Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Câu chốt vẫn 'Hãy là người tiêu dùng thông thái'

Cập nhật lúc 10:35

 Thực phẩm bẩn đã và đang hàng ngày đe dọa sức khỏe, tính mạng của người Việt. Các vụ nhập viện vì ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra thường xuyên. Nhiều đến nỗi, chẳng ai thấy lạ hay sốc khi có tin bắt được một ô tô chở toàn lòng lợn thối, mỡ bẩn. Lâu dần thành quen, người Việt đã quá chai sạn với những thông tin như vậy.


nguoi viet tro nen chai san voi thuc pham ban 
Thực phẩm bẩn đang trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống"!?

Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn lại “nóng” như thời điểm này. Giờ đây nhìn đâu người dân cũng thấy thực phẩm bẩn; chăn nuôi thì sử dụng chất cấm, trồng rau thì phun hoá chất, kích thích rất độc hại… Tình trạng thực phẩm bẩn trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân.
Thế nhưng, như lời nhiều người dân nói câu cửa miệng: “Không ăn thì biết sống bằng gì?”.
Vừa qua, đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi có chứa chất kịch độc được đưa ra thị trường khiến dư luận thêm một lần phẫn nộ.
Đáng nói, đây là hoạt chất chỉ dùng trong công nghiệp dệt nhuộm, công nghiệp giấy nhưng những chủ chăn nuôi lại dùng trong công nghiệp thực phẩm. Theo các chuyên gia, việc sử dụng chất này trong vật nuôi khiến người ăn tích lũy độc tố trong người, có khả năng gây ung thư, gây nhiều loại bệnh khác, hủy hoại giống nòi và gây các biến đổi bất thường về gene”.
Liệu ai dám chắc thịt gà, thịt lợn sử dụng trong bữa ăn gia đình có chứa chất kịch độc này hay không, khi hàng nghìn tấn thức ăn chăn nuôi được bán trên thị trường, vì rất có thể chúng đã được tiêu thụ hết, đã được nhồi vào gia súc, gia cầm để vỗ béo cấp tập trước khi bán cho người tiêu dùng?
Rau quả phun thuốc sâu hay thuốc kích thích, lợn nuôi bằng thức ăn có tăng trọng… không còn là hiếm gặp. Thực phẩm bẩn đang có mặt ở khắp nơi, “trèo” lên bàn ăn của mọi gia đình. Từ món ăn nhanh đến món ăn chín, món tráng miệng đến món chính, từ bữa sáng đến bữa đêm… nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn lúc nào cũng rình rập từng mạng sống trong các gia đình.

nguoi viet tro nen chai san voi thuc pham ban 
Số vụ ngộ độc thực phẩm ngày một tăng.

Luật nhân quả luôn hiện hữu. Liệu rằng ông “đồ tể” dùng hóa chất tiêm cho bò chết rồi thịt và chỉ ăn thịt của những con bò được thịt bằng phương pháp truyền thống, nhưng con cái họ, người thân của họ sẽ không thể phân biệt được những con mực trông tươi rói, trắng muốt đã ngâm qua hóa chất bởi trước đó đã thối rữa. Hay đơn giản, chỉ là những quả ô mai có lượng đường hóa học gấp hàng chục lần cho phép.
Rồi bà bán chè cho “bột nhừ” để đầu độc người tiêu dùng liệu có tránh khỏi bị người khác “giết từ từ” khi ăn những quả táo để nửa năm không thối hay những quả cam, lê tắm đẫm hóa chất. Bà ấy cũng có thể chết vì ăn những bát phở hay nồi lẩu của hàng bên cạnh vì nước dùng của nó không được ninh từ xương mà được pha chế từ gói “bột Trung Quốc”.
Thế nên, rất nhiều người đang tưởng rằng chỉ có mình bị giết nhưng thực ra cũng đang góp phần đi giết người khác; Cũng có nhiều người tự đắc rằng cái sự độc ác âm thầm giết người của mình không bị ai phát hiện, thì chính họ và người thân của họ cũng lại đang bị giết dần, giết mòn.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 150.000 người mắc ung thư mới và có khoảng 75.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Và vấn đề an toàn thực phẩm là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở Việt Nam, gấp 9 lần so với số người chết do tai nạn giao thông cùng năm 2014.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, xu thế mắc ung thư không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Gánh nặng ung thư toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 1974 đến năm 2000, dự báo sẽ còn tăng gấp đôi kể từ nay đến năm 2030.
Loại ung thư thường gặp ở nam giới hiện nay là gan, phổi, dạ dày, ruột, vòm họng và ở nữ là ung thư vú, gan, phổi, cổ tử cung và dạ dày. Nguyên nhân được cho là do môi trường ô nhiễm và thực phẩm nhiễm độc.
GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng, những gì tác động vào nhân tế bào đều có thể gây ung thư, trong đó hơn 80% nguyên nhân là do môi trường bên ngoài, còn tỷ lệ tự đột biến rất thấp (chỉ chiếm khoảng 10%).
Điều đáng bàn là trong các tác nhân môi trường bên ngoài, thức ăn đứng đầu trong các nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến căn bệnh này (chiếm khoảng 40%), đứng thứ 2 mới là do hút thuốc lá (chiếm 30%).
An toàn vệ sinh thực phẩm lúc nào cũng bức xúc, lúc nào cũng nóng và hiện đang là vấn đề rất nóng nhưng giải pháp để quản lý hiệu quả lĩnh vực này thì gần như chưa có.
Sau hàng loạt biện pháp được cơ quan quản lý đưa ra, câu chốt vẫn là “Hãy là người tiêu dùng thông thái”.
(Theo Năng lượng Mới) Thảo Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét