Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Biển Đông: Buộc TQ trả giá cho mọi hành động bành trướng


Cập nhật lúc 06:53

Tất cả các quốc gia có liên quan tới tranh chấp Biển Đông cần một cách tiếp cận mới để đối phó những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng của TQ. 

Trong bài nghiên cứu xuất bản năm 2013, “Sự xác quyết mới của TQ thật sự mới và hung hăng chỗ nào?”[1],GS. Alastair Johnston (ĐH Harvard) cho rằng,"sự xác quyết mới đây" của TQ phần lớn là hậu quả từ sự thổi phồng của giới truyền thông. Những cứng rắn đó cần được đặt trong bối cảnh rộng hơn và lâu dài hơn của chính sách “trỗi dậy hòa bình” mà Bắc Kinh công bố.  
Sau ba năm nghiên cứu này công bố, với những  gì TQ thể hiện ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong khoảng hai năm gần đây, thì lập luận đó cần phải viết lại rằng: mức độ thổi phồng của giới truyền thông chỉ phản ánh được một phần kế hoạch “trở thành bá chủ” của TQ.     
Từ việc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển Hoa Đông, cho tới việc châm ngòi cho cuộc "khủng hoảng giàn khoan" năm 2014, rồi mới đây nhất là việc triển khai tên lửa đất-đối-không lên các đảo có tranh chấp, rõ ràng TQ đang ngày càng quyết đoán và táo tợn hơn trong tranh chấp Biển Đông.  
Sự hung hăng ngày một tăng dần này của TQ không đơn thuần là hệ quả của những tính toán ngắn hạn hay sự bùng phát của chủ nghĩa dân tộc. Trên thực tế, TQ từ lâu đã theo đuổi một chiến lược dài hơi, với mục tiêu cuối cùng là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. 
Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Quốc, giàn khoan 981, đảo nhân tạo, đảo Phú Lâm 
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tên lửa Trung Quốc trên đảo Phú Lâm - Ảnh:Fox News
Chiến lược bành trướng của Bắc Kinh 
Chiến lược bành trướng của TQ trên Biển Đông có năm đặc điểm chính.  
Thứ nhất, mục tiêu số một của chiến lược này là từng bước thay đổi hiện trạng lãnh thổ (territorial status quo) ở Biển Đông theo hướng có lợi cho TQ. Thay vì tìm cách nuốt trọn toàn bộ Biển Đông trong một nước cờ, TQ bắt đầu xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, rồi từ từ chiếm các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào cuối những năm 80. Cách đây không lâu, sau một cuộc đụng độ căng thẳng với Philippines vào năm 2012, TQ đã giành thêm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough. 
TQ hi vọng rằng bằng cách thay đổi hiện trạng một cách từ từ, chậm rãi, họ sẽ củng cố được vị trí chiến lược ở Biển Đông, cũng như tạo ra "sự đã rồi" (fait accompli) để trói tay các nước khác, đồng thờikhông khiêu khích quá mức các bên còn lại để tránh một phản ứng cứng rắn, tập thể. 
Thứ hai, chiến lược này dựa trên nền tảng "ngoại giao toàn diện" (full-spectrum diplomacy), sử dụng khéo léo tất cả công cụ ngoại giao sẵn có, từ "cây gậy" quân sự tới "củ cà rốt" kinh tế và các cuộc đàm phán cấp cao. Điều này được thể hiện một cách rõ nét nhất qua cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981.  
Bắc Kinh đã châm ngòi bằng việc điều một giàn khoan dầu khổng lồ vào trong vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, rồi duy trì sức ép bằng việc sử dụng kết hợp các tàu hải cảnh và tàu quân sự được cải trang để uy hiếp các tàu kiểm ngư của Việt Nam. Và cuối cùng là những động thái ngoại giao “cò cưa”. 

Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Quốc, giàn khoan 981, đảo nhân tạo, đảo Phú Lâm 
Vào tháng Năm, Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan nước sâu (Hải Dương 981) cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Ảnh: Cảnh sát biển VN
Thứ ba, chiến lược của TQ chủ yếu dựa vào các hành động khiêu khích ở quy mô nhỏ với tần suất cao ở nhiều điểm khác nhau cùng lúc. Hành động này vừa giúp TQ kéo giãn khả năng phòng thủ của đối phương, vừa giúp kiểm soát khả năng leo thang quân sự trong chừng mực vừa phải. 
Hơn nữa, nó giúp ngăn chặn sự phản ứng quyết liệt từ tập thể các quốc gia láng giềng của TQ. Bởi những nước nhỏ này sẽ nghĩ cái giá phải trả khi quan hệ với TQ xấu đi lớn hơn lợi ích của việc kháng cự lại người láng giềng khổng lồ trên Biển Đông. Thế nên những cuộc khủng hoảng thật sự lớn như vụ Bãi cạn Scarborough hay giàn khoan HD-981 sẽ hiếm khi xảy ra. Thay vào đó, TQ đã và đang tập trung vào các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và từng bước quân sự hoá tranh chấp. 
Thứ tư, chiến lược này nhấn mạnh tính chất "song phương" của tranh chấp lãnh thổ nhằm tránh các quốc gia khác như Mỹ và Nhật Bản can thiệp vào Biển Đông. TQ sẽ luôn luôn mạnh hơn từng nước láng giềng nhỏ, nên dĩ nhiên họ sẽ muốn đàm phán song phương với từng nước để tối đa hoá lợi thế mặc cả. Hơn nữa, giảm thiểu các "tay chơi" trong cuộc tranh chấp, TQ sẽ giảm thiểu được tối đa các rủi ro trong kế hoạch của họ. Hệ quả tất yếu là Bắc Kinh sẽ tự tin và cứng rắn hơn trong xử lý tranh chấp. 
Cuối cùng, chiến lược của TQ phần lớn dựa trên việc sử dụng sức mạnh quân sự phi sát thương (non-lethal use of force) để gây sức ép lên đối phương. Thay vì sử dụng thế mạnh quân sự để trực tiếp tấn công các nước láng giềng, TQ từng bước tạo dựng thế trận vững chắc trên Biển Đông nhằm thuyết phục các nước nhỏ nên khuất phục TQ vì nếu xung đột xảy ra, họ sẽ không thể thắng.  
Do đó, mục đích chính của TQ là "thắng mà không cần giao chiến". Việc sử dụng sức mạnh quân sự phi sát thương gồm những hành động như phô trương sức mạnh quân sự, cho tới triển khai tên lửa đất-đối-không (SAM) trên các đảo.
TQ ít nhiều thành công với chiến lược "cắt lát salami" này. Đến nay ASEAN vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về một phản ứng tập thể và quyết đoán trước sự bành trướng của TQ. Hơn nữa, TQ đã và đang thay đổi hiện trạng lãnh thổ trên Biển Đông ồ ạt. Bằng chứng là nhiều đảo mới cách đây vài năm còn chưa có gì, nay đã có cả một đường băng cho máy bay quân sự dài 3.000 met. Bằng chứng là họ tiếp tục làm xói mòn chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác trong khu vực, nhưng vẫn chưa gặp bất kì sự trừng phạt nào từ cộng đồng quốc tế.    

Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Quốc, giàn khoan 981, đảo nhân tạo, đảo Phú Lâm 
Hình ảnh cải tạo trái phép của TQ tại bãi đá Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Huy Phong
Gửi thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh  
Các nước có tranh chấp và có lợi ích tại biển Đông phản ứng càng yếu ớt, gửi đi tín hiệu càng không rõ ràng thì TQ càng có lý do để tiếp tục theo đuổi chiến lược bành trướng. Ngược lại, nếu các nước có một hệ thống hành xử quyết đoán và gửi đi tín hiệu rõ ràng, rằng kể cả nước nhỏ cũng sẽ không nhân nhượng trong những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi,thì ít nhất Bắc Kinh cũng sẽ phải cẩn trọng hơn và có thể sẽ tính toán lại chiến lược. 
Trong bối cảnh hiện nay, tất cả các quốc gia có liên quan tới tranh chấp Biển Đông cần một cách tiếp cận mới để đối phó với những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng của TQ. Thay vì chỉ trông chờ vào những "hành động lớn" (grand measures) như Bộ quy tắc ứng xử (COC), những tuyên bố chung của ASEAN, hay dựa vào răn đe quân sự truyền thống, các nước này cần thường xuyên thực hiện những hành động nhỏ, nhưng cụ thể và thực chất để bắt TQ trả giá cho mọi hành động gây căng thẳng và làm phức tạp tranh chấp Biển Đông. Ví dụ như thi hành các lệnh trừng phạt thông minh (smart sanctions) nhắm vào những đối tượng cụ thể trực tiếp liên quan tới những nỗ lực bồi đắp đảo tại Biển Đông.  
TQ chắc chắn sẽ trả đũa. Mặc dù vậy, việc bắt TQ phải trả giá cho từng hành động thiếu xây dựng qua những hành động cụ thể, thực chất vẫn hết sức quan trọng. Bởi nó gửi đi một tín hiệu không thể rõ ràng hơn tới Bắc Kinh.  
Chừng nào nào các nước có tranh chấp và có lợi ích tại biển Đông vẫn chỉ dừng lại ở những tuyên bố lập lờ hay những hành động biểu trưng đơn thuần, ngày đó TQ vẫn còn thấy các nước e ngại va chạm. Chừng nào còn đọc được những thông điệp không rõ ràng, TQ còn nghĩ chiến lược bành trướng hiện nay của họ là thượng sách.  
Đã đến lúc các nước có tranh chấp và lợi ích tại biển Đông phải buộc những người làm chính sách đối ngoại của TQ phải xem xét lại những tính toán của mình.
(Theo TuanVietNam) Ngô Di Lân
* Ngô Di Lân hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế - ĐH Brandeis (Mỹ) và là nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS) thuộc ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc Gia TP HCM. Bài viết là một phần nội dung tham luận đồng tác giả được trình bày tại Hội thảo về chủ đề "Quân sự hoá Biển Đông và những hệ quả" tổ chức tại ĐH Harvard, Mỹ.
------- 
[1] How New and Assertive Is China's New Assertiveness?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét