Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

 Báo cáo ‘hồng’, các bộ đều tốt, dân vẫn phải ăn bẩn?


 Cập nhật lúc 16:26

“Hai Bộ làm tốt thế sao người dân vẫn phải ăn bẩn?”, câu hỏi mới đây của Bí thư Đinh La Thăng có lẽ cũng là băn khoăn chung của hầu hết người dân. 
Năm 2000 Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015 lên đến 150.000, các chuyên gia cho rằng thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, chiếm khoảng 35%[1].  Các nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 và trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới.
Đây là những con số đáng sợ, lạnh lùng và đầy ám ảnh!
Quy định “cởi trói”
Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, việc đầu tiên cần làm là xây dựng một hệ thống chuẩn mực pháp lý minh bạch, chặt chẽ. Tiếp theo, quan trọng không kém là xây dựng cơ chế đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả, với đội ngũ công chức, cán bộ năng lực, trách nhiệm.  
Hiện nay, pháp luật đã có những quy định liên quan đến vấn đề này, từ Luật đến Nghị định[2]. Trong đó, đáng lưu ý là chế tài xử phạt vi phạm hành chính các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm với mức phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.  
Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực kể từ 01/07/2016) đã bổ sung quy định mọi tổ chức, cá nhân chỉ cần có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại sẽ bị xử lý hình sự, mà không cần có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. 
Việc chứng minh “tồn tại hậu quả nghiêm trọng” trong quy định hiện hành gây khó cho cơ quan chức năng trong việc xử lý doanh nghiệp, người kinh doanh vi phạm. Quy định mới sẽ cởi trói cho cơ quan chức năng để mạnh tay hơn, có thể xử lý theo chế tài hình sự thay vì chỉ xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay. 

Thực phẩm bẩn, thức ăn, chợ, ung thư, 
 Thực phẩm bẩn đang là nỗi lo lắng của toàn xã hội. Ảnh minh họa
Vẫn còn “tô hồng”, “đá bóng”
Tuy nhiên, việc đảm bảo thi hành pháp luật vẫn còn nhiều yếu kém, cụ thể trong công tác quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm của các bộ ngành chức năng.
Hiện tại lực lượng quản lý và kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến 3 Bộ: Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Bộ Công thương, Bộ Y tế. Tại các Bộ đều có cơ quan phụ trách quản lý và chịu trách nhiệm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các đơn vị sản xuất thực phẩm do Bộ mình quản lý. Ngoài ra, việc kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, thực phẩm không rõ nguồn gốc còn có sự tham gia của lực lượng công an, hải quan...
Những quy định, thông tư liên tịch tưởng chừng đã làm rõ trách nhiệm quản lý của các bộ chủ quản. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực thi rất kém hiệu quả khi để xảy ra tình trạng bỏ sót, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa các cơ quan quản lý, và chồng lấn trong tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Khi một sự cố về an toàn thực phẩm bị phanh phui, chưa có một cơ quan chủ quản nào chủ động chịu trách nhiệm và lên tiếng để xử lý vấn đề ngay lập tức, vì còn phải tốn thời gian để xem xét đơn vị kinh doanh thực phẩm đó vi phạm an toàn đối với loại thực phẩm nào, trách nhiệm thuộc về ai? Cần phải thành lập đoàn thanh tra liên ngành để xử lý hay không?
Bên cạnh đó, không ít báo cáo của các cấp quản lý vẫn tô hồng thành quả, không dám đối mặt với thực trạng yếu kém của ngành mình quản lý, chưa phản ánh đúng cuộc sống đầy rẫy mối nguy của người dân. 
Gần đây, trong phiên họp Chính phủ, trước báo cáo của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, và sự chối đẩy trách nhiệm giữa các bộ, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã đặt thẳng vấn đề: “Hai Bộ làm tốt thế sao người dân vẫn phải ăn bẩn?”.
Ai chịu trách nhiệm chính trước dân 
Việt Nam đang thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm chính toàn diện trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Khi một vụ việc xảy ra, dù thuộc khâu nào, phạm vi bộ nào, nhất thiết phải có cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm trước Chính phủ và người tiêu dùng. Đồng thời cơ quan đó có quyền và trách nhiệm điều phối hoạt động của các bộ chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Đây chính là kinh nghiệm của các quốc gia và khu vực trên thế giới[3] khi thực hiện việc tổ chức quản lý an toàn thực phẩm thông qua một cơ quan chịu trách nhiệm nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc quản lý, và ứng phó kịp thời sự cố.
Việc kiểm soát an toàn thực phẩm cần phải được thực hiện từ mọi khâu của chuỗi sản xuất “Từ trang trại đến bàn ăn”, từ các điều kiện chăn nuôi, trồng trọt, thu hái đánh bắt, chế biến bảo quản, đến lưu thông phân phối, kinh doanh, tổ chức ăn uống…
Hiện nay, một cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm ở Việt Nam phải đảm đương quá nhiều nhiệm vụ, vừa là cơ quan cấp giấy phép xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho đơn vị đạt tiêu chuẩn, vừa làm công việc thanh tra, kiểm tra ngay sau khi đã cấp phép; vừa đảm bảo chức năng cơ quan chỉ đạo về phát triển sản xuất. Cần phải tách bạch chức năng cơ quan chỉ đạo về phát triển sản xuất với cơ quan kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.
(Theo TuanVietNam)
Bạch Thị Nhã Nam, Giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
--------
[1] Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá 30%, di truyền chỉ 5-10%, còn lại là các nguyên nhân khác.  (Thực phẩm bẩn là thủ phạm số một gây bệnh ung thư, VnExpress, 26/3/2016).
[2] Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009, Bộ Luật Hình sự 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật an toàn thực phẩm 2010; Nghị định 178/2013/NĐ-CP.
[3] DG-Sanco (Directorate General for Health and Food Safety), với tên gọi là “Ủy ban sức khoẻ và an toàn thực phẩm” của Ủy ban châu Âu, là cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm của 28 nước thành viên EU. Mục tiêu của Ủy ban là nhằm giảm thiểu và quản lý các nguy cơ đối với sức khỏe của công dân thông qua việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe và sự chăm sóc đối với gia súc trang trại, bảo vệ mùa màng và rừng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét