Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Cán bộ thuế, hải quan quá nhiều quyền

 Cập nhật lúc 15:04
                
TT - Đã một tuần kể từ ngày chuyên gia quốc tế được mời sang VN để thảo luận với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... nhằm tìm giải pháp giảm thời gian nộp thuế “khủng” 872 giờ/năm của VN. Liệu VN có thể rút ngắn trong thời gian sớm nhất?


Anh Phan Quốc Hữu Trí (thứ hai từ trái qua), P.5, Q.Tân Bình, TP.HCM, trao đổi cùng các nhân viên Cục Thuế TP.HCM về việc kê khai và hoàn tất các thủ tục về thuế thu nhập cá nhân - Ảnh: Thanh Đạm
 Trao đổi về kết quả, bà Nguyễn Minh Thảo - phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đơn vị tổ chức các cuộc thảo luận trên - nói:
- Tuần qua, chúng tôi đã mời chuyên gia nổi tiếng về phát triển môi trường kinh doanh, ông Olin McGill sang VN và làm việc trực tiếp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội VN... Nhiều cuộc thảo luận thẳng thắn, thậm chí gay gắt diễn ra, cho thấy được quyết tâm lớn của các cơ quan chức năng VN nhằm giảm thời gian nộp thuế, cải thiện chỉ số doing business (môi trường kinh doanh) mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hằng năm.
* Những thủ tục nào đã được bàn để cắt đi, bớt phiền hà cũng như để cải thiện được thứ hạng gần “đội sổ” trong thời gian nộp thuế của VN?
 
Bà Nguyễn Minh Thảo - Ảnh: Việt Dũng
"Việc liên thông giữa cơ quan thuế và hải quan, dù trong cùng ngành tài chính song doanh nghiệp vẫn kêu nhiều cái không liên thông khiến mất thêm nhiều thời gian đợi... "
- Chi tiết các thủ tục, biểu mẫu nào... phải cắt bỏ sẽ được công bố vào ngày 31-7, sau khi hoàn thành các cuộc làm việc. Tuy nhiên, đến giờ này, qua thảo luận đã thấy được nhiều chỗ VN có thể cải thiện mà nếu làm được, doanh nghiệp và người dân sẽ đỡ đi vô cùng nhiều.
Chẳng hạn việc kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hằng quý song Tổng cục Thuế đã cho thấy hướng doanh nghiệp có thể kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp một lần/năm và doanh nghiệp có thể chọn bất cứ thời điểm nào, tức là có thể nộp tháng 1 hoặc tháng 12, miễn là trong năm tài chính.
Như vậy, thay vì hằng tháng, hằng quý phải tốn thời gian làm báo cáo thuế, nay doanh nghiệp có thể chỉ cần làm một lần duy nhất. Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ giảm một số nội dung kê khai và nâng tỉ lệ kê khai, nộp thuế qua mạng. Điều này sẽ giúp giảm tiếp xúc giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp, từ đó giảm nguy cơ tiêu cực. Bản thân ngành thuế nhờ đó cũng có thể thu gọn được bộ máy tiếp nhận, xử lý tờ khai, tập trung vào việc kiểm tra.
* Nhiều loại tờ khai trùng, bắt kê khai đi kê khai lại nhiều thông tin liệu có được loại bỏ?
- Đúng là hiện nay có nhiều bản khai thuế phức tạp. Tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp phải khai nhiều thông tin trùng lặp. Chẳng hạn tên doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, trụ sở, rồi nhiều loại giấy tờ yêu cầu doanh nghiệp đóng dấu hoặc xác thực, công chứng... Nhiều loại giấy cơ quan này đòi, đến cơ quan khác cũng đòi.
Tổng cục Thuế đã thể hiện quyết tâm giảm thiểu các thông tin phải khai. Hay một điểm khác nữa là chữ ký số, ở VN hiện nay nhiều doanh nghiệp không có nên không kê khai, nộp thuế hay thực hiện thủ tục qua mạng. Chuyên gia Olin McGill cho rằng cần bỏ hẳn yêu cầu chữ ký số. Chúng ta cứ lo gian lận nên đề ra chữ ký số.
Nhưng nhiều nước không cần chữ ký số trong việc nộp thuế cũng chẳng sao cả. Mỗi doanh nghiệp có một mã doanh nghiệp, chỉ cần đánh password là họ đăng nhập hệ thống và kê khai trên mạng. Tại sao lại cần chữ ký số nữa trong khi đem thẻ rút tiền ngân hàng cũng chỉ cần đánh password là xong?
Hạ tầng thông tin hiện nay ở VN còn hạn chế, nhưng đây là một hướng đáng nghiên cứu. Nếu bỏ được tư duy quản lý dựa trên sự nghi ngờ, lo vi phạm rồi siết quá mức thì ta sẽ giảm được rất nhiều thủ tục.
* Một chỉ số cũng gần “đội sổ” của VN là “tiếp cận điện năng”. Liệu có giải pháp nào không?
* Lợi ích của VN liệu có thể được lượng hóa nếu cải thiện được chỉ số doing business?
- Ông Olin McGill đã gián tiếp nêu thiệt hại của VN là rất lớn bởi theo ông, nếu VN cải cách để đạt thứ hạng top 10 nước về thương mại qua biên giới thì VN có thể tạo thêm 3,5 triệu việc làm cho những người không có nhiều kỹ năng.
Ngoài ra, thời gian cần để xuất khẩu hàng hóa của VN đang là 21 ngày trong khi Malaysia cần 11 ngày, Thái Lan 14 ngày... Ông Olin McGill nêu mỗi ngày nhập hay xuất khẩu bị chậm trễ do thủ tục, VN có thể đã mất đi 1% kim ngạch xuất nhập khẩu. Và nếu VN giảm được số ngày cần để hoàn thành việc xuất khẩu từ 21 còn bảy ngày, giảm số ngày hoàn thành thủ tục nhập khẩu từ 21 còn sáu ngày thì GDP của VN sẽ tăng thêm gần 30% (tương đương khoảng 43 tỉ USD)!
- Để được cấp điện, doanh nghiệp ở VN cần thực hiện sáu thủ tục, với tổng thời gian lên tới 115 ngày. Vì quy định của VN yêu cầu muốn có điện, doanh nghiệp phải nộp đơn xin cấp điện và chờ 30 ngày. Sau đó có thể phải xin tiếp giấy phép đào đường đưa cáp điện vào, cần 15 ngày; xin chứng nhận của bên phòng cháy chữa cháy về thiết kế trạm biến áp phụ cần 30 ngày...
Tại nhiều quốc gia, khách hàng nộp đơn xin giấy phép xây dựng, đơn vị thụ lý phải có trách nhiệm xin cấp điện, nước cho công trình luôn. Ông Olin McGill nêu nếu tích hợp theo thông lệ thế giới trên, VN có thể bỏ được 30 ngày chờ duyệt giấy xin cấp điện. Rồi thủ tục yêu cầu phải xin phép đào đường để đưa cáp điện vào chân công trình, nếu tích hợp luôn vào giấy phép xây dựng, VN tiết kiệm được 15 ngày nữa.
Thủ tục xin xác nhận bên phòng cháy chữa cháy về thiết kế trạm biến điện phụ, nhiều nước không đòi, vì trong giấy phép xây dựng đã phải có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Nếu bỏ hoặc tích hợp, VN sẽ bỏ thêm được 30 ngày. Tóm lại, nếu theo chuẩn thế giới, VN có thể giảm ngay được 70 ngày và chỉ số tiếp cận điện năng của VN sẽ đạt thứ hạng 43, tăng trên 100 bậc...
* Qua việc thảo luận với các cơ quan, bà có thấy còn nhiều cản trở để thật sự giảm được số giờ nộp thuế của người dân?
- Tôi thấy trong buổi làm việc giữa các bên để hiểu cách làm của WB từ đó bàn cách giảm số giờ nộp thuế của VN xuống, các bên đã thể hiện rất quyết liệt trong tranh luận và quyết tâm giảm số giờ nộp thuế, cải thiện các chỉ số doing business. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định sẽ còn nhiều gian khó.
Đơn cử như đăng ký hoàn thuế của doanh nghiệp. Theo quy định, thời gian hoàn thuế là sáu ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, song tỉ lệ doanh nghiệp và người dân được hoàn thuế theo đúng quy định còn rất ít ỏi. Và vấn đề thế nào là hồ sơ hợp lệ, cán bộ thuế hoàn toàn có quyền yêu cầu bổ sung giấy tờ.
* Ngay cả khi chính sách cắt giảm thủ tục, giấy tờ xuống rất thấp nhưng để doanh nghiệp được hưởng sẽ vẫn còn khoảng cách?
- Đúng vậy. Để người dân, doanh nghiệp thật sự được hưởng cải cách còn phụ thuộc nhiều vấn đề. Như thủ tục hải quan, quy định là sẽ chỉ mất 20.000 đồng/lần lệ phí tờ khai, nhưng rất nhiều doanh nghiệp nói không thể chỉ mất số tiền như thế. Thực tế cán bộ thuế, hải quan vẫn rất nhiều quyền và có thể can thiệp nhiều khâu. Ngay nhiều quy định cơ quan chức năng phải hoàn thành thủ tục trong 15 ngày làm việc, nhưng họ không hoàn thành thì doanh nghiệp cũng chịu.
* Mục tiêu đã được nghị quyết Chính phủ nêu đến năm 2015 giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm. Qua quá trình thảo luận những ngày qua, theo bà, có khả thi?
- Thực tế khi chỉ còn khoảng một năm nữa mà giảm số giờ nộp thuế từ 872 giờ/năm xuống 171 giờ/năm là rất khó. Với quyết tâm của ngành thuế, của bảo hiểm xã hội, chắc chắn có rất nhiều thủ tục, giấy tờ sẽ được cắt giảm. Nhưng cá nhân tôi chưa thấy được khả năng thực tế để có thể giảm ngay thời gian nộp thuế xuống 171 giờ vào năm 2015. Sẽ cần quyết tâm, sửa quy định ở tầm cao hơn, như sửa luật, thay đổi cách vận hành của bộ máy, cả tư duy quản lý... để có thể sớm đạt được mục tiêu này.
(Theo Tuổi trẻ) CẦM VĂN KÌNH
Mòn mỏi chờ hoàn thuế
Sau bài “Hoàn thuế cần 24 chữ ký”, Tuổi Trẻ nhận được thêm nhiều phản ảnh của người nộp thuế xung quanh những khó khăn khi làm thủ tục thuế.
Ông Đ.N.Phúc, công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn quận 9, TP.HCM, cho biết vừa qua do có hai nguồn thu nhập nên ông phải tự đi quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để hoàn số thuế hơn 5 triệu đồng. Hồ sơ hoàn thuế được nộp tại phòng thuế TNCN, Cục Thuế TP.HCM từ đầu tháng 5 nhưng đến gần cuối tháng 7 ông Phúc vẫn chưa nhận được tiền hoàn thuế. Sốt ruột phần vì sợ hồ sơ trục trặc, ông gọi vào số điện thoại in trên biên nhận của cơ quan thuế nhiều lần nhưng không thể liên lạc được. “Ngày nào tôi cũng gọi, cứ 1-2 tiếng gọi một lần nhưng không ai nhấc máy” - ông Phúc bức xúc. Sau đó ông Phúc phải liên hệ bộ phận hành chính của Cục Thuế để xin số điện thoại khác nhưng cũng như lần trước, ông không thể nào liên lạc được. Cuối cùng ông phải liên lạc bộ phận hành chính của Cục Thuế một lần nữa để xin số lãnh đạo phòng thuế TNCN nhưng cũng rất khó khăn mới liên lạc được lãnh đạo phòng và được giải thích số điện thoại mà ông liên lạc trước đó đã không còn sử dụng. “Nếu số điện thoại không còn sử dụng nữa tại sao cơ quan thuế vẫn in vào biên nhận? Như vậy chẳng khác nào làm khó người nộp thuế!” - ông Phúc nói. Theo ông Phúc, lẽ ra theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính phải cho người nộp thuế một kênh thông tin để có thể liên lạc với cơ quan thuế, chứ đằng này chỉ biết nộp hồ sơ và chờ đợi, cũng không biết khi nào được hoàn thuế”.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Vừa qua Tuổi Trẻ cũng nhận được phản ảnh của văn phòng De Saga SA (một doanh nghiệp của Thụy Sĩ) tại TP.HCM. Theo quyết định của Sở Công thương TP.HCM, văn phòng chấm dứt hoạt động kể từ 20-1-2014 và trong vòng 60 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động, De Saga SA phải thanh toán xong các khoản nợ và nghĩa vụ khác với Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan. Theo đó, trưởng văn phòng đã ủy quyền cho luật sư để hoàn tất các thủ tục, hồ sơ đăng ký kê khai thuế. Từ tháng 3, luật sư đã gửi tờ khai quyết toán thuế TNCN của trưởng văn phòng kèm thư xác nhận, hộ chiếu, bảng kê số ngày cư trú tại VN, hợp đồng thuê nhà, giấy nộp tiền vào kho bạc gửi cho bộ phận thuế TNCN của Sở Công thương để nơi này chuyển cho cục thuế nhưng đến tháng 7 vẫn chưa nhận được hồi âm. Đại diện văn phòng cũng nhiều lần hỏi bộ phận thuế TNCN của Sở Công thương nhưng nơi này cho biết chưa nhận được phản hồi.
“Văn phòng đại diện chỉ có một nhân sự mà thủ tục thuế còn mất nhiều tháng như vậy, với văn phòng có đông nhân sự thì cần bao nhiêu thời gian để hoàn tất hồ sơ?” - vị đại diện này nói. Cũng theo vị đại diện này, sau khi thông qua báo chí phản ánh vấn đề trên, cơ quan thuế đã mời ông lên làm việc, yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ và cho biết sẽ có trả lời trong tuần này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Tuyết Hoa - trưởng phòng thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM - nói với trường hợp trưởng văn phòng đại diện De Saga SA là người không cư trú và chỉ làm ba tháng thì cơ quan thuế không yêu cầu phải quyết toán thuế, do vậy cơ quan thuế cũng không cần phải ra thông báo. Về câu hỏi vì sao cá nhân thuộc trường hợp không phải quyết toán nhưng cơ quan thuế không phản hồi cho cá nhân biết, bà Hoa cho rằng chỉ trường hợp doanh nghiệp có văn bản hỏi thì cơ quan thuế mới có văn bản trả lời. Ngoài ra, nếu người nộp thuế liên hệ trực tiếp thì cơ quan thuế sẽ có giải thích.
Về trường hợp của ông Phúc, bà Hoa thừa nhận bức xúc của ông Phúc là chính đáng. Bà Hoa cho biết theo phản ảnh của ông Phúc thì số điện thoại mà ông Phúc đã liên lạc nhiều lần không được là số từ lâu không còn dùng. Tuy nhiên, do thiếu sót cơ quan thuế vẫn in số điện thoại này trên biên nhận hồ sơ của người nộp thuế. “Cơ quan thuế sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề này, đồng thời nghiên cứu để từ năm sau sẽ phân loại hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận và cung cấp số điện thoại của phòng sẽ trực tiếp thụ lý hồ sơ để người nộp thuế tiện liên hệ hỏi thông tin” - bà Hoa nói.
A.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét