Ba Bộ kiểm tra việc tặng
xe sang: Dân mong đừng hời hợt
Cập nhật lúc 15:40
(Tin tức thời sự)
- “Tôi hoan nghênh việc 3 Bộ vào cuộc kiểm tra vụ tặng xe sang nhưng cần phải
làm nghiêm túc, tránh kiểu hời hợt, đối phó, đãi bôi”.
Liên tiếp trong thời gian vừa qua, Đà Nẵng nhận 8 ô tô do doanh nghiệp
tặng, Cà Mau cũng nhận 2 xe sang Lexus trị giá trên 6 tỷ đồng. Đặc biệt, theo
giải thích của địa phương, các doanh nghiệp tặng với mục đích chung, trong
sáng và tất cả đều được làm đúng quy trình.
TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đã
có những chia sẻ xung quanh việc này. Đất Việt xin đăng toàn bộ ý kiến của TS
Lê Hồng Sơn.
Doanh nghiệp dư thừa của nả?
Như tôi đã có lần nói về việc này, xin nhắc lại một số ý: Thời gian
vừa qua, dư luận nói nhiều đến việc một doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe Lexus
cho UBND tỉnh Cà Mau. Tiếp đó, Đà Nẵng cũng thừa nhận đang sử dụng 8 chiếc xe
ôtô do doanh nghiệp tặng. Một loạt câu hỏi lớn và nghi vấn được dư luận đặt
ra nhưng đến thời điểm này chưa có câu trả lời thấu đáo.
Tại sao doanh nghiệp lại tích cực trong việc tặng xe cho các tỉnh,
thành phố trên? Họ động lòng trắc ẩn hay do quá yêu quý cơ quan công quyền,
chính quyền? Hay do họ ăn nên làm ra, dư thừa của nả?
Ngoài ra, cả hai bên có quyền cho, quyền nhận hay không? Phía cơ quan
công quyền nhận quà rồi phải ứng xử ra sao cho phải đạo của người được cho
quà, hay lại vô ơn?
Đứng ở góc độ luật pháp, tôi xin khẳng định đây là quan hệ dân sự.
Người có của có quyền cho, người được cho có quyền nhận, nếu việc này không
thuộc trường hợp pháp luật cấm hoặc hạn chế.
Tuy nhiên, việc Đà Nẵng và Cà Mau nhận xe sang do doanh nghiệp
hoạt động trên địa bàn tặng thì lại phải nhìn theo khía cạnh khác.
Thực tế xe ô tô là tài sản có thể cho tặng, nhưng đây lại là phương
tiện rất đắt tiền, không hề rẻ, có xe lên tới 3 tỷ đồng. Mặc dù cơ quan công
quyền là một pháp nhân độc lập trong xã hội, nhưng lại là chủ thể đầy quyền
uy, đầy thế lực, đang lãnh đạo, quản lý ở địa phương, nơi doanh nghiệp làm
ăn, kinh doanh.
Luật không có quy định cấm rõ ràng, nhưng cũng không khuyến khích. Hơn
nữa, việc đối tượng quản lý tặng quà đắt tiền cho chủ thể quản lý mình ngay
trên địa bàn lại càng phải nhìn nhận kỹ lưỡng hơn, thấu đáo hơn. Liệu hành vi
trên có phải là sự hối lộ? Liệu đây có phải là một sự “đầu tư”, vận động để
dành được sự ưu ái hơn các doanh nghiệp khác trong quá trình hoạt động sản
xuất, kinh doanh?.
Đừng làm kiểu đãi bôi, đối phó
Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã vào cuộc kịp thời khi mà báo chí và
dư luận nêu vấn đề, đã có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra, làm rõ vấn đề trên, nếu có vi
phạm vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
Tôi hoan nghênh động thái tích cực trên từ Chính phủ, của Thủ tướng
Chính phủ. Nó đáp ứng được nhu cầu cũng như những bức xúc, băn khoăn của
người dân và dư luận xã hội.
Tuy nhiên, ý kiến giải thích bước đầu tại phiên họp báo của Chính phủ
vừa qua, tôi thấy chưa thật sự thỏa đáng. Nó vẫn còn mang tính chung chung,
chưa thật sự cụ thể.
Nhân sự kiện Chính phủ yêu cầu 3 Bộ vào cuộc, tôi nghĩ không đơn giản
chỉ là xác định việc nhận xe có đúng quy trình hay không. Nếu chỉ đơn giản
như vậy thì dư luận tiếp tục băn khoăn là đúng, vì chưa đi đến cùng của sự
việc, chưa chạm vào bản chất của vấn đề, còn khá hời hợt, mang tính chất đãi
bôi, đối phó. Chúng ta phải xem xét ở nhiều góc độ, nhiều phía, cả bên cho,
bên nhận và những mối quan hệ đằng sau việc này thì mới giúp cho việc định
danh, vạch mặt, chỉ tên bản chất của hành vi bất thường này.
Trước hết về phía doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan nhà nước, chúng ta
cần phải làm rõ động cơ của họ. Tại sao doanh nghiệp lại biếu xe có giá
trị đắt tiền như vậy? Điều cần thiết đầu tiên, theo tôi là phải sục vào
các doanh nghiệp này xem tình hình kinh doanh, buôn bán, tài sản thế nào?
Liệu rằng có đúng là các đơn vị này làm ăn có lãi, sở hữu một khối tài sản đủ
lớn hay không?
Và nữa, trước khi tặng xe sang cho cơ quan công quyền, liệu họ có
tích cực trong các hoạt động từ thiện trong xã hội hay không? Bởi vì cái tâm
đúng nghĩa của người có điều kiện trong xã hội thì các hoạt động tư thiện,
làm ơn, làm phúc đều có tính hệ thống, có lôgic nội tại.
Và trước hết, người ta thường hướng ngay vào các hoàn cảnh không may
mắn, gặp khó khăn, cơ nhỡ trong cuộc sống. Như tôi đã nói, một doanh nghiệp
không quan tâm đến hoạt động từ thiện trong xã hội thì không thể có chuyện họ
vô tư khi biếu tặng quà đắt tiền cho chính quyền, cho cơ quan quản lý.
Xem xét càng kỹ càng bao nhiêu thì càng rõ động cơ của doanh nghiệp
khi tặng tài sản lớn cho cơ quan nhà nước, cho cơ quan quản lý.
Ngoài việc kiểm tra doanh nghiệp, cũng cần phải xem xét lại, kiểm tra
kỹ tại các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước khác nhau ở
các địa phương Đà Nẵng, Cà Mau, nơi đã nhận quà, nhận xe sang của doanh
nghiệp xem từ trước đến nay có sự quan tâm, ưu ái bất thường nào cho doanh
nghiệp này hay không? Có ẩn chứa mục đích gì đằng sau hay không? Rất cần sục
sâu vào bản chất mối quan hệ đó.
Liệu chính quyền sau khi nhận quà tặng trên có xử lý phương án kinh
doanh hay đưa những ưu đãi cho doanh nghiệp trên địa bàn hay không? Cả nghìn
doanh nghiệp tại sao chỉ có 1 doanh nghiệp này biếu và địa phương nhận. Đó là
việc cần phải làm rõ ràng.
Nhận xe sang có thật sự đúng quy trình?
Một vấn đề khác tôi muốn nhắc đến đó là việc lãnh đạo các địa phương
như Đà Nẵng, Cà Mau khẳng định việc nhận xe đúng quy trình. Tôi xin hỏi quy
trình nằm ở đâu? Vì sao họ lại tuyên bố như vậy?
Quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô
trong cơ quan nhà nước của Chính phủ có quy định rõ, lãnh đạo, cán bộ cấp
tỉnh cũng không được phép đi xe trị giá 3 tỷ đồng.
Theo quy định mới nhất của Bộ Tài chính, chủ tịch tỉnh, thành phố chỉ
được đi ôtô có giá trị không quá 920 triệu đồng. Bí thư cấp tỉnh nếu là Ủy
viên Bộ Chính trị thì được đi xe giá trị tối đa 1,1 tỷ đồng.
Như vậy việc nhận những xe sang có trị giá đắt tiền của Đà Nẵng và Cà
Mau có đúng quy trình hay không? Tôi nghĩ cần phải xem lại trình độ và trách
nhiệm của cán bộ. Tại sao để báo chí, dư luận phải vào cuộc?
Tiêu chuẩn xe công đã có, xe đã được mua sắm, trang bị rồi, nhưng tại
sao lãnh đạo ở Đà Nẵng và Cà Mau lại nhận xe đắt tiền do doanh nghiệp tặng để
sử dụng, rồi lại còn tùy tiện lắp biển xanh vào nữa? Cần phải xem lại trình
độ nhận thức, hiểu biết pháp luật và quan trọng hơn là đạo đức, tư cách của
họ.
Trong quá trình kiểm tra cũng rất nên và rất cần phải tìm xem ai là
người cho phép lắp biển xanh vào các xe sang đó?
Chính phủ và người dân đang rất quan tâm đến việc này. Do đó Bộ
Tài chính, Bộ tư pháp cùng với Thanh tra Chính phủ phải làm nghiêm túc, không
thể hời hợt, làm cho xong chuyện được.
Tôi cho rằng thực trạng này cũng rất cần được xem xét đẻ đưa vào Luật chống
tham nhũng tới đây để loại trừ một dạng đưa và nhận hối lộ tinh vi, nấp dưới
danh nghĩa người nhận là một tập thể và ngăn chặn các chi phối hoạt động lãnh
đạo, quản lý khách quan, công khai, công bằng trong xã hội.
(Theo
Đất Việt)
TS Lê Hồng Sơn, cựu Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp
|
Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét