Mua 13 đoàn tàu TQ: Nhiều sự cố, phải xem xét lại
Cập nhật lúc
07:06
(Tin tức thời sự)
- "Sau hàng loạt sự cố nhà thầu TQ gây ra thì nên xem xét lại, hồ sơ,
hợp đồng, để tính chuyện tiếp tục mua tàu của TQ".
Cần công khai
thông tin về việc mua bán tàu
PV:- Vừa qua,
Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết sẽ mua 13 đoàn tàu, loại tàu B1 của
Trung Quốc với kết cấu mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu
thép không gỉ cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông với chi phí khoảng 63,2
triệu USD (gần 1400 tỷ). Thưa ông, trong khi Tổng thầu TQ không đáp ứng được
việc tiến độ thi công đảm bảo cũng như chất lượng công trình, tai nạn liên
tiếp xảy ra. Thiết nghĩ, có nên tiếp tục mua tàu do TQ sản xuất hay không?
Bản thân ông có lo ngại gì không?
TS Phạm Sanh: - Theo
nguyên tắc, khi làm dự án đường sắt này thì trong hợp đồng đã phải có dự tính
mua đoàn tàu như thế nào. Một dự án đường sắt chắc chắn sẽ bao gồm phần xây
dựng và phần thiết bị, khi làm đường sắt cao tốc hay đường sắt trên cao cũng
đều như vậy.
Trong phần xây dựng sẽ bao gồm
phần bê tông cốt thép, vấn đề hố trụ, vấn đề đường tàu, địa khí hóa, thông
tin liên lạc... Sau đó phần không thể thiếu đó chính là loại tàu nào phù hợp
với đường ray đã xây dựng.
Nếu làm dự án mà chỉ xây đường
ray, mà không tính đến việc mua đoàn tàu thì sẽ không thể đồng
bộ.
Vấn đề ở đây, trường hợp
thứ nhất, có thể trong dự án cũ đã tính đến việc mua đoàn tàu, bây
giờ thì chỉ triển khai tiếp. Thế nhưng, sau hàng loạt sự cố nhà thầu TQ gây
ra thì nên xem xét lại, hồ sơ, hợp đồng, yêu cầu ban đầu ra sao, để xem xét chuyện
tiếp tục mua tàu của TQ.
Còn nếu trong trường hợp thứ hai,
dự án ban đầu không đề cập đến toa tàu thì đó là thiếu sót lớn, không một
nước nào làm dự án lại không đề cập đến toa tàu, với công nghệ nước nào cho
phù hợp, bởi vì mỗi nước sẽ có công nghệ riêng. Tất cả các yếu tố này phải
lường trước chứ không sẽ không thể biết tuyến đường sắt vận chuyển tốc độ bao
nhiêu km/h, lượng khách vận chuyển bao nhiêu.
Chắc chắn sẽ phải bổ sung một dự
án khác, rồi thẩm tra, thẩm định cụ thể. Phân tích vấn đề công nghệ bắt đầu
lựa chọn nhà thầu cụ thể, nếu Trung Quốc liên tiếp gây ra sự cố như vậy
thì phải coi lại dự án ban đầu đã nói đến đoàn tàu này hay chưa, thiết bị này
chưa, có thể đưa ra phản biện, thẩm định lại.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng không
thể nói Tổng thầu TQ chậm tiến độ, mà chất lượng đoàn tàu không tốt, đánh
đồng như vậy cũng không đúng. Điều quan trọng, bây giờ phải xem lại dự án ban
đầu, có nhiều sự cố, thì nên xem xét lại.
Chúng ta có thể thuê một Hiệp
hội, đơn vị nào đó phản biện độc lập lại, không nên chung chung. Công ty mà
chúng ta mua tàu (Công ty TNHH trang thiết bị tầu điện ngầm Bắc Kinh) đã làm
bao nhiêu toa tàu cho TQ, vị trí, chỗ đứng của công ty này ra sao trên TG,
hướng sản xuất của họ đi theo công nghệ nào.
Bộ GTVT cần công khai tất cả các
thông tin liên quan đến các đoàn tàu này để mọi người nắm rõ.
PV:- Điều
đáng nói, hiện nay dự án này đã đội vốn lên hơn 250 triệu USD và đang phải
đợi Ngân hàng TQ phê duyệt để được vay thêm, thì việc chi thêm hơn 60 triệu
USD nữa để mua tàu tại thời điểm này có hợp lý hay không, thưa ông? Vì sao ạ?
TS Phạm Sanh: - Để xảy
ra đội vốn bản chất là do lỗi hợp đồng, dự án lớn nhưng không có kinh nghiệm,
làm theo dạng hợp đồng tính theo trượt giá, đúng ra phải làm trọn gói, nhưng
giờ chúng ta đã sai ngay từ bước đầu. Vấn đề đặt ra hiện nay là quản lý hợp
đồng trượt giá ra sao?
Lỗi này là do năng lực quản lý
hợp đồng, do BQL đường sắt đã kém trong quản lý hợp đồng, nếu chậm tiến độ
thì phải điều chỉnh hợp đồng chứ không được thả trôi như hiện tại, bài toán
dự án đường sắt như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận.
Bây giờ trượt giá thì phải khống
chế, trong thời hạn bao lâu thì phải hoàn thành, có thời hạn rõ ràng.
Vấn đề ở đây là xây dựng tuyến
đường sắt mà lại không có tàu thì vô lý, quan trọng là có trong dự án chưa,
có thì dự án ra sao?
Còn hợp lý hay không thì phải
nằm ở việc, mua tàu chất lượng ra sao, có đảm bảo khi đưa vào sử dụng hay
không, để người dân có niềm tin sau hàng loạt các sự cố xảy ra vừa qua. Điều
tôi quan tâm nhất hiện nay là chất lượng tàu sẽ mua ra sao, có phù hợp hay
không khi đưa vào sử dụng.
Bộ
GTVT cần lên tiếng
PV: - Hiện nay, tuyến đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà
Đông vẫn đang chậm tiến độ, thậm chí chưa biết khi nào sẽ hoàn thành, giờ lại
ký mua thêm 13 đoàn tàu, thì sẽ để bỏ kho hay là để trả nợ, thưa ông? Bởi vì
từ thời điểm thỏa thuận vay là VN đã phải trả nợ đúng không ạ?
TS Phạm Sanh: - Cái này cũng do quản lý hợp đồng, quản lý giá,
tiến độ, chúng ta chưa làm được việc quy định rõ thưởng - phạt, trách nhiệm,
nếu chậm ở VN thì VN có ý kiến, còn nếu trong hợp đồng không có thì phải điều
chỉnh ngay tức thì, chứ không được thả trôi.
Bây giờ phải coi lại
quản lý tiến độ ra sao, có ràng buộc bằng điều chỉnh hợp đồng, bây giờ tiến
độ chậm lỗi của ai, phải chỉ rõ ràng, nhưng hiện nay không chỉ ra được, thì
làm sao giải quyết được, Bộ GTVT phải liên tiếng.
Cứ nói TQ gặp sự cố,
chậm tiến độ thì phải căn cứ xem hợp đồng có quy định gì, cái gì thiếu thì
phải chỉnh sửa ngay.
Trong hợp đồng chắc
chắn theo nguyên tắc là phải ghi rõ ngày cuối cùng hoàn thành công trình, nếu
chậm thì phải có biên bản xác nhận chậm bao nhiêu lâu, bao giờ hoàn thành.
Không có một hợp
đồng nào trên thế giới không ghi ngày hoàn thiện, quan trọng là chúng ta xử
lý ra sao khi xảy ra lỗi như vậy.
Bộ GTVT phải kiểm
điểm lại hợp đồng, hoang mang không biết khi nào xong, như vậy là không đúng
Luật. Còn tàu mua về thì chắc chắn phải đưa vào sử dụng nhưng vào thời điểm
nào thì cái này phải phụ thuộc vào tiến độ công trình.
PV: - Thay vì lựa chọn mua các đoàn tàu của Trung
Quốc, Ban quản lý đường sắt VN có thể lựa chọn mua tàu của nước khác hay
không? Nếu có thể thì chúng ta nên mua của những nước nào, thưa ông?
TS Phạm Sanh: - Khi vay nguồn vốn của TQ thì chắc chắn họ sẽ yêu
cầu mua tàu TQ đó là điều rất bình thường.
Trong hợp đồng giữa
hai bên, chắc chắn sẽ có điều kiện, việc mua tàu ở đâu là do Tổng thầu TQ
quyết định, Luật đã nói rõ vay tiền nước nào thì phải theo Luật của họ.
Xảy ra những sự cố
vừa qua không thể đổ hết lỗi cho Tổng thầu, mà một phần cũng là do
cơ quan quản lý của chúng ta xử lý chưa tốt, nên để tình trạng chậm tiến độ,
đội vốn kéo dài.
TQ có trên 93.000 km
đường sắt, rất nhiều loại đường ray và loại tàu phát triển từ những năm 1950.
Tuy nhiên, sử dụng tàu cho VN như thế nào thì còn phải xem xét cụ thể, sao cho
phù hợp.
Còn dĩ nhiên, nếu
được lựa chọn, thì nên mua ở các nước nhiều kinh nghiệm, có trình độ cao hơn
ví dụ như Nga, Nhật Bản vì họ đã có nhiều năm sản xuất về tàu này, trong khi
TQ thì cũng mới.
- Xin cảm ơn ông đã
có chia sẻ với Đất Việt!
(Theo Đất Việt) Bảo Hân
|
Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét