Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Châu Âu "khát" gạo thơm Myanmar: Myanmar không như Việt Nam

Cập nhật lúc 09:37

(Thị trường) - Chúng ta đang có những bước đi sai và chậm khiến gạo Việt đang dần mất lợi thế khi Myanmar lại tiến thẳng vào thị trường EU.

GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Tư vấn Chương trình KC-06 của Bộ Khoa học Công nghệ đã bày tỏ quan điểm trước việc Liên đoàn Lúa gạo Myanmar (MRF) cho biết nước này đang nỗ lực phát triển diện tích lúa thơm để cung cấp cho thị trường EU.
Bước đi bài bản
Hiện Myanmar có hai loại gạo thơm là Lone Thwal Hmwe và Paw San. Trong số này Paw San được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Lúa gạo Thế giới diễn ra năm 2011 và giá xuất khẩu khoảng 900 USD/tấn.
Các quan chức của Liên đoàn Lúa gạo Myanmar (MRF) cho biết, nông dân địa phương sẽ cần phải sản xuất thêm một khối lượng lớn gạo thơm để cung cấp cho thị trường EU do tiêu thụ nội địa đã chiếm gần hết sản lượng hàng năṃ.
Theo MRF, Myanmar đang đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 200.000 tấn gạo sang EU trong năm nay so với 100.000 tấn hồi năm ngoái.
Khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Myanmar sang Trung Quốc, phần còn lại sẽ đến EU, Nhật Bản và các thị trường châu Phi.
Theo GS. TSKH Trần Duy Quý, thông tin này không quá bất ngờ bởi từ trước Myanmar đã có những bước đi rất bài bản.
"Không như Việt Nam, Myanmar thường xây dựng thị trường rất bài bản. Bước đầu họ giới thiệu mặt hàng, xây dựng thương hiệu. Khi khách hàng ăn quen và biết rõ chất lượng gạo của họ rồi, họ mới bắt đầu tung mạnh và tổ chức sản xuất", GS Quý nói.
Thêm nữa, họ có thế mạnh đất rộng gấp 4-5 lần của Việt Nam. Không những thế họ có loại gạo thơm rất ngon, năng suất thấp nhưng chất lượng cao.
"Từ bước đi bài bản cộng với những lợi thế vốn có thì gạo Myanmar chiếm lĩnh thị trường cũng không có gì là quá bất ngờ", GS Quý nhận định.
Cùng chung quan điểm này, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, cho biết, Myanmar có lượng đất đai phì nhiêu, khí hậu tốt, cộng với khâu quản lý giống rất tốt đã giúp cho họ có gạo xuất khẩu đạt chất lượng.
"Bước đi của Myanmar rất bài bản. Họ chú ý khâu làm thị trường và kế hoạch sản xuất nên không bị động trong việc chuẩn bị và cung ứng sản phẩm", GS Long nhìn nhận.
Chỉ thêm sự nghiêm khắc trong quản lý giống của Myanmar, GS Long cho biết: "riêng về lúa lai họ không cho Trung Quốc đưa giống lúa vào mà phải sản xuất tại Myanmar.
Ngược lại Việt Nam thì cho phép nhập thẳng giống vào nên có tình trạng người dân tự do trong việc lựa chọn giống lúa. Và cuối cùng là chúng ta có loại gạo phẩm cấp thấp với nhiều loại giống khác nhau", GS Trần Đình Long chỉ rõ.

Nếu không thay đổi, việc hạ giá gạo để cạnh tranh cũng không còn là lợi thế với gạo Việt Nam
Nếu không thay đổi, việc hạ giá gạo để cạnh tranh cũng không còn là lợi thế với gạo Việt Nam 
Phải làm lại
Cũng chỉ ra sự lộn xộn trong khâu làm giống, GS Quý cho biết, Việt Nam không làm theo quy hoạch, trong khi đó lại trồng quá nhiều giống khác nhau.
"Gạo xuất khẩu khi nhìn mắt thường có thể sẽ không phát hiện ra nhưng khi họ đưa vào máy phân tích mầu thì có bao nhiêu giống là lộ ra hết.
Khi đó một là gạo Việt sẽ bị đánh giá phẩm cấp thấp, hai là họ loại và đương nhiên là không thể nào ra điều kiện với đối tác khi gạo không đạt tiêu chuẩn yêu cầu', GS Trần Duy Quý chỉ rõ.
Riêng đối với giống lúa chất lượng cao, GS Quý cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Cụ thể như gạo Japonia hiện đã sản xuất thành công.
"Thế nhưng nếu chúng ta làm mà không theo quy hoạch với những bước đi bài bản thì cũng khó để nói chiếm lĩnh được thị trường. Chúng ta đang có những bước đi sai và chậm khiến gạo Việt đang dần mất lợi thế khi Myanmar lại tiến thẳng vào thị trường EU", GS Quý tiếc nuối.
Còn GS Trần Đình Long thì cho rằng,Việt Nam phải làm lại từ khâu giống đến việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
"Vai trò của doanh nghiệp lúc này rất quan trọng. Phải phối hợp với các nhà khoa học, người nông dân để có từng bước đi bài bản mới mong đưa gạo Việt chiếm lĩnh thị trường", GS Long nói.
GS Quý cũng nhìn nhận, nếu Việt Nam không thay đổi cách làm thì ngay cả việc hạ giá để cạnh tranh cũng không còn là lợi thế vì cách này Myanmar có nhiều điều kiện để thực hiện hơn do đất rộng và giá nhân công của họ rẻ.
"Không còn cách nào khác là phải đổi mới nếu không gạo Việt sẽ còn gặp cảnh chợ chiều giống như phiên đấu thầu với Philippines gần đây", GS Quý cảnh báo.
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét