Vụ “Vay tín dụng
đen nộp tiền nông thôn mới” ở Quảng Bình
Cập nhật lúc 07:37
Hôm nay trung
ương sẽ cử nhóm công tác vào làm việc với tỉnh Quảng Bình.
Trước các thông tin liên quan đến hàng
loạt bất cập trong việc huy động người dân góp tiền xây dựng
nông thôn mới (NTM) ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) (Pháp Luật
TP.HCM ngày 25,
26, 28-7),
ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện là cố vấn
Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình Xây dựng NTM đã rất bức xúc và đau lòng. Theo
ông Hùng, những điều đó đã làm xấu đi tính thiết thực của một chủ trương đúng
đắn mà Đảng và Nhà nước đã đưa ra. Ông Hùng đề nghị Trung ương cần cử ngay
đoàn công tác trung ương về làm việc với tỉnh Quảng Bình để kiểm tra, xử lý
vụ việc.
Sao lại thu tiền người nghèo khó
Là một trong những người chấp bút cho quyết định của Thủ
tướng về chương trình NTM, ông cho rằng NTM là chương trình mà Nhà nước và
nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước hỗ trợ và huy động công sức đóng góp của
người dân cùng các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… “Tuy nhiên, huy động nguồn
lực từ nhân dân cũng không thể huy động một cách cạn kiệt như các trường hợp
mà báo nêu. Không thể để người dân cầm cố tài sản, vay mượn đóng góp. Đó cũng
là quan điểm đã được Thủ tướng đưa ra trong Chỉ thị 18 (ngày 15-7) vừa qua” -
ông Hùng cho hay.
Trước câu hỏi các địa phương có thể đang chịu áp lực về
chỉ tiêu NTM, ông Hùng cho rằng việc áp dụng chỉ tiêu để hoàn thành mục tiêu
xây dựng NTM là điều tốt nhưng không phải vì lấy cớ đó để ép người dân nộp
tiền, đặc biệt là hộ nghèo. Trong khi các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội
còn có những chính sách ủng hộ, quyên góp dành riêng cho hộ nghèo, hộ chính
sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau thì tại sao chính quyền lại đi
thu tiền đóng góp của họ?
Cháu Dương Văn Thiện, chín tuổi (thôn Tân Lỵ, xã Tân Thủy), bị bệnh
liên quan tới não do ảnh hưởng chất độc da cam nhưng thôn vẫn cào bằng bắt
nộp một suất như người thường. Ảnh: MINH QUÊ
Ông Hùng nói: “Tôi xin nhắc lại, xây dựng NTM dứt khoát
phải được sự đồng thuận của nhân dân, nếu không thì nhất quyết không làm. Tất
nhiên không thể nói là đồng thuận 100% bởi ở một vài địa phương có những đặc
thù riêng nhưng phải có sự chia sẻ với người dân, tránh tình trạng chia đều
bình quân bằng tiền và huy động sức dân không hợp lý”. Ông Hùng cho rằng cấp
ủy, chính quyền cần huy động thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức xã
hội. Đồng thời, các đoàn thể địa phương cũng như chính quyền phải nắm rõ được
các trường hợp khó khăn để có thể miễn, giảm công khai hoặc áp dụng biện pháp
hoán đổi tiền đóng góp bằng ngày công…
Truy trách nhiệm địa phương
Cũng theo ông Hùng, để xảy ra tình trạng trên là có trách
nhiệm của chính quyền địa phương, chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ
tướng. “Lãnh đạo các cấp phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh ngay. Cần thiết
phải trả lại tiền đóng góp mà người dân phải đi vay, cầm cố tài sản cho người
dân” - ông Hùng đề nghị.
Chiều 28-7, trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Minh Lộc,
Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cho
biết Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương đã soạn công văn gửi UBND tỉnh Quảng
Bình đề nghị địa phương báo cáo sự việc. Trong ngày hôm nay (29-7) sẽ có nhóm
công tác vào trực tiếp làm việc với Sở NN&PTNT cùng UBND tỉnh Quảng Bình
để chấn chỉnh.
Theo ông Lộc, sự việc mà báo chí phản ánh có thể không chỉ
diễn ra ở Quảng Bình mà còn ở nhiều địa phương khác. Trong các lần họp, Ban Chỉ
đạo Trung ương cũng đã quán triệt rất rõ mục tiêu và chủ trương trong công
tác thực hiện, tuy nhiên ở địa phương lại không tuân thủ. “Sự việc xảy ra ở
Quảng Bình là cảnh báo cho các tỉnh khác nếu như không thực hiện đúng chủ
trương chỉ đạo của Thủ tướng” - ông Lộc nói.
(Theo
Pháp luật TP HCM) TRÀ PHƯƠNG
|
Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét