 chỗ đâu.
Sau cái chết của một đứa trẻ, người ta mới vỡ ra nhiều thứ. Lái xe sử dụng phương tiện chưa được cấp phép kinh doanh vận tải. Cô đi theo xe đưa đón sắp đến tuổi nghỉ hưu, mới đi làm 2 ngày, chưa được ký hợp đồng.
Nhà trường thì không cho cô giáo chủ nhiệm kết nối trực tiếp với cha mẹ học sinh qua điện thoại.
Cô giáo phụ trách liên lạc với gia đình nghỉ đột xuất, nhà trường không có người thay thế.
Cô hiệu trưởng chỉ được thuê làm về chuyên môn, đã nằm viện điều trị bệnh nhiều tháng và sắp sửa xin nghỉ việc.
Trường có tên là Quốc tế từ ngày ra đời, bảng chữ International to đùng ở cổng nhưng hóa ra đấy lại là cái mác tự phong.
Khi phóng viên đặt câu hỏi sao bao năm nay Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy lại bỏ qua danh hiệu “quốc tế” của Gateway thì Trưởng phòng Giáo dục Quận từ chối trả lời.
Cả một hệ thống cồng kềnh nhưng rời rạc, đầy lỗi, đầy kẽ hở. Thế mà người ta vẫn cho nó vận hành như không.
Không chỉ trường Gateway, con của người bạn tôi cũng đã bị tình trạng như vậy ở một trường tiểu học ở ngay nội thành Hà Nội: Chiều muộn không thấy con về (cháu đi xe đón trả tại bến).
Bạn tôi mới gọi cho cô giáo theo xe, và cô lại gọi tiếp cho lái xe, lúc này lái xe đang chuẩn bị ăn cơm tối, nghe thấy vậy tức tốc chạy ra bãi, mở cửa xe thì thấy cháu vẫn đang ngủ ở hàng ghế cuối.
Phúc còn to nên cháu bình an vô sự, gia đình bạn tôi thấy cháu không sao nên cũng không làm lớn chuyện và nhà trường cũng đã ỉm sự việc rất khéo.
Nên tôi tin đâu đó trong các trường học, từ trường công tới trường tư vẫn đang tồn tại những sai sót như vậy, chẳng qua là chưa có chuyện xảy ra (hoặc xảy ra mà ỉm được) thì người ta vẫn mặc nhiên lờ đi, để nó tồn tại mà thôi.
Không phải con cháu họ thì họ không thấy xót? Gửi con tới trường là gửi báu vật cha mẹ giữ gìn, là trao niềm tin cho các thầy cô, cho những người phụ trách.
Nhiều trường học phí cao nhưng không chịu lắp camera, phụ huynh vẫn chấp nhận và không đòi hỏi là vì tôn trọng, là vì tin tưởng hoàn toàn.
Hàng sáng con đi học rồi thì cha mẹ cũng lao ra đường, vất vả mưu sinh, không tiếc tiền cho con vào trường tốt, mong cho con có được tuổi thơ đỡ lấm lem, bớt thiếu thốn hơn mình.
Không dạy được kiến thức tốt thì ít nhất cũng phải mang trả con người ta khỏe mạnh, nguyên vẹn trở về, đấy là yêu cầu tối thiểu.
Đứa trẻ nào thì mẹ cha cũng phải nhọc nhằn nuôi lớn, cũng gửi gắm vào đó những kỳ vọng chắt chiu cả đời mình. Đứa trẻ nào cũng xứng đáng được lớn lên bên gia đình, sống cuộc đời hạnh phúc.
Con phụ huynh hay con giáo viên cũng đều thế mà thôi. Chỉ một hành động thờ ơ, lười biếng, vô tâm cũng có thể cướp đi cái quyền cơ bản nhất của một đứa bé, khiến một gia đình, một dòng họ lâm vào cảnh tang tóc và hàng triệu ông bố bà mẹ sợ hãi, hoang mang.
Bản thân tôi cũng đang nơm nớp lo sợ vì con hàng ngày đi học bằng xe bus, và cháu thường xuyên ngủ gà gật trên xe vì phải dậy sớm để ra bến đón xe đến trường.
Thực tế các trường học chưa bao giờ quên thu học phí, nhiều trường khi vào lớp thì cô chủ nhiệm còn hỏi: Hôm nay có em nào đóng tiền?
Tiền học phí và các khoản đóng góp cho nhà trường thì không quên nhưng người ta có thể quên hoàn toàn sự tồn tại của một đứa trẻ.
Nếu còn lòng tự trọng thì trường Gateway nên đóng cửa trước khi tất cả các phụ huynh chuyển con sang trường khác.
Có thể Ban giám hiệu Gateway không tự đóng cửa nhưng sự việc vừa xảy ra thì “Tòa án” lương tâm và xã hội đã đóng cửa trường Gateway rồi.
(Theo GDVN) Tùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét