Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Hơn 3 triệu hộ kinh doanh “nấp sau” cán bộ thuế?

Cập nhật lúc 10:05    
             
Hơn 3 triệu hộ kinh doanh trên cả nước đột nhiên biến mất nếu chỉ căn cứ vào sự chênh lệch về số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thuế.

Tổng cục Thống kê: có 4,6 triệu hộ
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, tổng số hộ sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp trên cả nước là 4,658 triệu hộ năm 2014, và 4,536 triệu hộ năm 2013.
Đây là số liệu mà VCCI tổng hợp từ báo cáo của Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê tóm tắt 2014 và các năm trước; và được ông Tuấn đưa ra tại Hội thảo “Giảm tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam: Giải pháp từ cải cách lĩnh vực thuế” do VCCI tổ chức sáng nay (11-6) tại Hà Nội.
Ông Tuấn nhận xét, khu vực kinh tế hộ gia đình đã tăng trưởng ấn tượng trong suốt 10 năm nay tại Việt Nam. Tính đến năm 2014, số việc làm mà khu vực kinh tế này tạo ra là khoảng 7,9 triệu lao động.
“Đây là con số lớn và tôi tin thực tế còn nhiều hơn,” ông Tuấn nhận xét.

 tạp hóa, kinh doanh, cửa hàng,

Tổng cục Thuế: chỉ có 1,6 triệu hộ
Tuy nhiên, con số này đã teo lại rất nhiều, nếu căn cứ vào số liệu của Tổng cục Thuế.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, theo số liệu quản lý của cơ quan thuế thì tính luỹ kế đến 31-12-2014 ngành thuế đã cấp mã số thuế cho 3,018 triệu hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 1,612 triệu hộ kinh doanh “đang hoạt động”.
“Số còn lại là các hộ kinh doanh được cấp mã số thuế nhưng không hoạt động kinh doanh,” bà Hạnh giải thích. Bà Hạnh còn cho biết thêm tổng số thuế thu từ các hộ kinh doanh trong năm 2014 là 12.362 tỉ đồng, chỉ chiếm 2% tổng nguồn thu.
Ngỡ ngàng nhiều người
Chính sự khác biệt về số liệu này đã gây kinh ngạc cho nhiều đại biểu tham dự hội thảo của VCCI. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu sự “vênh” nhau về số liệu này có thể dẫn đến khẳng định là nhiều hộ kinh doanh gia đình đã “đóng cửa” do kinh doanh khó khăn trong mấy năm qua hay không.
Bà Hạnh từ Tổng cục Thuế đáp: “Số liệu lấy từ nhiều nguồn khác nhau và cơ quan khác nhau nên có thể khác nhau”.
Bà giải thích, bên Tổng cục Thống kê có thể lấy số liệu dựa trên cơ sở số lượng giấy phép kinh doanh đã cấp ra, trong khi Tổng cục Thuế thì tính toán dựa trên cơ sở mã số thuế.
“Có tình trạng một người có một mã số thuế nhưng kinh doanh tại ba địa điểm,” bà giải thích vì sao số liệu của bên ngành thuế thấp hơn.
Tuy nhiên, bà không giải thích vì sao số liệu lại vênh nhau tới 3 triệu, một con số quá lớn.
Tại hội thảo, đại diện của Cục Đăng ký Kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không đưa ra lý giải về con số vênh nhau này.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Năm 2015 đầu tuần này tại Hà Nội rằng, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP, cho thấy khu vực tư nhân còn quá manh mún.
Hộ kinh doanh được định nghĩa là do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh, theo Điều 49 Nghị định số 43 năm 2010 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp.
(Theo SG times), tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét