Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Ghi ơn anh hùng liệt sĩ trong Chiến tranh biên giới phía Bắc:

Cần lắm những tượng đài!

Cập nhật lúc 08:11

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) - nơi quy tập 1.708 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc – Nỗi buồn trống vắng!. Ảnh: Hải Nguyễn

Cuộc chiến tranh biên giới phía bắc đã qua 35 năm, nhà nước đã dành sự quan tâm và giải quyết chính sách đầy đủ cho các liệt sĩ, thân nhân của họ; nhưng đâu đó trong đời sống, trong sách giáo khoa chính thống vẫn còn những góc “bỏ ngỏ”. Đã đến lúc chúng ta phải công khai tôn vinh và tưởng nhớ những anh hùng trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc.

Khoảng trống thời hậu chiến
Nhà mẹ Nguyễn Thị Tài ở Tam Nông, Phú Thọ. Một bức tường gạch bình dị thấp lè tè dựng tạm bằng đá ong. Một căn phòng vài mét vuông kín mít như lô cốt. Bữa chúng tôi đến đúng vào ngày giỗ, mẹ già nay đã 84 tuổi lụi cụi vét kẽ hòm nhúm gạo đủ để nấu một bát cơm cúng. Mắt mẹ đăm đắm nhìn mắt con qua làn khói nhang lặng lẽ bên ban thờ. Một nén cho cha, bộ đội thời kháng chiến. Một nén cho con, liệt sĩ Hán Văn Chung, hy sinh tháng chạp 1984, biên giới phía bắc, đồi 509, Vị Xuyên, Hà Giang. Và một nén cho người con thứ, ít năm trước mất vì bệnh “điên”.
Một mình mãi cũng quen - lời mẹ. 5 đứa con thì một hy sinh. Hai tại ngũ. Một đứa “điên hiền” thì chết. Một đứa “điên ác” thì phải gửi đi trại T02. Gian buồng của người mẹ, chừng chục mét vuông, y như một cái lô cốt. Áo quần, chăn màn, đồ đạc chất kín một manh chiếu. Bếp củi ngày một lần lên khói, liền đó một sải tay. Và cả nhà WC nữa.
“Nó” - cái đứa điên ác, cái đứa thần kinh đập phá đó, nó ở nhà là bà phải rút vào đó, khóa trái cửa cố thủ. Nó có biết gì đâu! Bà cũng thế. Người dân công hỏa tuyến, tiếp vận, giã gạo... qua hai cuộc chiến tranh giờ cũng chả hiểu tại sao nỗi cô quạnh bất hạnh của mình. Đứa ngoan thì đứa đi lính, đứa hy sinh. Bà ở riết trong lô cốt mãi cũng quen, dù không gian tin hin tối tăm ngập khói đó không giúp bà bớt đi cảm giác cô quạnh của một người già giờ cô đơn.


 Người mẹ 84 tuổi của liệt sĩ Vị Xuyên - Hán Văn Chung.
Cuộc sống giờ trông cả vào khoản “triệu hai” tiền tử tuất liệt sĩ. Thêm “trăm rưỡi” tiền hỗ trợ người già. Trong khi tháng gửi hai triệu rưỡi nuôi em nó, cái thằng thần kinh đập phá đó, trên trại người điên. Thế mẹ lấy tiền đâu mà nuôi em nó? “Em đi xin. Em cũng chẳng biết nữa” - bà nói. Mấy người chúng tôi cứ day dứt mãi về ánh mắt người mẹ, dõi mãi vào khoảng trống trên tường, phía dưới tấm bằng tổ quốc ghi công liệt sĩ Hán Văn Chung. Mẹ không có di ảnh. Và dù mẹ không nói ra thành lời, nhưng chúng tôi cảm nhận được cái khoảng trống lớn trong lòng bà.
Các vấn đề của lịch sử phải được ghi lại
Đây chỉ là câu chuyện nhỏ về một khoảng trống lớn trong lòng những người mẹ đã mất những đứa con trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc mà chúng tôi từng chứng kiến. Hôm nay, có người nhắc rằng cuộc chiến biên giới đã ngót 30 năm, nhưng những khoảng trống hậu chiến vẫn chưa được lấp đầy. 

Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên.   Ảnh: Hải Nguyễn

Với tư cách người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước giải quyết các chính sách liên quan đến người có công, nhiều vấn đề nhân văn “hậu chiến tranh”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, thời gian qua vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, chúng ta không nói nhiều đến các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới. Gần đây, chúng ta đã cởi mở hơn về vấn đề này. Trên thực tế, những người từng tham gia chiến tranh biên giới luôn được quan tâm như chiến sĩ kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp; tất cả chính sách với người có công tham gia kháng chiến bảo vệ tổ quốc không phân biệt thời kỳ.
Về ý kiến cho rằng chúng ta nên có hành động cụ thể thiết thực hơn với những người có công với tổ quốc, ví như xây dựng tượng đài, đưa những sự kiện từng “bỏ ngỏ” vào sách giáo khoa,... bà Chuyền khẳng định: "Việc ghi lại lịch sử rất cần thiết, tuy nhiên cách ghi như thế nào, cách làm ra sao cần phải có cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trên thực tế, chúng ta đã dành sự quan tâm lớn xây dựng cho những điểm ghi công những người tham gia bảo vệ tổ quốc. Năm 2004, chúng ta xây dựng nghĩa trang rất lớn ở Hà Giang; mới đây Đơn vị 359 đề xuất xây bia ở điểm cao 1059 và chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét;... bộ xác định đây là việc cần làm và sẽ nghiên cứu nghiêm túc.
Đền ơn đáp nghĩa trở thành nét đẹp trong đời sống
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm thị Hải Chuyền, thời gian qua công tác đền ơn đáp nghĩa được nâng cao về chất lượng và thu hút sự quan tâm của xã hội nhờ nỗ lực xã hội hóa. Tiêu biểu là các phong trào: Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng;...
Năm 2013, cả nước đóng góp cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 1.500 tỉ đồng; xây mới trên 55.600 căn nhà tình nghĩa; sửa chữa hơn 39.000 nhà tình nghĩa. Cả nước có tới 96% số xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công. Các đơn vị tiêu biểu trong phong trào này là: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,... và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM,...Phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Đến nay, cả nước đã xác nhận 8,8 triệu người có công với cách mạng. Người có công đã được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ngoài ra, họ còn được chăm sóc sức khỏe (bảo hiểm y tế, điều dưỡng,...), cải thiện nhà ở, ưu đãi trong đào tạo nghề,... Chỉ tính riêng kinh phí chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp năm 2012 thì Nhà nước đã chi 25.640 tỉ đồng, năm 2013 là trên 29.000 tỉ đồng. Như vậy, so với chuẩn trợ cấp xã hội là 270.000 đồng thì mức chuẩn ưu đãi người có công là 1.220.000 đồng, cao gấp 5 lần.
Về nỗ lực tháo gỡ những khó khăn trong giải quyết chính sách, ngày 22.10.2013, liên bộ: LĐTBXH, Quốc phòng đã ban hành thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Theo đó, việc giải quyết đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh không cần căn cứ vào người làm chứng hay xác nhận của đơn vị cũ. Các trường hợp bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu nay có vết thương thực thể hoặc còn mảnh kim khí trong người đều được lập hồ sơ xem xét, giải quyết chế độ. Việc xét duyệt hồ sơ trên cơ sở bình xét dân chủ, công khai, có sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể.    Lê Phương (ghi)
(Theo Lao động) Đào Tuấn - Lê Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét