Tăng nạc cho heo kiểu gì?
Cập nhật lúc
16:52
Bất an thức ăn
chăn nuôi trôi nổi. Nhu cầu nuôi heo nhiều nạc, ít mỡ, lớn nhanh là đòi hỏi
của người chăn nuôi và người tiêu thụ, họ phải làm sao?
Nhiều người chăn nuôi đang lo lắng việc
các loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường có bị trộn chất cấm hay không, bởi
theo quy định từ ngày 1-7 tới, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị
phạt nặng.
Trong khi đó, các công ty sản xuất thức
ăn chăn nuôi cũng đang chạy đua để tìm cách chứng minh sản phẩm của họ làm ra
là an toàn, không có chất cấm để trấn an người chăn nuôi.
Thận
trọng với chất cấm
Gần một tháng qua, bà Dương Thị Hoa
(huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã ngưng mua các loại nguyên liệu như bắp,
đậu nành, premix (hỗn hợp dinh dưỡng, vitamin...) về tự trộn thức ăn cho heo.
Thay vào đó, bà Hoa chuyển sang mua cám
thành phẩm của một đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. “Mua
cám chế biến sẵn có đắt hơn tự trộn hơn 1.000 đồng/kg nhưng yên tâm hơn. Bước
đầu cứ tạm thời như thế còn sau này tính tiếp, vì tôi lo dùng nguyên liệu bên
ngoài rất dễ dính chất cấm trộn lẫn” - bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, hồi đầu tháng 3-2016, một
số hộ chăn nuôi ở huyện Vĩnh Cửu bị cơ quan thú y xử phạt vì phát hiện dư
lượng chất cấm salbutamol trong nước tiểu heo. Các hộ chăn nuôi đều khẳng
định họ không sử dụng chất cấm và cho rằng có thể do bị trộn lẫn trong nguyên
liệu thức ăn chăn nuôi từ trước.
Cũng như bà Hoa, nhiều người chăn nuôi
khác tại Đồng Nai đang rất cảnh giác và thận trọng trong việc lựa chọn thức
ăn chăn nuôi sau khi biết thông tin người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
heo sẽ bị phạt tù (Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7).
Bởi theo họ, thức ăn chăn nuôi được bán
từ nhiều nguồn, nhiều dạng, từ nguyên liệu thô về pha trộn đến các loại thành
phẩm của hàng trăm thương hiệu, chưa kể hàng trăm loại hỗn hợp dinh dưỡng
(premix) đang bán hiện nay.
Ông Trần Quang Trung, chủ trại heo với
tổng đàn lên đến 3.000 con ở Thống Nhất (Đồng Nai), cho rằng đơn vị nào cũng
quảng cáo thức ăn của họ tốt, premix của họ chất lượng cao nhưng từng có đơn
vị cho chất cấm vào để giúp heo tăng trọng nhanh mà người dân không biết.
Do đó, từ lâu ông Trung đã nói không
với các loại thức ăn và premix không rõ nguồn gốc. “Tôi chỉ chọn mua sản phẩm
của các đơn vị có thương hiệu lâu đời, quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn
cao vì họ đã đầu tư lớn như vậy sẽ không dám làm bậy” - ông Trung chia sẻ.
Trước lo lắng của người chăn nuôi, Hiệp
hội Chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về chính sách mới
của Nhà nước trong việc xử phạt hành vi sử dụng chất cấm.
Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp
hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay hiệp hội đã khuyến cáo người dân dù dùng cám
chế biến sẵn hay nguyên liệu tự trộn cũng phải cẩn trọng trong lựa chọn đầu
vào từ những đơn vị có uy tín, có hóa đơn chứng từ rõ ràng để tự bảo vệ mình.
“Giá heo đang ở mức cao còn giá cám lại
rẻ hơn trước nên người nông dân cũng khắt khe hơn trong lựa chọn thức ăn chăn
nuôi để có hiệu quả cao mà không rủi ro do dính chất cấm” - ông Đoán cho biết.
Nhà
sản xuất cam kết bán cám sạch
Để trấn an người tiêu dùng, một số đơn
vị sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã chủ động cung cấp các bằng chứng và cam
kết với người tiêu dùng sản phẩm của họ làm ra là sạch và không chứa chất cấm.
Cuối tháng 3 vừa qua, ông Trần Minh
Tiến, giám đốc kinh doanh của Công ty VH (Đồng Nai), đã chủ động đem mẫu thức
ăn đi phân tích chất cấm để đưa cho các khách hàng.
“Người chăn nuôi đang rất lo lắng trước
thông tin chất tạo nạc nên chúng tôi phải chủ động chứng minh mình làm ăn
đàng hoàng và bảo đảm về chất lượng” - ông Tiến chia sẻ.
Tương tự, ông Lee Meng Hong, giám đốc
nghiên cứu và phát triển của Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế
(ANCO) và Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (PROCONCO),
cũng cho biết từ đầu tháng 4-2016, hai đơn vị này đã in tem cam kết “không
chất cấm” lên bao bì cám bán ra cho người tiêu dùng như một sự đảm bảo về
chất lượng sản phẩm an toàn cho người chăn nuôi.
Để có thể cam kết với nông dân như vậy,
hai đơn vị này có một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng cám từ
nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.
Ông Lee Meng Hong giải thích để kiểm
soát đầu vào, doanh nghiệp yêu cầu các đơn vị cung cấp nguyên liệu cam kết
cung cấp nguyên liệu sạch, không chất cấm.
Bên cạnh việc kiểm tra các chỉ tiêu
chất lượng sản phẩm như đăng ký, hai thương hiệu này còn lấy mẫu cám định kỳ
hằng tháng để gửi đến các trung tâm kiểm nghiệm độc lập được Bộ NN&PTNT
chỉ định nhằm theo dõi và kiểm tra hàm lượng các chất thuộc nhóm beta-agonist
(salbutamol, ractopamine, clenbuterol).
“Hàng trăm mẫu đã được thử nghiệm và
100% đều âm tính với các chất thuộc nhóm beta-agonist. Việc lấy mẫu cám và
theo dõi chất lượng đã và sẽ tiếp tục được duy trì để đảm bảo tuyệt đối không
có chất cấm trong cám” - ông Lee Meng Hong khẳng định.
(Theo Tuổi trẻ) TRẦN MẠNH
|
Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét