Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Giá xăng dầu ngày càng nặng gánh thuế phí


Cập nhật lúc 10:37

Tỷ lệ thuế, phí trong giá xăng dầu Việt Nam hiện khá cao nhưng vẫn chưa phải là kịch trần. Nguy cơ các loại thuế phí trong giá xăng sẽ tiếp tục tăng lên, chất thêm gánh nặng tăng giá cho mặt hàng này, cuối cùng đè lên vai người dùng.
Giá dầu giảm, thuế phí tăng?
Báo cáo mới nhất bổ sung về tình hình thu chi ngân sách của Chính phủ gửi các Đại biểu Quốc hội đã cho biết sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu như một biện pháp dự phòng để chống hụt thu khi giá dầu xuống thấp.
Nghiên cứu của Bộ Tài chính cách đây ít lâu cũng nêu rõ: Nếu tăng kịch trần khung thuế hiện hành cho phép, thuế bảo vệ môi trường sẽ từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít, tức tăng thêm 1.000 đồng/lít. Dầu diesel sẽ từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, tăng thêm 500 đồng/lít.
 xăng, giá xăng, xăng dầu, tăng giá, thuế phí, thuế bảo vệ môi trường, dầu thô, giảm giá, bộ tài chính, FTA, MFN
Thuế phí là một nguyên nhân khiến giá xăng tăng.
Trao đổi việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng: Về nguyên tắc, việc này không có gì sai vì xăng dầu khi đốt cháy thải ra nhiều khí ảnh hưởng môi trường. Việc đánh thuế xăng dầu nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường là việc nước nào cũng làm. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là làm thế nào cho hợp lý, tức đánh thuế bao nhiêu, thời điểm nào, sử dụng ra sao?.
Theo ông Phương, đây là điều cần cân nhắc vì giá xăng dầu hiện nay đã gánh chịu nhiều thuế phí.
“Xăng A92 tiêu dùng lớn nhất hiện nay đã có 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Đây là tỷ trọng rất lớn, chưa kể các thuế phí khác.Giả sử tăng thuế thêm 1.000 đồng nữa, tổng thuế bảo vệ môi trường trong một lít xăng lên đến 4.000 đồng, chiếm khoảng gần 30% giá bán lẻ.
“Xăng dầu hiện nay cõng rất nhiều loại thuế phí, tỷ trọng thuế phí trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay là quá lớn” – ông Phương nhấn mạnh. Vì thế, nếu có đề xuất về nghiên cứu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần hết sức cẩn trọng.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Việc tăng thuế bảo vệ môi trường không nên gây cú sốc cho người dân, doanh nghiệp.
“Năm ngoái việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng đã khó khăn cho người tiêu dùng rồi”, ông Ruệ nói.
Trong khi đó, trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam thẳng thắn: Khi giá xăng dầu giảm, dư luận xã hội muốn chúng tôi phải giảm giá cước. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường làm giá nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp vận tải lại tăng giá cước.
Giảm thuế này, tăng thuế kia?
Ông Phan Thuế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Chúng ta đang bắt buộc phải giảm thuế theo lộ trình các hiệp định đã ký kết. Ví dụ trong hiệp định thương mại tự do Việt Hàn, thuế nhập khẩu dầu về 0%, xăng từ 20% xuống 10%. Nhìn chung từ sau năm 2020, thuế nhập khẩu xăng sẽ nhiều khả năng về 0%. Lý do này bắt buộc Bộ Tài chính phải điều chỉnh thuế nội địa phù hợp với xu thế thế giới. Việc nghiên cứu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là hướng Bộ Tài chính đang làm để bù đắp chuyện cắt giảm thuế theo hiệp định thương mại tự do.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Việc chuyển chính sách thuế từ thu thuế xuất nhập khẩu sang thuế nội địa đang là hướng đi. Trước đây Nhà nước ít thu thuế nội địa mà phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính là là thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu và thuế GTGT.
 xăng, giá xăng, xăng dầu, tăng giá, thuế phí, thuế bảo vệ môi trường, dầu thô, giảm giá, bộ tài chính, FTA, MFN
Dầu giảm giá, hụt thu thì khả năng tăng thuế có thể diễn ra để hụt thu.
“Hiện nay, thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu đều giảm, còn thuế GTGT không thể tăng thêm được nữa nên phải tính đến loại thuế nội địa khác, và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là một ví dụ”, ông Nguyễn Minh Đức nói.
Vấn đề sử dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ra sao là điều nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia, về nguyên tắc thu thuế bảo vệ môi trường chỉ để bảo vệ môi trường, không được sử dụng sai mục đích này.
Ông Lê Quốc Phương cho rằng: Mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn xăng dầu, như vậy số tiền thuế bảo vệ môi trường thu được là rất lớn.
“Nếu số thuế đó để đem ra bảo vệ môi trường là rất đúng. Cho nên, việc thu thuế bảo vệ môi trường lớn như vậy phải sử dụng để cải tạo môi trường, làm trong sạch môi trường”, ông Phương nói.
Chung quan điểm này, ông Phan Thế Ruệ chia sẻ: Thuế bảo vệ môi trường chủ yếu phải đưa về các địa phương vì thuế bảo vệ môi trường là để bảo vệ môi trường. Về mặt hình thức, tăng thuế bảo vệ môi trường là tăng thu ngân sách, song tăng thu không phải chi cho việc khác mà phải để bù đắp cho thiệt hại về môi trường.
(Theo VietNamNet) Hà Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét