Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Trung tâm thương mại CV Thống Nhất: Hà Nội giúp người sai?

Cập nhật lúc 08:46


(Tin tức thời sự) - Hà Nội thật lạ lùng, cứ thấy đất trống là nhăm nhe xây nhà. Khách sạn SAS đã phải dừng lại, tại sao còn làm trung tâm thương mại?

Lợi ích nhóm?
KTS Ngô Doãn Đức thẳng thắn cho biết, không thể xây trung tâm thương mại hay bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất.

 Trung tam thuong mai CV Thong Nhat: Ha Noi giup nguoi sai?
Ảnh minh họa

Ông Đức càng không đồng ý với giải thích của ông Phó Chánh văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, đây là vị trí phần ngầm của dự án khách sạn SAS tại Công viên Thống Nhất, UBND TP Hà Nội đã thu hồi, dừng triển khai từ cuối năm 2013, đến nay khu vực đó bỏ không. Trước nhu cầu đỗ xe trên địa bàn còn rất thiếu, cảnh quan công viên cũng cần được cải tạo để đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân, thành phố đã giao cho Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nghiên cứu quy hoạch tổng thể công viên. Quy hoạch chi tiết của Công viên Thống Nhất đang được hoàn thiện để trình UBND thành phố phê duyệt. Phần dự án cũng nằm trong quy hoạch tổng thể và được xác định rõ đây là khu vực vườn hoa, cây xanh kết hợp bãi đỗ xe.
Để tận dụng 3 tầng hầm của công trình khách sạn SAS để không từ năm 2013 đến nay, UBND thành phố đã báo cáo Thường trực Thành ủy đề nghị sử dụng 3 tầng hầm làm bãi đỗ xe, còn trên mặt đất toàn bộ là vườn hoa, cây xanh, đường dạo. Theo đó, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã thống nhất đồng ý về chủ trương cho xây dựng một trung tâm thương mại kết hợp bãi đỗ xe ở phần không gian ngầm tại vị trí nói trên.
Với diện tích xây dựng hơn 10.000 m2, bãi đỗ xe dự kiến xây dựng trong Công viên Thống Nhất sẽ có 3 tầng đỗ xe ngầm, mỗi tầng hơn 5.600 m2 (sức chứa khoảng 390 chỗ cho ôtô). Tầng mặt đất có sân đường giao thông, cây xanh, nhà điều hành, các công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
"Nói như vậy chẳng khác nào bảo chủ đầu tư đã bỏ tiền, đóng cọc giờ phải giúp họ thu hồi lại vốn", ông Đức thẳng thắn.
Vị KTS nói thẳng, hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về lợi ích nhóm trong quyết định cho đầu tư dự án này.
"Nhóm lợi ích đang lợi dụng tài sản toàn dân, lợi dụng sự đóng góp của biết bao nhiêu thế hệ, con người từng lao động, cải tạo, tạo lên một công viên gọi là Thống Nhất như hiện nay. Công viên đó phải để dành cho cộng đồng, cho nhân dân. Khuôn viên đó phải để người dân được vào nghỉ ngơi. Hà Nội không còn nhiều diện tích cây xanh như vậy nữa.
Thế mà, cứ thấy đất trống là nhăm nhe tìm mọi cách để sở hữu, xây nhà. Khách sạn SAS đã phải dừng lại, bãi đỗ xe ngầm bị phản đối, tại sao lại cho phép xây trung tâm thương mại và bãi đỗ xe ngầm nữa? Vì chủ đầu tư đã đổ tiền ra hay vì một lời hứa hẹn của cấp quản lý chưa được thực hiện mà cứ quanh quẩn đòi xây bãi đỗ xe rồi lại xây trung tâm thương mại?", vị KTS đặt câu hỏi.  
KTS Ngô Doãn Đức cũng hoài nghi trước cam kết chỉ xây dựng hạ tầng ngầm, không ảnh hưởng tới không gian trên mặt đất.
"Cam kết đó hoàn toàn không an toàn. Nhiều công trình chúng ta đã thấy rồi, công tác quản lý rất yếu kém, của công rồi lại thành của tư. Dự án này cũng vậy, không ai dám đảm bảo chắc chắn, xây trung tâm thương mại, làm bãi đỗ xe rồi chủ đầu tư sẽ không từng bước thôn tính, độc quyền khai thác cả công viên. Đến bãi biển rộng lớn còn bị chặn lối, không cho dân xuống huống hồ là công viên Thống Nhất", ông Đức thẳng thắn.
Dù rất chia sẻ với những người "không may" đã bỏ tiền đầu tư nhưng lại không thể thu hồi được vốn, nhưng về mặt quản lý, vị KTS cho rằng đó là sơ xuất không thể chấp nhận được.
"Hà Nội thật lạ lùng, không gian chật hẹp, thiếu vắng diện tích cây xanh, vườn hoa, công viên nhưng cứ trống đâu là xây nhà ở đó. Tại sao, không ra ngoại ô xây dựng? Tại sao lại cứ quẩn quanh ở đây?", ông đặt câu hỏi tiếp.
Đồng ý nếu...
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, Công viên Thống Nhất là công viên tổng hợp do đó, đòi hỏi có trung tâm thương mại hay bãi đỗ xe ngầm cũng là chủ trương chấp nhận được.
Tuy nhiên, việc yêu cầu làm trung tâm thương mại và bến xe không phải lần đầu tiên được đề xuất xây dựng tại khu vực này. Việc tận dụng, khai thác cơ sở hạ tầng cũ cho có hiệu quả cũng là đúng.
Song, ông Nghiêm cho biết, nếu Hà Nội muốn xây trung tâm thương mại và bãi xe ngầm trong công viên Thống Nhất thì nhất thiết phải giải quyết được 3 vấn đề:
Thứ nhất, theo ông, Hà Nội cần phải trả lời được liên kết giữa giao thông khu trung tâm thương mại, bãi đỗ xe với khu vực xung quanh như thế nào? Ông cho biết, đây là khu vực đang có nhiều biến động về mặt giao thông như, tuyến đường sắt Bắc – Nam sẽ thành tuyến đường sắt đô thị; tuyến đường Lê Duẩn có thể được mở rộng; tuyến đường Trần Nhân Tông sẽ kéo dài, cắt ngang Kim Liên nối với Hồ Ba Mẫu và gắn kết ga đường sắt Hàng Cỏ (sau này đây sẽ là trung tâm ga đường sắt). Với những biến động giao thông lớn như vậy, liên kết giao thông rất quan trọng, phải được nghiên cứu rất kỹ.
"Không thể chỉ nhìn vào điều kiện hiện tại mà cố xây cho được trung tâm thương mại. Xây dựng mà không được nghiên cứu kỹ, dự án trở thành nguy cơ gây áp lực rất lớn tới hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Hà Nội. Trong khi đó, Hà Nội đang gặp khó khăn trong giải quyết hạ tầng, kỹ thuật, khi có trung tâm thương mại này, khó khăn sẽ chồng lên khó khăn", KTS Đào Ngọc Nghiêm nhắc nhở.
Thứ hai, phải đảm bảo tính gắn kết liên hoàn của công viên. Vị KTS cho hay, đương nhiên dự án chỉ được tính tới phương án xây dựng ngầm, phía trên mặt đất của công viên phải được gắn kết với không gian cây xanh, thảm cỏ, tạo thành chuỗi gắn kết liên hoàn của công viên.
Ông cho biết, việc này tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi rất khắt khe về tính khoa học, tính thực tiễn. Nhiều dự án như bãi đỗ xe và trung tâm dịch vụ thương mại ngầm dự tính xây dựng ở vườn hoa Hàng Đậu, vườn hoa Lý Thái Tổ, công viên Lê Văn Tám (TP.HCM)... đã được nghiên cứu rất kỹ. Tuy nhiên, khi thẩm định dự án đã không đảm bảo được tính thực tiễn và tính khoa học về mật độ cây xanh, yêu cầu kỹ thuật trồng cây xanh, chủ đầu tư đã không dám thực hiện.
"Muốn đảm bảo mật độ cây xanh, thảm cỏ thì phải đảm bảo mặt đất có độ dày nhất định. Muốn đạt được chiều dày đảm bảo yêu cầu của mặt đất lại liên quan tới kết cấu, độ dày của bê tông, hạ tầng.
Với dự án này cũng vậy, Hà Nội cũng phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính thực tiễn và tính khoa học cho cây xanh, công viên. Tôi đề nghị, Hà Nội phải lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên gia, của cộng đồng và đặc biệt là các hiệp hội tư vấn chuyên nghiệp trước khi quyết định", KTS Đào Ngọc Nghiêm nhắn gửi.
Vấn đề thứ ba, ông nói là phải xác định rõ chức năng của trung tâm thương mại và loại phương tiện giao thông được đỗ, gửi tại đây. Theo ông, bãi đỗ xe phải đảm bảo kết hợp được hài hòa lợi ích của người tới trung tâm thương mại nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo được lợi ích của người dân.
Vì là bãi đỗ xe nằm trông công viên, nên có thể tính tới phương án gửi định kỳ nhưng vẫn phải tạo điều kiện cho người dân đến công viên được gửi xe tại bãi đỗ xe này. Ông nhắc lại, đây là công viên Thống Nhất, là tài sản sở hữu toàn dân, bãi đỗ xe cũng phải phục vụ người dân, chứ không chỉ tính chuyện gửi xe mỗi tháng mấy triệu lấy lãi.
(Theo Đất Việt) Lam Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét