Phương pháp “360 độ”
Cập nhật lúc 16:24
Đánh giá cán bộ theo phương pháp “360 độ”, tức là “phải đồng thời
đánh giá từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra và từ ngoài vào”, có lẽ là
cách tiếp cận cần phải khẩn trương áp dụng.
“Công tác cán bộ là
phức tạp nhất, không có cách nào để chấm dứt dư luận được”. Đó là phát biểu
của ông Triệu Tài Vinh, bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, tại hội nghị toàn quốc ngành
tổ chức xây dựng Đảng diễn ra cuối tuần vừa rồi.
Có lẽ đó là những lời
“rút gan rút ruột” từ trải nghiệm của cá nhân ông Vinh ở địa phương mình, nơi
từng ồn ào trên báo chí, dư luận về biểu hiện và nghi vấn tình trạng “cả họ
làm quan”.
Đọc báo cáo của Ban
Tổ chức trung ương, phần nêu nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, yếu kém trong
công tác cán bộ, ít nhất có sáu câu hỏi rất thẳng thắn, trong đó chỉ ra những
biểu hiện như: thiếu dân chủ trong việc quy hoạch, giới thiệu nhân sự; kẽ hở
trong các quy trình bổ nhiệm, đề bạt; quản lý hồ sơ đơn giản, chủ quan; kiểm
tra, giám sát lỏng lẻo; phân cấp chưa hợp lý, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa;
có tiêu cực, thao túng...
“Để khắc phục vấn đề
này, tôi đề nghị trung ương sớm cho ý kiến về đề án thi tuyển lãnh đạo để
chúng tôi thực hiện. Thật ra chúng tôi vẫn có thể thực hiện khi chưa có hướng
dẫn, ý kiến của trung ương, nhưng nếu làm khi trung ương chưa quyết thì rồi
lại cũng có dư luận” - ông Triệu Tài Vinh nêu ý kiến.
Đề xuất này không
phải là mới. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo, lão thành đã bền bỉ
kiến nghị trong nhiều nhiệm kỳ qua.
“Tại sao mãi mà chúng
ta vẫn chưa làm được?” - Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính day
dứt với câu hỏi này.
Rồi ông Chính đưa ra
gợi ý về việc đánh giá cán bộ theo phương pháp “360 độ”, tức là: “phải đồng
thời đánh giá từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra và từ ngoài vào”.
Thường trực Ban Bí
thư Đinh Thế Huynh, sau khi nêu nghịch lý là cá nhân thì toàn hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ nhưng cơ quan, đơn vị lại chỉ hoàn thành nhiệm vụ mức trung
bình, đã yêu cầu năm 2017 phải tạo đột phá trong đánh giá cán bộ.
Công tác cán bộ là
công tác của Đảng. Đã từ lâu, lợi dụng vào nguyên tắc này, không ít nơi đã
đặt công tác cán bộ vào phạm trù bí mật, coi đó là quyền riêng của cấp ủy,
thậm chí là quyền riêng của vài ba vị trong thường trực cấp ủy. Điều này đã
nảy sinh tình trạng thiếu công khai, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải
trình.
Trong thể chế chính
trị của chúng ta, cấp ủy là hạt nhân lãnh đạo, nhưng cấp ủy chỉ là một nhóm
người.
Nếu công tác cán bộ
là đặc quyền của cấp ủy thì có thể sẽ nảy sinh những hậu quả mà dư luận
thường đồn đoán như: người của anh - người của tôi, phe này phái nọ, mất đoàn
kết nội bộ và nặng nề hơn là lợi ích nhóm, tham nhũng, thao túng chính sách.
Vì vậy, đánh giá cán
bộ theo phương pháp “360 độ” như trưởng Ban Tổ chức trung ương đề cập có lẽ
là cách tiếp cận cần phải khẩn trương áp dụng.
Nhiều nước trên thế
giới thường áp dụng ba phương pháp chính để tìm nhân tài làm lãnh đạo: bầu
cử, thi tuyển, bổ nhiệm.
Tất nhiên các phương
pháp này phải được thực hiện theo những quy trình, thủ tục chuẩn mực, thực
chất, công khai, minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình. Sau đó là cơ chế
kiểm soát quyền lực, giám sát, sàng lọc, đào thải.
Chỉ những gì dưới bóng đêm, giữa bọc kín, trong lâu đài
đóng cửa mới gây ra những đồn đoán, hoài nghi; còn nếu mọi thứ diễn ra giữa
thanh thiên bạch nhật, mọi người có quyền chứng kiến, giám sát, mọi thắc mắc
đều được giải trình thì lo gì dư luận không xuôi.
(Theo
Tuổi trẻ) LÊ KIÊN
|
Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét