NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN HỮU SƠN:
“Thôi đừng quảng bá du lịch kiểu đó nữa!”
Cập nhật lúc 11:11
Du khách Tây trải nghiệm một mô hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam.
“Tỉnh
nào cũng đua nhau đăng cai năm du lịch quốc gia, dồn công, dồn sức, dồn tiền
của vào những màn nghệ thuật. Nếu tiết kiệm được số tiền đó để đầu tư cho cơ
sở hạ tầng và quảng bá du lịch bằng các hình thức khác, chắc chắn sẽ hiệu quả
hơn rất nhiều…” - nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân
gian Việt Nam (ảnh), người từng nhiều năm trăn trở với du lịch Sa Pa -
trò chuyện với “Buffet cuối tuần”, nhân “Năm Du lịch quốc gia” 2016 vừa được
phát động.
Du khách đến chụp cái ảnh xong, rồi về
Năm du lịch Quốc gia 2016 vừa được phát động. Như thường
lệ, lại được khai màn bằng những chương trình nghệ thuật “hoành tráng”. Là
người từng gắn bó với du lịch Sa Pa (TS, nhà nghiên cứu dân tộc học Trần Hữu
Sơn từng nhiều năm là Giám đốc Sở VTTTDL tỉnh Lào Cai - P.V), ông nghĩ sao về
những “bổn cũ soạn lại” này?
- Hiện nay, mỗi
năm cả nước tổ chức vài chục sự kiện du lịch và nhiều nhà quản lý đều gọi đó
là lễ hội. Mỗi một sự kiện du lịch lớn cấp vùng, cấp quốc gia lên đến vài
chục tỉ đồng. Còn sự kiện cấp tỉnh cũng từ 5 - 10 tỉ đồng. Theo nghiên cứu
của tôi, đấy không phải là lễ hội du lịch mà chỉ là một chương trình nghệ
thuật quảng bá cho du lịch, đã trở thành một lối mòn không hiệu quả, tồn tại
hơn 20 năm nay.
Tỉnh nào cũng
đua nhau đăng cai năm du lịch quốc gia, dồn công, dồn sức, dồn tiền của vào
những chương trình nghệ thuật na ná giống nhau, không toát lên giá trị đặc
sản vùng. Nếu tiết kiệm được số tiền đó để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và quảng
bá du lịch bằng các hình thức khác, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều kiểu
“khai mạc nghệ thuật” đầy hình thức nói trên.
“Du lịch bền vững”, “du lịch có trách nhiệm”, thay vì “ăn
xổi ở thì”, “thấy đỏ tưởng chín” là quan điểm làm du lịch của ông. Từ đâu mà
ông có quan điểm trên?
- Chúng tôi
nghiên cứu nhiều khu du lịch cách Hà Nội từ 100 - 300km, trước kia thu hút
được rất nhiều du khách quốc tế nhưng gần đây đang có xu hướng chững lại.
Khách du lịch trong nước phát triển rất đông nhưng lại chỉ tập trung vào ngày
nghỉ, vì vậy các khu du lịch trở thành ngày nghỉ cuối tuần của các đô thị
lớn. Trong ngày nghỉ, giá cả các dịch vụ tăng vọt, nhiều doanh nghiệp và hộ
kinh doanh du lịch coi đây là thời cơ để nâng giá, “chặt chém”. Nhưng số
khách du lịch đến các khu này chỉ lưu trú từ 1 - 2 đêm. Du khách chủ yếu đến…
chụp cái ảnh xong rồi về. Còn khách du lịch nước ngoài có nguồn chi trả lớn
thì đang có xu hướng giảm. Điều tra của dự án EU công bố vào tháng 10 năm
2014 cho thấy: Cứ 10 người khách lên Tây Bắc thì chỉ có 1 người quay trở lại,
còn đa số “ra đi không hẹn ước”…
Nguyên nhân chủ
yếu là du lịch phát triển thiếu tính bền vững, không coi trọng “du lịch có
trách nhiệm”. Quan điểm này không chỉ xảy ra ở tầm nhìn của các lãnh đạo địa
phương mà cả tầm nhìn của ngành du lịch và phản ánh vào một phần của chính
sách du lịch.
Là người tâm huyết với mô hình du lịch cộng đồng, cho đến
nay, ông thấy việc ứng dụng mô hình này đạt hiệu quả đến đâu, tại Lào Cai
cũng như một số địa phương khác?
- Du lịch cộng
đồng là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên của cộng đồng, do cộng đồng chủ
động tham gia xây dựng sản phẩm quản lý và vì lợi ích của cộng đồng. Du lịch
cộng đồng được xây dựng và phát triển ở vùng người Thái ở bản Lác, huyện Mai
Châu (Hòa Bình) vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Đến năm 2000, người Tày ở
bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng triển khai xây dựng mô
hình du lịch cộng đồng.
Sau gần 20 năm
phát triển, đến nay, du lịch cộng đồng được xây dựng thành công ở vùng người
Thái, người Tày, người Dao, Mông tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên,
Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái... Nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút hàng vạn
du khách, như Bản Dền (Lào Cai) đón 12.000 lượt khách quốc tế (năm 2008), các
điểm du lịch cộng đồng ở Mai Châu (Hòa Bình) đón 300.000 lượt du khách, trong
đó có 100.000 lượt du khách quốc tế (năm 2014). Các điểm du lịch cộng đồng,
như bản Lác, bản Văn (huyện Mai Châu, Hòa Bình), bản Áng (huyện Mộc Châu, Sơn
La), bản Mển, Phiêng Lơi (Điện Biên)... trở thành những điểm đến quen thuộc
của các hãng lữ hành và các tour du lịch vùng Tây Bắc.
Du lịch cộng
đồng đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng
cao. Các thôn, bản có điểm du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xóa
đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không có du lịch. Năm
2012, số hộ nghèo ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) chiếm 25%, trong khi ở các điểm
du lịch cộng đồng, số hộ nghèo chỉ chiếm từ 8 - 11%...
Tam giác mạch giờ nở khắp nơi
Thế nhưng bên cạnh đó, lại có không ít biến tướng gây bất
cập, khi nhà nhà đua nhau làm du lịch cộng đồng?
- Đó là một
thực tế tại nhiều tỉnh Tây Bắc. Nhiều nơi phát triển du lịch cộng đồng một
cách ồ ạt, không có quy hoạch, dẫn đến sự cạnh tranh khá khốc liệt. Một số
điểm du lịch trước kia đón hàng nghìn khách quốc tế mỗi năm thì nay vắng
khách. Trong cuộc phỏng vấn phiếu điều tra du khách của Hội Văn nghệ dân gian
VN (tháng 12.2014), có tới từ 65 - 75% số du khách quốc tế không muốn trở lại
các điểm du lịch cộng đồng.
Ở huyện Vân Hồ
và Mộc Châu (tỉnh Sơn La), các điểm du lịch cộng đồng như bản Phụ Mẫu 1, bản
Phụ Mẫu 2, bản Nà Bai, số du khách đã suy giảm nghiêm trọng. Nhiều hộ gia
đình đầu tư hàng chục triệu đồng làm phòng nghỉ, nhà vệ sinh phục vụ du
lịch... thì nay không có khách. Phỏng vấn sâu 10 hãng lữ hành đưa khách du
lịch đi vùng người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) và
Điện Biên đều có nhận xét chung là du khách chỉ thăm một làng du lịch cộng
đồng thì đã biết trước các sản phẩm du lịch của các làng khác: Đều ngủ nhà
sàn, ăn cơm lam, xem xòe Thái, uống rượu cần...
Vì vậy, có du
khách đã nhận xét không cần đi cả vùng Tây Bắc, chỉ cần đến một làng du lịch
cộng đồng cũng biết được sản phẩm du lịch của toàn vùng.
Du lịch biển
thì ở tỉnh nào có biển cũng giống nhau, du lịch núi cũng lại na ná khắp các
vùng miền núi. Hà Giang có tam giác mạch thì nhiều tỉnh cũng đua nhau trồng
tam giác mạch...
Trong khi lượng du khách quốc tế đến VN chỉ tăng lẹt đẹt,
thì hai nước láng giềng là Lào và Cambodia có xuất phát điểm thấp hơn hẳn
chúng ta lại tăng vọt. Theo ông là vì sao?
- Trước hết,
tầm nhìn về phát triển du lịch ở ta còn hạn chế, khả năng liên kết du lịch
giữa các ngành, các cấp còn yếu. Ngành nào, địa phương nào cũng chỉ nghĩ đến
lợi ích của mình mà ít chú ý đến lợi ích của toàn cục. Do đó, chưa huy động
được sức mạnh tổng hợp từ chính quyền đến người dân, từ doanh nghiệp đến các
nhà khoa học phát triển du lịch.
Văn hoá ứng xử
với du lịch vẫn còn mang phong cách của người tiểu nông, nặng về tầm nhìn
ngắn và lợi ích trước mắt mà quên phát triển bền vững lâu dài.
Ở Việt Nam
thiếu một chiến lược phát triển du lịch dựa vào lợi thế các sản phẩm đặc thù.
Chúng ta chưa biết khai thác tài nguyên du lịch thành các sản phẩm đặc thù
của cả nước và đặc thù của từng vùng. Du lịch biển thì ở tỉnh nào có biển
cũng giống nhau, du lịch núi cũng lại “na ná” khắp các vùng miền núi. Hà Giang
có tam giác mạch thì nhiều tỉnh cũng đua nhau trồng tam giác mạch để thu hút
khách du lịch...
Đầu tư cho xúc
tiến quảng bá du lịch ở Việt Nam còn rất thấp. Nguồn vốn ít, lại dàn trải,
hoặc chỉ lo đi hội chợ hay quảng cáo mang tính chất hình thức mà không chú
trọng nghiên cứu thị trường, sử dụng các kênh tuyên truyền quảng bá, hiệu quả
đối với từng loại du khách. Đành rằng, Việt Nam có nhiều hạn chế so với các
nước láng giềng nhưng nếu đổi mới tầm nhìn liên kết phát triển du lịch, tôi tin
là tình hình sẽ khả quan hơn...
- Xin cảm ơn ông.
(Theo Lao động)
THỦY NGUYÊN (THỰC HIỆN
|
Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét