Buýt nhanh BRT 'dát vàng', đội giá gần tỷ đồng/chiếc
Cập nhật lúc 11:45
(Tin tức thời sự)
- Giá mỗi xe buýt nhanh BRT của Hà Nội là vào khoảng… 5,03 tỷ đồng, trong
khi, giá xe 47 chỗ cao cấp nhất hiện nay cũng không quá 4,2 tỷ.
Chênh nhau cả tỷ đồng/xe
Thông tin trên báo Nhân Dân điện tử cho biết, việc mua số xe buýt trên
đã được thực hiện qua hai cuộc đấu thầu, với thời gian cách nhau chỉ vỏn vẹn
có một tháng.
Lần thứ nhất, đấu thầu quốc tế, trúng thầu là Liên danh Openasia
Equipment Limited - Volvo Bus với giá 11.656.061 USD cho đoàn 35 xe. Tuy
nhiên, đàm phán hợp đồng thầu này đã thất bại, mà chưa rõ lý do.
Lần thứ hai, đấu thầu trong nước, vào ngày 5/11/2014, Sở Giao thông
vận tải Hà Nội tiếp tục ra quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu cũng gói
04/BRT-TB (BRTCP08): Đoàn xe BRT, giai đoạn 1, với giá trị gói thầu được nâng
lên là 12.349.855 USD, tức là cao hơn gần 700.000 USD so giá trúng thầu của
lần đấu thầu quốc tế một tháng trước đó.
Lần này, Liên danh Công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần
ôtô Trường Hải trúng thầu. Theo tỷ giá thời điểm đó, giá trị trúng thầu của
liên danh này là hơn 176,290 tỷ đồng.
Hợp đồng cung cấp 35 xe buýt nhanh BRT đã được ký vào ngày 9/11/2015.
Đoàn xe này đã được lắp ráp trong nước, tại các nhà máy của THACO. Và nếu
chia bình quân với giá này, thì giá mỗi xe buýt nhanh BRT của Hà Nội là vào
khoảng… 5,03 tỷ đồng.
Theo tờ báo này, tổng giá trị đoàn 35 xe của THACO cung cấp cho Hà Nội
là 194 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,543 tỷ đồng/xe.
Mức giá này là tương đối cao, nếu đem so sánh với giá xe 47 chỗ cao
cấp nhất hiện nay trên thị trường Việt Nam là Hyundai Universe Nobel 410PS,
nhập khẩu mới 100%, đời 2016, tiện nghi lựa chọn cao cấp và đầy đủ nhất, cũng
không quá 4,2 tỷ đồng/chiếc, đã bao gồm thuế.
Theo thông tin trên tờ VTC News, việc mua bán đoàn xe trên diễn ra
trong thời kỳ ông Vũ Hà làm Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao
thông đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay ông đã chuyển sang đơn vị khác và
theo ông Hà cho biết toàn bộ hồ sơ đã được ông bàn giao cho người kế nhiệm là
ông Hoàng Tuấn.
Mặc dù vậy, ông Hà vẫn khẳng định "việc mua đoàn xe buýt này hoàn
toàn công khai, minh bạch và sẵn sàng cùng Ban Quản lý báo cáo, giải trình
chi tiết việc mua số xe buýt trên".
Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao
thông đô thị Hà Nội cho biết thêm, Ban sẽ sớm có báo cáo gửi cơ quan quản lý
và thông tin rộng rãi tới công luận.
Về phía Công ty cổ phần ôtô Trường Hải cũng cho biết, công ty chỉ chào
giá, việc đánh giá lựa chọn nhà thầu là của Ban Quản lý dự án Đầu tư phát
triển Giao thông đô thị Hà Nội.
Buýt nhanh không nhanh hơn buýt chậm
Được biết, tuyến xe buýt nhanh BRT này có tổng vốn đầu tư toàn tuyến,
gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ
đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng
bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Từ khi đi vào khai thác, tuyến buýt nhanh BRT tuy chưa hoạt động hiệu
quả như kỳ vọng song bước đầu giảm tải ách tắc giao thông, giúp thay đổi thói
quen sử dụng phương tiện của nhiều người dân thủ đô.
Tuy nhiên, tắc đường và lỗi kỹ thuật là hai lo ngại lớn nhất với lực
lượng tham gia bảo đảm cho tuyến buýt nhanh BRT cũng như người tham gia lưu
thông bằng buýt nhanh BRT. Tình trạng “lấn làn” buýt nhanh, gây tắc nghẽn
biến buýt nhanh BRT cũng thành chậm.
Thêm nữa, trên xe, có không dưới năm lần cửa không mở, vì đỗ lệch điểm
có cảm ứng, hoặc cửa nhà chờ không mở không rõ lý do. Ngay tại bến Yên Nghĩa,
dù xe đã tiến lui mấy lần, căn đúng chỗ đậu, nhưng cửa nhà chờ vẫn không mở.
Sự cố này khiến “khách” trên xe phải chờ gần 10 phút, mà vẫn phải vòng ra cửa
khác để lên xe.
Trong khi, 70 lái xe được lựa chọn về lái BRT dù đã qua huấn luyện,
cũng vẫn khó chắc mọi lái xe đều có thể đỗ đúng điểm.
Một vấn đề nữa là buýt nhanh nhưng chưa nhanh hơn buýt chậm.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, nếu được hoạt động đủ điều kiện, tiêu chuẩn (có làn đường riêng, có đèn tín hiệu riêng, có lực lượng ứng trực dẹp đường...) thì vận tốc buýt BRT đạt khoảng 19,6 km/giờ. Với tốc độ này, Sở GTVT Hà Nội khẳng định, vẫn nhanh hơn buýt thường từ 5-10 phút.
Tuy nhiên, trên thực tế một lái xe buýt thường cũng có thể đạt được
vận tốc tương tự, thậm chí còn nhanh hơn.
Theo lời lái xe tên Thuận cầm vô-lăng tuyến buýt số 26 nói: “Bình
thường, mật độ người tham gia giao thông đông gấp nhiều lần, chúng tôi chạy
tuyến xe buýt 26 từ Mai Động sang Mỹ Đình dài gần 19km được khoán thời gian
là 60 phút, không có một người nào dẹp đường, chúng tôi vẫn chạy được như
thế. Trong khi, buýt nhanh đi Kim Mã - Yên Nghĩa, cứ cho là 15 km đi hết tận
gần 50 phút, chúng tôi 19 km đi trong 60 phút, nghĩa là đoạn đường chúng tôi
dài hơn, chênh nhau thời gian khoảng 10 phút”.
Anh Thuận so sánh: “Như vậy, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, phát sinh ra
bao nhiêu việc, như trả phí cho những người dẹp đường, mua xe mới… nhưng
không nhanh hơn buýt chậm chúng tôi, vậy tại sao tiền đấy không đầu tư vào
cho buýt chậm chúng tôi? Buýt thường chúng tôi chẳng cần người dẹp đường, chỉ
cần một đường dành riêng. Nếu buýt thường được ưu ái bằng nửa buýt nhanh, thì
có thể còn hoạt động tốt hơn buýt nhanh”, người lái xe thắc mắc.
(Theo
Đất Việt) Thái An
|
Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét