Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

30 quy định pháp luật kém: Hậu quả của thiếu thực tiễn

Cập nhật lúc 10:48

Bình chữa cháy trên ôtô, đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ lương hay quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng tên doanh nhân… được đề cử vào danh sách những quy định… kém của năm 2016.



Sáng 28-2, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức công bố 30 quy định pháp luật tốt nhất và 30 quy định pháp luật kém nhất theo bình chọn của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia sau hơn một năm khởi động.
52% quy định kém
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, cho biết trong số 237 quy định được đề cử có 114 quy định tốt và 123 đề cử quy định kém. Trong đó nếu như các quy định cấp luật chỉ có 24% được đề cử kém thì ở cấp nghị định và thông tư, tỉ lệ quy định được đề cử kém cao hơn, lên đến 70%.
“Điều này cho thấy theo cảm nhận chung của cộng đồng, chất lượng văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư có xu hướng kém hơn so với văn bản ở cấp luật” - ông Tuấn nhìn nhận.
Một trong những quy định được doanh nghiệp kêu ca nhiều nhất là quy định liên quan đến ngành in. Theo đó, có tới 5/6 quy định kém được VCCI đưa ra liên quan đến nghị định 60 quy định về hoạt động in thuộc lĩnh vực Bộ Thông tin và truyền thông quản lý.
Trong đó, các nội dung được cho là bất cập bao gồm: hạn chế hoạt động hợp tác ở các cơ sở in, cấp giấy phép nhập khẩu cho một số máy móc thiết bị gia công sau in, trách nhiệm ghi chép thông tin của doanh nghiệp in...
Hoặc với quy định yêu cầu ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải được trang bị bình chữa cháy (theo thông tư 57 năm 2015 của Bộ Công an) được VCCI đánh giá gây bất tiện, thậm chí mất an toàn vì người sử dụng không biết đặt bình cứu hỏa ở đâu trong xe.
Hơn nữa, việc chấp hành quy định này gây tốn kém cho xã hội vì ước tính cả nước có khoảng 3,5 triệu ôtô, mỗi xe phải trang bị bình chữa cháy thì chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều so với lợi ích thu được.
Tuy nhiên, theo phản hồi của Bộ Công an đến VCCI thì Bộ Tư pháp đã có ý kiến và cho rằng chưa có căn cứ nói thông tư này ban hành trái quy định của pháp luật.
Mặc dù dư luận có nhiều ý kiến trái chiều và không đồng tình với quy định trên, song Bộ Công an cho biết với xe từ 10 chỗ ngồi trở lên vẫn phải thực hiện theo quy định thông tư 57.
Còn với xe dưới 9 chỗ ngồi, Bộ Công an cho biết chưa xử lý vi phạm, nhưng thời gian tới sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng khuyến cáo cách lắp đặt bình chữa cháy trên xe theo đúng quy định.
Không thực tiễn
Tình trạng quy định ban hành nhưng không phù hợp, hoặc không lấy ý kiến đầy đủ của các bên bị tác động được xem là nguyên nhân căn bản khiến nhiều quy định ban hành không phù hợp thực tiễn, hoặc gây nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Thập, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tuyên Quang, cho rằng cơ quan quản lý có lúc còn phớt lờ ý kiến của doanh nghiệp.
Ông Thập nói nhiều cán bộ làm chính sách chỉ ngồi “đút chân vào gầm bàn”. Thực tế không ít công văn, thông tư, nghị định đến luật ẩn chứa nhóm lợi ích. Mặc dù có 6 nguyên tắc khi ban hành văn bản như khi ban hành phải lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, nhưng chưa được cơ quan soạn thảo chính sách coi trọng.
Cùng ý kiến này, bà Vũ Đặng Hải Yến, nguyên trưởng ban pháp chế Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, cho rằng tỉ lệ đóng góp của doanh nghiệp được cơ quan soạn thảo văn bản tiếp thu chỉ 10 - 20%. Những đóng góp của doanh nghiệp là hoàn toàn hợp lý, nhưng khi đưa ra thực hiện lại có nhiều bất cập.
Theo TS Lê Hồng Sơn - nguyên cục trưởng Cục kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng văn bản chưa đạt yêu cầu là do khối lượng văn bản được xây dựng và ban hành khá đồ sộ.
Vì vậy mặc dù chú trọng đến chất lượng nhưng thiếu tính hợp lý và khả thi, trong khi xã hội thay đổi nhanh nên nhiều quy định ban hành không phù hợp thực tiễn.
Sửa đổi ngay
Theo đánh giá của TS Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem), với tư duy đặt doanh nghiệp và người dân ở vị trí cao hơn trong phát triển để xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính thì cần phải đánh giá về chất lượng dịch vụ, đo lường từ sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi thực thi các văn bản pháp luật.
“Hi vọng sau cuộc bình chọn này, các bộ trưởng sẽ sử dụng ngay nội dung bình chọn, chỉ đạo để sửa đổi ngay. Hoặc kể cả khi hiệp hội và các doanh nghiệp phản ảnh vướng mắc thì cũng nên chỉ đạo sửa ngay.
Hi vọng rằng sẽ có nhiều bộ trưởng như thế để thực hiện nhiệm vụ chính trị kiến tạo, hành động, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ” - TS Cung khuyến nghị.
Đồng thời, TS Cung cho rằng cần xây dựng quy định liên quan đến việc có thể kiện cơ quan, đơn vị ra văn bản quy phạm pháp luật không đúng quy định hoặc gây tổn hại cho xã hội. Bởi theo ông Cung, khi cơ quan ban hành văn bản có quyền ra văn bản pháp luật thì cần phải có cơ chế giám sát quy định.
Đây cũng là việc mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện nhiều năm, nhằm mục tiêu giảm bớt những văn bản quy phạm kém chất lượng.
Phải xử lý trách nhiệm
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng trách nhiệm xây dựng văn bản tốt là nhiệm vụ đương nhiên của Nhà nước. Do đó với những đơn vị, cá nhân đưa ra văn bản sai thì phải xử lý trách nhiệm, tránh việc xử lý trách nhiệm chung chung tập thể, cơ quan mà không nhấn mạnh đến vai trò của cá nhân.
“Ta nhấn mạnh tính minh bạch nhưng không nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, ai tham gia và quyết định để gây phương hại thì phải làm rõ” - bà Lan yêu cầu.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ THANH - N.AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét