Đường giao thông bảo hành 5 năm, tại
sao ít người muốn?
Cập nhật lúc
09:17
Bảo hành 5 năm là bình thường và,
chỉ có một sự “mạo hiểm” duy nhất là từ khi tuyên bố bảo hành lâu như thế,
Sơn Hải dường như bị... lẻ loi hóa, nhận thầu công trình khó khăn hơn.
40 năm sau chiến tranh mới “cấp tốc” làm đường Quốc lộ 1A, sẽ hoàn thành việc
sửa chữa, làm mới trong vòng 5 năm nữa (2020), như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã
hứa trước Quốc hội, dù sao vẫn là niềm vui của cái sự chậm còn hơn không.
Thế nhưng, đường làm chưa xong hay
vừa xong đã hỏng giờ đây đang là vấn nạn trên cả tuyến đường giao thông quan
trọng nhất cả nước...
Có một dạo, báo chí rộn ràng phản ánh
chuyện đoạn đường gần 13km, từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị, từ khi
khởi công đến khi... làm chưa xong là 5 năm. Đến nỗi, đích thân Phó
thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đặt vấn đề rằng 13km làm 5 năm chưa xong thì 1.800km
của QL 1A làm sao xong vào năm 2016(?) và, PTT yêu cầu làm xong đoạn đường đó
trước năm 2015.
Sau khi... cãi
nhà tài trợ là ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển
VN (BIDV) không xong, Tập đoàn Trường Thịnh liên danh với Tổng Công ty xây
dựng Trường Sơn đã đẩy mạnh tiến độ và coi như đã ‘hoàn thành” việc thi công,
tiến hành thu phí cuối năm 2014. Thế nhưng, chỉ mấy tháng sau, đoạn đường
13km này đã xuất hiện lún, lồi lõm ở nhiều đoạn, buộc nhà đầu tư phải cào
đường mới làm, rồi vá víu... mới! Tấm ảnh chụp sáng 29.5.2015, đoạn đường Lê
Duẩn chạy qua TP Đông Hà cho thấy rõ điều này.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao đầu tư nhiều
tỷ đồng để làm con đường huyết mạch giao thông quan trọng nhất nước mà cứ vá
víu, làm – sửa liên miên suốt 7 năm như vậy? Những kiểu tư biện như nền đất
không ổn định, khí hậu khắc nghiệt đều chỉ là cách ngụy giải nhằm che lấp
những khuất tất về quy trình thi công, chất lượng nhựa đường... Nếu làm đúng
quy trình nén, đầm; bê tông nhựa đúng chủng loại thì không thể có chuyện vừa làm
xong đã hỏng.
Từng xảy ra chuyện đoạn đường QL 1A
tránh Huế ‘hư hỏng tàn khốc”, nên đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng đến kiểm
tra và yêu cầu chủ đầu tư phải tăng thời gian bảo hành từ 1 năm lên 2 năm.
Xét theo nguyên tắc bảo hành trên đây,
rõ ràng thật khó chấp nhận sự hư hỏng trên đoạn đường 13km đã nói ở trên.
Trong khi đó, nếu theo QL 1A đi ra phía
Bắc – đoạn từ Đồng Hới đến Hoàn Lão, sẽ thấy cung đường đang được Tập đoàn
Sơn Hải thi công. Dọc theo công trường là những tấm biển ghi rõ Tập đoàn Sơn
Hải cam kết bảo hành 5 năm cho công trình thi công!
Khi được hỏi về thời gian bảo hành gấp
2-3 lần quy định như thế liệu có “mạo hiểm” hay không, một kỹ sư của Tập đoàn
Sơn Hải nói rằng, công trình có thời hạn sử dụng hàng chục năm, bảo hành 5
năm là bình thường và, chỉ có một sự “mạo hiểm” duy nhất là từ khi tuyên bố
bảo hành lâu như thế, Sơn Hải dường như bị... lẻ loi hóa, nhận thầu
công trình khó khăn hơn.
Cái sự vô lý nhưng có thật dường như
chỉ có ở nước ta: công ty dám nhận trách nhiệm bảo hành 5 năm lại ít nhận
được sự ủng hộ từ nhiều phía?
Chợt nhớ câu chuyện mà người viết bài
này đã chứng kiến khi chờ đón xe để đi về Hậu Giang. Tuần trước đó khi đi qua
ngã ba Cái Tắc thì thấy công nhân đang lấp đường. Ít ngày sau quay lại thì
lại thấy họ đào lên, tôi hỏi vì sao lại thế? Một anh công nhân nhìn tôi hồi
lâu rồi nói: “Bác là trí thức phải không?”; không chờ tôi trả lời, anh ta nói
tiếp”Hèn gì bác hổng biết. Không làm dzậy tụi cháu lấy gì để ăn”?
Có muôn vàn cách để lấy tiền dân, của
nước là điệp khúc thường ngày ở mọi cung đường trên cả nước ta. Ngăn chặn để
mong muốn giảm bớt sự lãng phí là mong mỏi của hàng triệu con người.
Sự dám chịu trách nhiệm cho công trình
giao thông – lĩnh vực lãng phí nhiều nhất bởi nó dễ có sự biến hóa cao nhất
về giá cả, chất lượng – của Tập đoàn Sơn Hải, là điều đáng được ghi nhận. Tại
sao không giao cho những công ty có đủ khả năng bảo hành 5 năm như Sơn Hải?
Nếu Sơn Hải làm được, tại sao tập đoàn khác lại không?
Đây là một trong rất ít giải pháp tốt
nhất để có những con đường vừa đi vừa nghe nhạc, ngâm thơ như Bộ
trưởng Đinh La Thăng đã nói, chứ không phải là những cung đường vừa đi
vừa đọc kinh cầu nguyện như nhà báo Lê Thanh Phong đã có lần thở dài...
Huế, 31.5.2015
(Theo Một thế giới) Hà
Văn Thịnh
|
Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét