Hà Tĩnh vượt quyền ưu đãi Formosa
Cập nhật lúc 10:01
Cho doanh nghiệp nước ngoài
thuê đất vượt cả thẩm quyền của Chính phủ, đấu thầu thiếu minh bạch, bồi
thường giải phóng mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật... là những sai phạm điển hình tại tỉnh Hà Tĩnh.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ
(TTCP) vừa công bố nêu rõ, dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện
thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa), do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp
Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư, đã được Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp
phép đầu tư với thời hạn 70 năm. Trong khi đó, điều 52 của luật Đầu tư quy
định thời hạn hoạt động của dự án nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt
động của dự án và không quá 50 năm. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ ra
quyết định về thời hạn dài hơn nhưng không được quá 70 năm.
Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm
thanh tra, TTCP cho biết Chính phủ chưa có ý kiến cho phép thời hạn hoạt động
của dự án trên 50 năm.
“Khu vực khá nhạy cảm”
Đáng chú ý, dự án FDI này nằm trong
khu vực khá nhạy cảm (cảng biển khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng) nên
cần phải được xác định rõ để tạo ra sự đồng thuận cũng như trong quá trình
triển khai và quản lý hoạt động dự án sau đầu tư.
Chưa hết, Ban Quản lý khu kinh tế Vũng
Áng còn áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cho Công ty Formosa được miễn tiền
thuê đất trong thời hạn 15 năm và chỉ thu tiền thuê đất trong thời hạn 55
năm. Trong hợp đồng ký năm 2009 giữa 2 bên thì Công ty Formosa được thuê hơn
33 triệu m2 đất, mặt
nước trên địa bàn 5 xã thuộc H.Kỳ Anh, với giá thuê đất là 80 đồng/m2/năm,
giá thuê mặt nước là 10 triệu đồng/km2/năm.
Theo TTCP, qua đối chiếu, so sánh tiền
thuê đất, mặt nước tính theo quy định về giá đất tại thời điểm bàn giao với
tiền thuê đất, mặt nước theo hợp đồng còn tính thiếu số tiền hơn 46 tỉ đồng. Tính
đến thời điểm kết thúc thanh tra, Công ty Formosa chưa kê khai và chưa nộp
khoản tiền 136,76 tỉ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với
việc khai thác cát từ biển dùng để san lấp mặt bằng xây dựng dự án.
Chi tiền bồi thường lấy
đất công cho cá nhân
Trong việc quản lý, sử dụng đất đai
tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, TTCP xác định đã có dấu hiệu buông
lỏng quản lý trong một thời gian dài, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khiếu
nại, tranh chấp, cá biệt đã có nơi phát sinh tranh chấp gay gắt, phức tạp. Đặc
biệt, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tại H.Kỳ Anh để
lấy đất cho dự án Formosa đã xảy ra “một số khuyết điểm lớn, gây thất thoát
cho nhà nước và tiềm ẩn khiếu kiện phức tạp”.
Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt dự toán
bồi thường hỗ trợ thực hiện dự án Formosa đối với hơn 90 ha đất được ghi là
“đất tranh chấp” với số tiền bồi thường là gần 33 tỉ đồng. Hội đồng giải
phóng mặt bằng đã chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân mà không kiểm tra làm
rõ việc tranh chấp (kiểm tra trên hồ sơ địa chính cho thấy các diện tích này
là đất công do UBND đang quản lý) biểu hiện sự thiếu minh bạch. Bên cạnh đó,
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng H.Kỳ
Anh thống kê, lập phương án bồi thường gần 42 ha đất công ích do UBND xã đang
quản lý cho các hộ gia đình, cá nhân với số tiền hơn 15,5 tỉ đồng. Theo TTCP,
việc bồi thường đất công ích trong trường hợp này là không đúng với luật Đất
đai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Chủ đầu tư chỉ định cổ
đông làm nhà thầu
Qua kiểm tra 1.120 gói thầu xây lắp tại 402
dự án cấp huyện, sở được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, TTCP phát hiện có tới
664 gói thầu (chiếm gần 60%) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện đấu
thầu hạn chế và chỉ định thầu sai với quy định luật Đấu thầu, luật Xây dựng.
Mặt khác, trong số 404 gói thầu được lựa
chọn hình thức đấu thầu hạn chế có tới hơn 60% chậm tiến độ và đã phải thực
hiện bù giá vật liệu nhân công với số tiền hơn 40 tỉ đồng. Trong 260 gói thầu
chỉ định có hơn 33% gói chậm tiến độ, phải thực hiện bù giá hơn 3,5 tỉ đồng. Ngoài
nguyên nhân khách quan, TTCP lưu ý nhiều nhà thầu có năng lực tài chính lẫn
tổ chức thi công rất yếu. Một số gói thầu do điều kiện địa chất thi công khó
khăn nhưng không được chỉ ra từ khâu khảo sát, lập phương án, phê duyệt kế
hoạch đấu thầu không sát thực tế. Việc chỉ định thầu và đấu thầu hạn chế
không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, tăng giá trị quyết toán mà còn gây lãng phí
cho ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, qua kiểm tra dự án đầu tư xây
dựng hệ thống cấp nước cho Khu công nghiệp Vũng Áng, TTCP phát hiện có hiện
tượng chỉ định thầu bất thường. Cụ thể, dự án này được UBND tỉnh giao cho
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vũng Áng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu
tư hơn 4.400 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1.200 tỉ đồng. Tuy
nhiên, UBND tỉnh chọn chủ đầu tư là đơn vị không có chuyên môn, chưa có kinh
nghiệm trong dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn. Mặc dù công trình có sử
dụng vốn ngân sách nhưng chủ đầu tư đã thực hiện chỉ định thầu (trong đó chỉ
định cả cổ đông của chủ đầu tư làm nhà thầu) trong khi chưa được Thủ tướng
cho phép, vi phạm luật Đấu thầu.
Theo
Thanh niên
|
Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét