Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

GS nghiên cứu 10 năm về gỗ mỡ: Làm gì phải vàng tâm!

Cập nhật lúc 07:47 

Đó là khẳng định của GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, người từng có đề tài nghiên cứu hơn 10 năm về cây này...

Vàng tâm nằm trong sách đỏ, lấy đâu ra nhiều như vậy!
Sau sự việc chặt cây xanh ở Hà Nội, những ngày qua, dư luận lại đang dấy lên cuộc tranh luận về “danh tính” của những cây xanh vừa được trồng thay thế cho những cây đã bị chặt.
Có người nói đó là cây vàng tâm, người nói cây mỡ, chỗ lại nói cây mỡ vàng tâm.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng GS.TS Lê Đình Khả (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, chuyên gia rất am tường về cây lâm nghiệp.
 GS.TS Lê Đình Khả, cây xanh, thay thế, Hà Nội, cây mỡ
GS.TS Lê Đình Khả.
Thưa giáo sư, ông đã xem thực tế cũng như hình ảnh chi tiết về những cây xanh vừa được trồng thay thế tại Hà Nội. Vậy đích thị đây là cây gì?
Căn cứ vào các đặc điểm sinh học như thân, lá, bố trí cành, tán, các mẫu hoa… thì tôi khẳng định đây là cây mỡ.
Tôi đã có nhiều đề tài nghiên cứu về cây mỡ hơn 10 năm, nên không lạ gì về cây này.
Xin ông cho biết những đặc điểm sinh học chính của cây này?
Mỡ là loại cây có lá xanh quanh năm, gỗ màu trắng xám, thịt mịn, tương đối tốt. Hoa trắng, không thơm, cánh hoa thịt nên rụng xuống hơi bẩn, quả hình nón.
Cây mọc tán quanh đơn trục chính, chỉ có 1 ngọn chính.
Theo các công trình nghiên cứu cho thấy, ở tuổi thứ 15, cây cao từ 10-15m; đến tuổi thứ 25 đường kính thân khoảng 25 đến 40 cm, cây cao từ 18 đến 25m.
Tán cây ở tuổi trưởng thành (từ 10-15 năm) tối đa khoảng 5-6m. Đây là cây 2 lá mầm nên bộ rễ gồm cả rễ cọc và rễ chùm.
Vậy nó có thích hợp để trồng làm cây cảnh quan đô thị không thưa ông?
Đây là cây lâm nghiệp bình thường, gỗ chỉ tương đối tốt, hiện nay đang được trồng làm rừng SX rất nhiều ở các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang…
Đây là cây lá xanh quanh năm, bộ rễ khá chắc chắn, tán khá rộng nên để trồng làm cây che bóng mát thì cũng có thể được.
Nhưng theo tôi nếu trồng làm cây cảnh quan đô thị có chăng cũng chỉ nên trồng ở một vài tuyến phố thôi, chứ trồng đại trà cả thành phố thì có vẻ không ổn.
Như đã nói, đây chỉ là cây lâm nghiệp dùng để trồng rừng SX nên tôi chưa thấy chỗ nào trồng làm cây cảnh quan trong đô thị cả, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy được trồng ở Hà Nội.
Đặc biệt, mỡ là cây lâm nghiệp có tốc độ sinh trưởng thuộc nhóm vừa chứ không phải nhanh, nên để có tán che bóng, tạo cảnh quan được ít nhất cũng phải 9-10 năm.
Như cỡ cây mà ông thấy đang được trồng thay thế ở Hà Nội, nó ước khoảng mấy tuổi, giá thành sản xuất thế nào?
Cỡ cây đang trồng ở Hà Nội, nếu trồng đất tốt thì tầm đã khoảng 5 năm tuổi, cao 5-7m gì đó, và đã tạo tán khá rộng.
Như đã nói, đây chỉ là cây lâm nghiệp bình thường, nên chắc chắn giá thành SX không cao, và giá trị kinh tế, nếu quy để làm gỗ, củi chắc cũng chỉ bình thường như bạch đàn thôi.
GS.TS Lê Đình Khả, cây xanh, thay thế, Hà Nội, cây mỡ 
GS.TS Lê Đình Khả khẳng định, cây trồng thay thế ở Hà Nội là cây mỡ, chưa thấy nơi nào trồng làm cảnh quan đô thị.
Có người nói đây là cây vàng tâm, người lại nói đây là cây mỡ vàng tâm, còn giáo sư khẳng định đây là cây mỡ?
Vàng tâm là cây gỗ rất quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, hiện có nguy cơ tuyệt chủng.
Về tên gọi, kể cả tên gọi khoa học và tên gọi tiếng Việt hiện nay giữa các tài liệu khoa học cũng có tên gọi khác nhau, chưa thống nhất.
Có số ít tài liệu nói tới cây mỡ vàng tâm. Tóm lại là cây vàng tâm hiện nay rất nhiều tài liệu không thống nhất, một phần bởi nó là cây quý hiếm, hiện chưa có ai nghiên cứu kỹ về cây này.
Trong Sách đỏ Việt Nam, vàng tâm thuộc họ Mộc lan (Magnoliaceae), cùng họ với mỡ.
Nhưng một đặc điểm khác nhau giữa mỡ và vàng tâm đó là lá của vàng tâm hơi vàng hơn, cây hơi nhỏ hơn, và đặc biệt lá và cành non của vàng tâm có lông tơ màu nâu, trong khi lá và cành cây mỡ (còn non) không có lông.
Vàng tâm theo tư liệu khoa học thì gỗ quý, có mùi thơm, không bị mối mọt… Vỏ, rễ, quả còn có nhiều tác dụng y học…
Vàng tâm chỉ mọc rải rác trong rừng nguyên sinh tại một số tỉnh miền núi của Việt Nam và Trung Quốc. Do đây là cây gỗ quý nên bản thân tôi cũng không nhớ là đã tiếp xúc với cây này bao giờ hay chưa.
Nhưng chắc chắn một điều, những cây đang trồng ở Hà Nội là cây mỡ. Và để có cây giống vàng tâm thật sự, với số lượng lớn như đang trồng ở Hà Nội thì chắc chắn không thể có.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Ông Vũ Văn Dũng, nguyên cán bộ Viện Điều tra Quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT) cũng khẳng định, sau khi xem thực địa các cây trồng thay thế tại đường Nguyễn Chí Thanh, ông khẳng định đây là cây mỡ.
Theo một số chuyên gia trong ngành lâm nghiệp cho biết, hiện nay gỗ mỡ trưởng thành, cỡ tương tự như đang trồng thay thế tại Hà Nội giá thành chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/cây, tương tự như các cây lâm nghiệp bình thường.
Theo một chủ vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại Hà Nội, giá mỗi cây giống mỡ hiện khá rẻ, chỉ khoảng 500-600 đ/cây.
Theo Nông nghiệp VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét