Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Mỹ bị “vạch trần” vì vội đỗ lỗi vụ MH17 cho Nga
Cập nhật lúc 20:51

 (VnMedia) - Liên quan đến thảm kịch rơi máy bay của hãng hàng không  Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine, cựu nghị sĩ bang Texas của Mỹ - ông Ron Paul đã lên tiếng cảnh báo Mỹ không được vội vàng đưa ra kết luận về thủ phạm gây ra vụ việc trên.
 Ảnh minh họa
Hiện trường vụ máy bay rơi
Đưa ra sự so sánh về mối liên quan giữa khả năng của một hệ thống tên lửa do Nga chế tạo và vụ tấn công nhằm vào chiếc máy bay chở khách Boeing 777 của Malaysia ở bầu trời khu vực Donetsk của Ukraine hôm 17/7 với việc lực lượng chiến binh Hồi giáo ở Iraq có trong tay vũ khí do Mỹ chế tạo, ông Paul đã chỉ ra rằng nguồn gốc của nơi sản xuất tên lửa phần lớn không có ý nghĩa gì mấy trong trường hợp này.

“Điều đó có thể đúng như thử đoán xem có chuyện gì khi Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIS) có trong tay rất nhiều vũ khí Mỹ. Chúng ta đưa vũ khí vào Syria để giúp phe nổi dậy và cuối cùng Al-Qaeda lại có được những vũ khí đó. Điều này không có nghĩa là chính phủ Mỹ của chúng ta hay Tổng thống Obama cố tình muốn ISIS có được vũ khí Mỹ”, chuyên gia Paul phân tích.

"Vì thế ai có vũ khí là một điều khác biệt hoàn toàn với việc họ có những vũ khí đó như thế nào và chuyện gì xảy ra hay động cơ của họ là gì. Do vậy, thậm chí nếu đó có là vũ khí của Nga thì điều này cũng không có ý nghĩa gì nhiều", ông Paul nhấn mạnh thêm.

Cựu nghị sĩ Mỹ thẳng thắn cho rằng, những đồn đoán rộ lên về sự dính líu trực tiếp của điện Kremlin, dù trực tiếp hay qua “những người được bảo trợ” dưới hình thức lực lượng ly khai ủng hộ Nga ở miền đông Ukraine, dường như đều là hành động của một cuộc chiến tuyên truyền.

Người ta đã nhanh chóng tung lên mạng những đoạn băng hình không được xác định và coi đó như là bằng chứng chứng tỏ sự liên quân của lực lượng ly khai miền đông Ukraine trong vụ rơi máy bay của Malaysia dù rằng hộp đen của máy bay vẫn còn chưa được tìm thấy và dù rằng vẫn còn rất nhiều câu hỏi, rất nhiều vấn đề chưa được trả lời, giải đáp và ngay cả khi mà các nhà điều tra vẫn còn chưa đến hiện trường vụ rơi máy bay.

"Trong những tình huống như thế, rất khó để có thể có được những thông tin thực sự chính xác. Vì thế, những dự đoán của mọi người giống như một cuộc chiến tuyên truyền để lập trường của họ được biết đến", ông Paul cho hay. Theo vị cựu nghị sĩ Mỹ, “sẽ là koong khôn ngoan để vội vàng đổ lỗi cho Nga hay cho chính phủ Ukraine hay cho lực lượng ly khai miền đông về vụ máy bay rơi”.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk đang là trung tâm của những đồn đoán ngập tràn trên báo chí phương Tây về việc nó là thủ phạm gây ra vụ rơi máy bay MH17. Loại tên lửa này đã được Liên Xô thiết kể và chế tạo từ những năm 1970 và chúng có mặt ở đất nước Ukraine kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Tên lửa Buk cũng được triển khai ở một số nước như Phần Lan, Gruzia, AzerbaijanBelarus.

Không chỉ có cựu nghị sĩ Mỹ Ron Paul lên tiếng, một chuyên gia khác của Viện Hòa bình và Thịnh vượng Ron Paul cũng tỏ ra hoài nghi về việc phương Tây vội vàng đổ lỗi cho Nga và lực lượng ly khai miền đông về vụ máy bay MH17 gặp nạn.

Theo ông McAdams – Giám đốc Viện Hòa bình và Thịnh vượng Ron Paul, người được lợi trong vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi là Kiev trong khi Moscow chẳng được lợi lộc gì từ thảm kịch đó.

"Rất khó để có thể hiểu được toàn bộ thông tin tuyên truyền về vụ máy bay nên tôi không thể nói được ai là lực lượng phải chịu trách nhiệm. Ai được lợi từ vụ việc đó? Kiev. Và Moscow không thể được lợi gì từ điều này”, ông McAdams phân tích về động cơ đằng sau vụ tấn công máy bay chở khách Boeing 777.

Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị rơi ở gần thành phố Torez thuộc khu vực Donetsk hôm 17/7, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Kiev, Mỹ và phương Tây nhanh chóng hướng mũi chỉ trích, đổ lỗi về phía Nga và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Tổng thống Obama còn tuyên bố chắc chắn rằng, máy bay MH17 bị bắn rơi bởi một quả tên lửa được phóng đi từ khu vực nằm trong quyền kiếm soát của lực lượng ly khai miền đông và rằng Nga là nước có liên quan.

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Kiev nên chịu trách nhiệm về thảm kịch rơi máy bay và rằng “tình hình diễn ra xung quanh thảm họa máy bay cần phải được điều tra một cách kỹ lưỡng, toàn diện và khách quan".

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã so sánh kết luận vội vã của Washington về nguyên nhân vụ rơi máy bay Boeing-777 của hãng hàng không Malaysia Airlines, chẳng khác gì với tuyên bố của Mỹ về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt cách đây nhiều năm.

Mỹ đã xâm lược Iraq năm 2003 dựa trên cái cớ chính quyền của cố Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và rằng vũ khí này đe dọa đến an ninh toàn cầu bất chấp việc các giám sát viên quốc tế khẳng định họ không tìm thấy bất kỳ dấu vết hay bằng chứng nào chứng tỏ có loại vũ khí như thế ở Iraq. Ông Hussein sau đó đã bị bắt với cáo buộc giết chết 148 người Iraq dòng Shiite năm 1982 và ông này đã bị xử tử bằng cách treo cổ năm 2006. Tuy nhiên, sau này, Mỹ đã phải thừa nhận, họ không hề phát hiện thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq. Mỹ đã rút quân khỏi chiến trường Iraq năm 2011.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cùng cộng đồng quốc tế đang kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế minh bạch, toàn diện và khách quan về vụ máy bay MH17 bị rơi trên bầu trời Ukraine.

Rõ ràng, việc vội vàng đổ lỗi cho bất kỳ bên nào về vụ máy bay MH17 rơi khi mà chưa có kết quả điều tra chính thức là điều thực sự không nên và điều đó rất dễ gây ra sự hoài nghi về động cơ thực sự đằng sau sự vội vàng đó.
(Theo VTCnews) Kiệt Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét