Viettel muốn cùng thu phí tự động: Hé lộ chuyện áp đặt
Cập nhật lúc 11:01
Việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó là quyền của nhà đầu tư BOT
thông qua đàm phán, đấu thầu, Bộ GTVT đừng áp đặt.
Trước toàn chỉ định thầu?
Mới đây, Viettel có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Tổng
công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp với nhà mạng
này triển khai dịch vụ ETC cho 2 tuyến đường bộ cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh
Bình và Nội Bài – Lào Cai trong quý I/2017.
Viettel cũng muốn người đứng đầu ngành GTVT hỗ trợ, giới thiệu để làm
việc xúc tiến với các chủ đầu tư, doanh nghiệp BOT toàn quốc hợp tác triển
khai dịch vụ ETC trên cơ sở đàm phán thỏa thuận cung cấp dịch vụ và được phép
làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia gắn với
công tác cấp phát thẻ định danh phương tiện (thẻ RFID), tiến tới cấp thẻ miễn
phí trên tinh thần tự nguyền cho các chủ phương tiện tại tất cả các Trung tâm
đăng kiểm.
Trước đó, Viettel đã tiến hành thử nghiệm thành công dịch vụ ETC tại
các trạm Hoàng Mai, Đắc Nông với Tasco năm 2015 và tuyến cao tốc Cầu Giẽ -
Ninh Bình năm 2016, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ của
dịch vụ.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên - Chủ
tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, lâu nay chúng ta
có những công trình giao thông sử dụng hình thức thu phí tự động nhưng thường
là chỉ định thầu. Điều đó dẫn đến những nghi ngại về việc
thiếu minh bạch trong vấn đề thu phí BOT, đặc biệt là hạch toán tiền thu.
Nếu bây giờ có các đơn vị tư nhân đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật tham
gia đầu tư thì rất cần phải hoan nghênh.
"Trước đây, liên danh Tasco VETC được Bộ GTVT chỉ định là nhà đầu
tư và vận hành hệ thống thu phí ETC vừa trúng thầu dự án thu phí tự động
không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng cho
28 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình
thức Hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh).
Chính vì được chỉ định thầu, lại một mình một sân, nên Tasco - VETC
đưa ra hàng loạt điều kiện với Bộ GTVT. Điều kiện nặng nhất mà Liên danh
Tasco- VETC, đặt ra cho Bộ GTVT chính là phải được bổ sung 15 triệu USD vào
tổng mức đầu tư dự án nếu muốn hoàn thành việc lắp đặt xong thiết bị không
dừng tại 28 trạm thu phí trước 1/7/2016", ông Liên chỉ ra thực tế.
Cho nên, theo vị chuyên gia trên, hiện nay công nghệ thông tin đang
phát triển khá mạnh, nên nếu Viettel tham gia là việc rất tốt, chỉ có điều là
họ vào sau, nên cái việc thiệt thòi hơn các nhà thầu đi trước là
chắc chắn có.
Cần phải ủng hộ tất cả các đơn vị không riêng gì Viettel đưa
ra các giải pháp hỗ trợ ngành giao thông minh bạch hơn trong việc thu phí.
Bên cạnh đó, theo ông Liên, trước đây chúng ta chỉ có kiểu chỉ định
thầu, ngay như việc kiểm tra xe, thu vé qua các trạm thu phí, Bộ GTVT đều
giao cho Tasco triển khai trên cả nước, sau thì có thêm một nhà thầu khác đó
là Công ty Đầu tư công nghệ hạ tầng VIETIN (gọi tắt là VIETIN). Nó hình thành
lên kiểu đặc thù, cơ chế riêng mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo, khi công
nghệ này đã phổ biến toàn thế giới.
Nếu có nhiều đơn vị tham gia vào thì phải thực hiện bỏ thầu, dự án
chất lượng tốt hơn, hiệu quả mà giá thành thấp hơn thì sẽ lựa chọn, chứ không
phải chỉ định thầu, cơ chế thị trường là phải như vậy.
Như Tasco - VETC là công ty của VEC, VEC xây rồi lại tính thu phí nên
mới có chuyện kiểm toán nhà nước vào cuộc kiểm tra 27 dự án BOT
thì giảm hơn 100 năm thu phí.
"Thực ra hiện nay giao thông còn nhiều vấn đề, như thiết bị giám
sát hành trình, chỉ cho bao nhiêu đơn vị làm, nhưng chất lượng hiện nay rất
kém, nên theo tôi phải đấu thầu thì chất lượng mới đảm bảo lâu dài.
Khi một mình một sân thì không có thể có sự cạnh tranh một cách công
bằng theo kinh tế thị trường về cả chất lượng lẫn giá thành", ông Liên
nhấn mạnh.
Cần một sân chơi bình đẳng
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Nguyên
Chủ nhiệm Khoa Cầu đường, Đại học GTVT Hà Nội cho biết: "Có rất nhiều
nhà mạng hiện nay có thể cung cấp dịch vụ này, nên vấn đề của các
chủ đầu tư BOT là chọn các nhà cung cấp có thể phục vụ được, áp
dụng công nghệ tốt, đáp ứng lợi ích xã hội và doanh nghiệp.
Đối với Bộ GTVT thì đây cũng là một sự lựa chọn, họ có thể
giới thiệu cho các đơn vị của mình, ví dụ như các chủ dự án đầu tư đường cao
tốc, trong đó có VEC thì chỉ là một đơn vị, ngoài ra còn nhiều đơn vị, các
nhà đầu tư BOT khác. Việc này là việc làm hết sức bình thường trong quá trình
xây dựng, kinh doanh.
Trên cơ sở đó các nhà đầu tư, dưới sự phản biện của xã hội, sẽ
lựa chọn được công nghệ tích hợp nhiều lợi ích tốt, không riêng gì Viettel,
mà bất kỳ đơn vị nào mà có năng lực, thấy rằng thích hợp nên thông qua Bộ
GTVT, để được giới thiệu các nhà đầu tư, các đơn vị ứng dụng.
Chỉ cần có công văn trình bày về năng lực công nghệ, tài chính,
nguyện vọng tham gia đối với một cơ quan quản lý nhà nước".
Theo vị chuyên gia trên, càng nhiều đơn vị tham gia thì càng tốt,
nhưng chủ đầu tư BOT phải chọn công nghệ sao cho thống nhất, tránh việc như
hiện nay. Đoạn thì công nghệ Nhật Bản, đoạn công nghệ Trung Quốc, đoạn công
nghệ châu Âu, làm quá trình kết nối trở lên phức tạp.
Thế nhưng, Bộ GTVT đã đưa ra công nghệ tiêu chuẩn RFID theo công nghệ
Mỹ thì cần tạo sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp khác.
Cần chống độc quyền về mặt kỹ thuật và mặt giá cả và quan trọng nhất
là đưa ra một khung tiêu chuẩn chung cho các đơn vị để đáp ứng, từng trạm tự
đầu tư và kết nối vào hệ thống chung không khó. Việc chỉ định độc quyền sẽ
gây cạnh tranh không lành mạnh về giá cả.
Ngoài ra, việc áp đặt cứng công nghệ Mỹ hay Đài Loan (Trung Quốc), sử
dụng các chuyên gia nước ngoài cũng khiến giá thành đội lên. Trên cơ sở phần
mềm đó, các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể giao cho kỹ sư phần
mềm trong nước viết, giá thành sẽ rẻ hơn nhiều, việc duy tu bảo dưỡng được
thực hiện tại chỗ cũng sẽ làm giảm giá thành đầu tư.
"Đấu thầu trong trường hợp này là cần thiết để chống lợi ích nhóm
tiêu cực, đội giá… Hoặc phương án khác là để cho nhà đầu tư được lựa chọn lắp
đặt với đầu bài là không làm tăng tổng mức đầu tư, không kéo dài thời gian
thu phí.
Những đơn vị lớn có công nghệ tiên tiến như Viettel thì đó là tích
cực, không có hạn chế gì. Việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó là
quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu, Bộ GTVT đừng áp
đặt", ông Toản nói rõ thêm.
(Theo Đất Việt) Châu An
|
Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét