Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Muốn an dân đừng tăng thuế phí

Cập nhật lúc 11:41

 Nợ công tăng nhanh. Nợ chính phủ vượt trần. Bội chi ngân sách luôn ở mức cao. Áp lực trả nợ lớn. Phải tìm nguồn thu để bù đắp các khoản thiếu hụt. Đã có ý tưởng, đề xuất tăng phí, thuế để ngân sách có thêm tiền. 
Nhưng thay vào đó và có tính thuyết phục cao hơn vẫn là Nhà nước phải rà soát, kiểm đếm tài sản của mình để tìm nguồn thu.
Thiếu tiền thì phải giảm chi tiêu của Chính phủ. Nhưng chúng ta không thể cắt giảm chi tiêu ngay khi hầu hết khoản chi này đều được cho là cần thiết, đúng chế độ.
Muốn giảm chi, chúng ta phải sắp xếp, tính toán để loại bớt những khoản chi tiêu đang khoác áo “cần thiết, đúng chế độ”.
Nói thế để thấy rằng việc giảm chi không đơn giản. Ngay lúc này, việc bàn giải pháp giảm chi là để tạo sự ổn định trong nhiều năm tới. Nếu bây giờ chúng ta còn chần chừ trong việc hình thành cơ chế giảm chi thì trong thời gian rất gần, chiếc bánh ngân sách không thể đứng vững.
Chỉ có giảm chi bài bản mới không rơi vào vòng xoáy đi vay để trả nợ, mới có của ăn của để dùng cho việc trả nợ thay vì phải đi vay để đảo nợ.
Việc giảm chi tiêu phải theo nguyên tắc tập trung giảm chi thường xuyên cho nuôi bộ máy hành chính và giảm chi trả nợ.
Muốn vậy phải tinh giản bộ máy, bớt chồng chéo, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời phải giảm bớt chi đầu tư từ ngân sách nhà nước, thay vào đó mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân tham gia.
Nhưng trong lúc chờ định hình ra “cơ chế” cắt giảm chi tiêu tối ưu, việc bức bách hiện nay vẫn là tìm thêm nguồn thu.
Đừng nghĩ đến việc đặt thêm ra các sắc thuế mới hay tăng thuế - trừ các mặt hàng có hại cho sức khỏe - vì như vậy lập tức ảnh hưởng đến mặt bằng giá.
Tăng thuế, giá cả sẽ tăng nhanh hơn mức tăng thuế, bất lợi cho người dân và cả doanh nghiệp. Chưa kể khi lạm phát tăng, Nhà nước cũng bị vạ lây, việc ổn định kinh tế vĩ mô sẽ khó khăn hơn trong khi chúng ta đang cần ổn định môi trường đầu tư để mọi người cùng làm ăn.
Vậy tìm nguồn thu ở đâu? Nguồn tiền đó đang ở trong tay của Nhà nước, đó chính là đất đai, tài nguyên, là hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, là các quỹ tài chính do Nhà nước nắm giữ đang phân tán ở các nơi, các trụ sở công nằm ở những vị trí thuận lợi, là đẩy mạnh bán doanh nghiệp nhà nước...
Ngay lúc này, Nhà nước cần phải biến các loại tài sản này thành tiền để có thêm nguồn thu. Sẽ có ý kiến cho rằng quá trình này đang được thực hiện.
Đúng, nhưng còn chậm và Nhà nước chưa mạnh dạn bán những đứa con cưng của mình hay giảm tỉ lệ sở hữu vốn ở các doanh nghiệp đã chuyển sang công ty cổ phần.
Bán bớt vốn, một công đôi việc, Nhà nước có tiền để chi tiêu đồng thời tạo ra sức ép cải cách mới khi các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hình thức cổ phần. Họ kinh doanh hiệu quả, về lâu dài sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Tìm nguồn thu, nên phát triển các ý tưởng, giải pháp như cách Vietnam Airlines bán ba máy bay, sau đó thuê lại những máy bay này để giảm nợ của doanh nghiệp và bảo lãnh của Chính phủ thay cho chuyện tăng thuế, phí. Để an dân, dứt khoát không nên tăng thuế, phí.
(Theo Tuổi trẻ)
TRẦN HOÀNG NGÂN (Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đại biểu Quốc hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét