Liệu đã hết
"cửa" cho nhà thầu "mượn đầu heo nấu cháo"?
Cập nhật lúc 13:47
Với nhiều điểm mới nổi bật, Nghị
định 63 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn
nhà thầu do Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về tính minh
bạch trong lựa chọn nhà thầu, loại bỏ nhà thầu không đủ thực lực, đặc biệt là
loại trừ tình trạng bỏ thầu giá thấp, gây nhức nhối nhiều năm qua tại các
công trình, dự án giao thông.
Ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản
lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã trả lời phỏng vấn Báo Giao
thông xung quanh vấn đề này.
Hoán đổi vị trí ưu tiên
Theo ông, Luật Đấu thầu mới và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (NĐ 63) có hiệu lực thi hành từ 15/8 có điểm gì khác biệt so với trước đây? Có một thực tế trong thời gian qua khi thực hiện các dự án xây lắp trong lĩnh vực giao thông là tình trạng nhiều nhà thầu ra sức tìm cách bỏ giá thầu thấp để thắng thầu, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại không đủ năng lực dẫn đến chậm tiến độ hoặc chất lượng công trình không bảo đảm. Tình trạng này đã tạo kẽ hở cho nhiều đơn vị dù không có năng lực thực sự về kỹ thuật lẫn tài chính nhưng vẫn tìm mọi cách tham gia đấu thầu giá thấp rồi lại “bán” dự án cho nhà thầu khác. Đây là hình thức đấu thầu vẫn hay được gọi là “mượn đầu heo nấu cháo”. Xuất phát từ thực tế này, tại Luật Đấu thầu mới, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, trong phần phương pháp đánh giá hồ sơ mời thầu đã có sự thay đổi cơ bản. Trước đây, khi đánh giá hồ sơ mời thầu căn cứ đầu tiên vào giá thầu rồi mới đến các điều kiện khác như: Năng lực, kỹ thuật, nhân lực… Tuy nhiên, tại Luật Đấu thầu mới đã có sự hoán đổi vị trí ưu tiên. Theo đó, tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật được xếp trên, trước khi xét đến tiêu chuẩn đánh giá về tài chính. Điều này được cho là một sự thay đổi có tính bước ngoặt nhằm khắc phục tình trạng nhà thầu được lựa chọn do chào giá thấp nhất nhưng không có năng lực, kinh nghiệm hoặc đề xuất về mặt kỹ thuật không đáp ứng bằng nhà thầu khác.
Ông nói tiêu
chuẩn về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật sẽ được ưu tiên. Vậy quy trình đánh
giá sẽ ra sao và làm thế nào chọn được nhà thầu có kỹ thuật, công nghệ, giá trúng
thầu lại rẻ nhất, thưa ông?
Luật Đấu thầu mới quy định việc mở thầu được tiến hành theo hai lần. Trong đó, túi hồ sơ đề xuất về mặt kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu để đánh giá rồi mới mở tiếp túi hồ sơ về tài chính của tất cả các nhà thầu. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ những nhà thầu nào đáp ứng được các tiêu chí về mặt kỹ thuật mới tiếp tục lọt vào vòng trong để cạnh tranh về mặt tài chính (giá thầu). Trước đây, tại các công trình, dự án giao thông thường bị chi phối bởi quy định nhà thầu nào có giá thấp hơn thì trúng thầu. Thực tế này khiến các cơ quan chức năng khi tổ chức đấu thầu dù biết các nhà thầu có năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu nhưng cũng không dám loại bỏ để chọn nhà thầu giá cao hơn nhưng đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là kẽ hở khiến cho việc lựa chọn nhà thầu gặp nhiều bất cập.
Những bất cập
trên đã tồn tại nhiều năm. Vậy tại sao đến nay quy định này mới được thay
đổi, thưa ông?
Các vấn đề liên quan đến công tác đấu thầu vốn phức tạp và nhạy cảm. Hơn nữa, để sửa đổi một quy định nào đó trong Luật phải có thời gian và đủ cơ sở thực tiễn. Trong quá trình thực hiện công tác đấu thầu các dự án giao thông, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT nhận thấy những điểm bất hợp lý này và đã nhiều lần đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan bổ sung, sửa đổi. Thực tế, trong nhiều năm qua, tình trạng các nhà thầu bỏ thầu giá thấp, trúng thầu bằng mọi giá diễn ra phổ biến, khiến nhiều doanh nghiệp giao thông lao đao. Kéo theo đó là tiến độ dự án bê trễ, chất lượng không được quan tâm đúng mức… Đó là cơ sở để ngành GTVT quyết tâm đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng sửa đổi Luật Đấu thầu và các Nghị định liên quan cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
Nhà thầu không thể “ép” giá ngược Nhiều người cho rằng, việc thương thảo hợp đồng với các nhà thầu sau khi trúng thầu chỉ mang tính hình thức. Ông có nhận định gì về ý kiến này? Trước đây, Luật Đấu thầu cũ quy định công bố nhà thầu trúng thầu xong mới tiến hành thương thảo hợp đồng. Điều này vô hình trung chỉ mang tính hình thức, vì đã công bố trúng thầu rồi thì thương thảo rất khó. Nhà thầu “cầm chắc” mình đã trúng thầu, đã có dự án trong tay nên thương thảo mãi họ cũng không giảm giá. Tuy nhiên, Luật mới đã thay đổi hoàn toàn điều này, khi quy định phải thương thảo xong mới công bố trúng thầu. Với quy định đó, giờ không có chuyện nhà thầu “ép” giá ngược trở lại chủ đầu tư, chỉ khi nhà thầu đưa giá về mức hợp lý mới công bố thắng thầu.
Ngoài vấn đề
trên, Luật Đấu thầu và NĐ63 còn có những điểm gì mới so với trước đây, thưa
ông?
Một trong những điểm mới căn bản nữa là Luật Đấu thầu và NĐ63 sẽ có những quy định cụ thể để tăng tính cạnh tranh công bằng.Trong đó, có việc quy định, doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ từ 30% trở lên sẽ không được tham gia đấu thầu các dự án do Bộ đó làm chủ đầu tư. Điều này càng cho thấy, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp xây lắp ngành GTVT là đúng đắn. Nếu không cổ phần hóa, chắc chắn các Cienco sẽ không được tham gia các dự án, công trình giao thông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp này đã hoàn tất cổ phần hóa và tới đây sẽ tiếp tục thoái vốn, thậm chí Nhà nước không nắm giữ vốn tại đây nữa. Ngoài ra, so với Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Đấu thầu lần này có nhiều điểm mới, từ nội dung các quy định đến phạm vi, đối tượng chịu sự điều chỉnh cũng tăng lên. Những hạn chế trong hoạt động đấu thầu sử dụng như: Tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu, chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu, vấn đề quản lý sau đấu thầu… cũng được quy định cụ thể.
Cảm ơn ông!
(Theo Giao
thông vận tải) Đ.Thắng - T.Mạnh thực hiện
|
Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét