4.000 tỷ “số hóa” SGK: Chỉ loay hoay
tìm cách tiêu tiền!
Cập nhật lúc 07:38
(Tin tức thời sự) -
Đề án dự kiến chi 4.000 tỷ đồng cho SGK điện tử của của Sở GDĐT TP HCM đang
vấp phải sự phản ứng của nhiều người vì quá lãng phí.
Báo Tuổi trẻ cho biết, Sở GDĐT TP Hồ
Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa
(SGK) điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM”. Theo đề án này,
bảng tương tác sẽ thay thế bảng đen truyền thống, giáo viên sử dụng phần mềm
để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát học sinh đang thao tác
gì trên máy. Lớp học được trang bị mạng WiFi.
Mỗi học sinh sẽ sử dụng một máy tính
bảng riêng, trong đó tích hợp toàn bộ bài học trong SGK. Tất cả thao tác như
giới thiệu bài học cùng hình ảnh, video minh họa, kiểm tra bài, chơi trò chơi
giáo dục, nhận xét về bài học, làm bài tập... đều được thao tác trên máy tính
bảng.
Đọc những bình luận của bạn đọc dưới
bài báo “4.000 tỉ đồng cho đề án sách giáo khoa điện tử” trên báo Tuổi trẻ
online, tôi thấy ấn tượng nhất với bình luận của một bạn đọc: “Rõ ràng "có
một bộ phận không nhỏ" những người chỉ tìm cách tiêu tiền của dân! 4.000
tỷ mà ăn nói cứ như chỉ có mấy tỷ thôi không bằng! Tiền bạc cứ như lá mít,
chỉ việc hái là có hay sao ấy!”.
Nghĩ mà thấy rầu cả lòng và nôn nao lo
lắng, nếu đề án này được thông qua thì sao? Một bầy trẻ nhỏ chỉ vừa mới rời
trường mẫu giáo sẽ không cần phải học tô từng con chữ, không phải ê a học
từng câu văn, câu thơ mà chỉ việc ngồi dùng ngón tay vuốt vuốt sờ sờ trên máy
tính bảng.
Một sự thay đổi hẳn về phương pháp giáo
dục. Không còn bảng đen, không còn giáo án, thầy và trò chỉ giao tiếp qua các
chương trình cài đặt trên máy với các đáp án có sẵn. Thế thì cần gì người
thầy nữa nhỉ?
Trong hội thảo, đại diện Sở Kế hoạch -
đầu tư TP.HCM hé lộ trong phần phát biểu của mình: “Theo nội dung đề án mà
chúng tôi nhận được, kinh phí sẽ từ 3.900-4.400 tỉ đồng, trong đó xã hội hóa
27-32%”. Như vậy nếu đề án được thông qua, sẽ có khoảng 3.000 tỷ đồng từ ngân
sách đội nón ra đi. Lại tiền thuế của dân cả đấy.
Càng ngẫm càng thấy e ngại. Đành rằng
việc đổi mới giáo dục để tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới là cần
thiết, nhưng làm thế này, áp dụng công nghệ thí điểm với những đứa bé non
nớt, rồi nói dại nếu cái sự thí điểm ấy không thành, thì cả một thế hệ sẽ đi
về đâu?
Còn nữa là chuyện tiền nong, trong thời
điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, phải chắt chiu từng đồng tiền ngân sách,
vậy mà đề án bàn chuyện mang 4.000 tỷ ra làm “thí điểm” cứ nhẹ như phủi bụi,
nhẹ như lông hồng. Thật là đáng nể.
Tôi không tin TP. Hồ Chí Minh đổ ra một
đống tiền để đầu tư cho hệ thống SGK điện tử thì sẽ có được những công dân ưu
tú, có trình độ. Vấn đề của giáo dục hiện nay không nằm ở chỗ SGK điện tử hay
SGK truyền thống mà là chúng ta dạy kiến thức gì cho trẻ. Cái chúng ta đang
thiếu là một triết lý giáo dục hài hòa, đề cao tính nhân văn và một hệ thống
các kiến thức tiệm cận với thực tế cuộc sống hiện đại.
Trong khi mải mê với những đề án nọ kia
tiêu tốn những con số hàng ngàn tỷ, thì chẳng ai phát hiện ra những cơ sở
giáo dục bạo hành trẻ ngay giữa thành phố, những đứa trẻ bị chết oan uổng ở
nhà trẻ tư vì thiếu trường công.
Nhìn một cách tổng thể, những vấn đề
của giáo dục hiện nay có thể ví von như một bàn cờ đang loạn thế, bệnh thành
tích giả dối đã ăn sâu vào xương tủy rồi phát ra thành trăm thứ bệnh. Không
loại trừ khả năng có những “bác sĩ” vô lương, nhân ca bệnh nặng để đục nước
béo cò, vẽ ra trăm ngàn phương thuốc, chỉ cốt để người bệnh phải tốn thật
nhiều tiền.
Thật sợ hãi khi mở báo ra hàng ngày là
đọc tin tức về những dự án nọ vài ngàn tỷ, đề án kia hàng trăm triệu đô,
nhiều đến mức choáng váng như trong cơn say tiền. Nhưng đi kèm với những núi
tiền khổng lồ đã ra đi ấy, chúng ta đang có được những gì? Chất lượng các
công trình nát bét, vừa đưa vào sử dụng đã hỏng, các đại án tham nhũng ngày
một nhiều lên.
Quay trở về với đề án thí điểm SGK điện
tử 4.000 tỷ đồng, những mong UBND TP Hồ Chí Minh cân nhắc thật kỹ trước khi
gật đầu. Tiền mồ hôi nước mắt của dân, tiêu pha thế nào để khỏi có tội với
dân.
Hãy nghĩ đến những đứa trẻ vùng cao
nhịn đói đi học, những đứa trẻ phải bắt chuột để ăn sau những bữa cơm độn ngô
triền miên muối trắng. Hãy nghĩ đến những trường lớp xiêu vẹo dột nát, những
lớp học thiếu SGK thầy trò phải truyền tay nhau.
Chỉ cần dành cho giáo dục một trái tim
nhân văn và những suy nghĩ tử tế, người ta sẽ biết cách phải làm gì để cải
cách nó, mà không cần phải nhắm đến những con số hàng ngàn tỷ kia.
(Theo Đất Việt)
Mi An
|
Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét