Lỗi hệ thống hay
hoàn thiện, tối ưu hóa hệ thống?
Cập nhật lúc 15:40
Chu Mộng Long – Có những điều ai cũng
biết, chỉ có những người cố tình giả vờ không biết. Có biết thì lại nói chung
chung, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nói, về sự “bôi trơn” hay “bầy sâu”
đã phá hoại xã hội tốt đẹp của ta ấy. Nói thẳng điều này ra, chắc chắn sẽ có
kẻ bắt bẻ hay ngụy biện: Bằng chứng đâu hay Không có bằng
chứng!!! Vì thế, tốt nhất, người ta không nói, tất nhiên là
không nói công khai vì sợ vạ.
Và một khi dân không dám “mở miệng” như Cụ Hồ từng khuyến
cáo về dân chủ, mọi thứ cứ thế trôi tuồn tuột, chuyện bất bình thường thành
bình thường.
Lần lữa mãi, tôi quyết định nói công khai chuyện này. Biết
đâu có kẻ sẽ nhảy dựng lên vì moi đúng trim đen của họ, nhưng đến lúc không
thể không nói. Không vì mục đích nào khác, chỉ mong đánh động lương tri của
những người còn có lương tri, nhức nhối về hiện tình của đất nước. Hãy cứu
giúp, ít nhất là những sinh viên nghèo học giỏi có được công ăn việc làm, khi
các em không thể chui vào con đường nào khác.
Cả vài tháng nay, một sinh viên giỏi của tôi ra trường hào
hứng cầm tấm bằng xuất sắc đi xin việc. Đến cửa nào cũng được đón tiếp theo
nghi thức… “đầu tiên”, như bao nhiêu sinh viên trước đó đã gặp phải. Gia đình
em nghèo khó, em chăm chỉ học hành để có được một chỗ kiếm cơm, tiền đâu để
em chạy cửa sau, trong khi có những sinh viên lười nhác, có tiền, có thân thế
lại ung dung đi thẳng vào cơ quan… Nhà nước.
Mà cái nghề của em là nghề dạy học, không vào cơ quan Nhà
nước thì đâm đầu vào đâu??? Dân lập hiện nay có được mấy trường???
Em nhắn tin vào FB của tôi: “Em phải làm gì bây giờ? Thầy
cho em lời khuyên!”.
Biết tâm hồn em trong veo như tờ giấy trắng, lại ngời ngời
lí tưởng do đoàn đảng trao cho, chẳng lẽ tôi lại khuyên em chấp nhận cúi luồn…
Em hỏi tiếp: “Nhiều người khuyên em phải chấp nhận xoay xở
để chạy cửa sau thôi, nếu không thì muôn đời em không có việc. Vậy thì lâu
nay em phấn đấu chăm chỉ học giỏi để làm gì? Nếu em xoay đến cả trăm triệu để
lo một chỗ dạy, em sẽ lấy đâu ra trả nợ?”
Tôi không dám trả lời. Tôi chỉ biết ngồi thừ ra và rưng
rưng nước mắt.
Chẳng lẽ tôi phải trả lời: Có chỗ dạy rồi, em sẽ xoay để
trả nợ bằng cách móc túi của phụ huynh học sinh???
Trên giảng đường, trong giờ thảo luận tri thức, sinh viên
hỏi nhiều, tôi trả lời thông suốt. Còn bây giờ thì… bí thật.
Tôi từng gặp một cựu sinh viên sau khi ra trường làm việc
ở cơ quan nội vụ một tỉnh vùng cao mời uống rượu, và khoe: “Thầy có mối nào
gửi lên em, em hậu chi cho thầy thoải mái”. Tôi muốn tạt li rượu vào mặt nó,
nhưng kiềm chế và hỏi: “Thầy gửi vô tư, tức không được lấy tiền. Có nhận
không?” Nó bảo: “Thầy tưởng người ta nhận em vào cơ quan này vô tư hả. Ít
nhất thầy cho em làm để trả nợ chứ?”
Thế là nhịn… nói, và ráng ngồi uống cho cạn li rượu đắng
với nó.
Một chuyện khác, tế nhị, bây giờ mới kể. Sau khi vị sếp cũ
đi tù vì chơi trò “loạn thu”, “lạm thu” để móc túi sinh viên, một năm “di
quan”, “hạ quan”, “thăng quan”, “đảo quan” náo loạn quan trường, một phó giáo
sư trước khi rời trường ngồi uống café chia tay với tôi đã trút tâm sự một
cách thật thà: “Mình phải ra đi, vì không thể sống nổi ở trường này”. Tôi
hỏi: “Sao thế? Năng lực như anh, tôi tin sếp mới sẽ trọng dụng”. Anh nói: “Lẽ
ra, tôi làm sếp trưởng kia chứ. Họ đã nhá quan cho tôi với cái giá 4 tỉ,
nhưng tôi đã không chơi trò đó. Tôi ở lại chỉ sinh đố kị, vì biết họ không
chỉ nhá cho riêng tôi mà cho đến 3, 4 người…” Tôi thốt lên: “Trời ạ, thầy
giáo như chúng ta lấy đâu ra 4 tỉ?” Anh nói: “Đấy là giá sàn, 3. 4 thằng cùng
chạy thì giá sẽ còn leo lên cao hơn. Nhưng họ cho trả góp”. Không biết lời nói
đó của anh có thật bao nhiêu phần trăm???
Không dám tin điều đó là có thật (vì không có bằng chứng),
nhưng cũng không thể tự ru ngủ mình là hoàn toàn không có! Mọi biện bạch giấu
diếm hoặc tự ru ngủ đều chỉ có thể hoặc vô cảm hoặc bất lương!
Ít ra lời nói của vị phó giáo kia cũng đã giúp cho tôi
hiểu được sự tình và “thông cảm” phần nào cho sếp cũ. Có nghĩa là trong một
nhiệm kì, khéo mà vơ vét, bốc hốt cho đủ trả nợ lẫn thu lãi. Và cũng hiểu
thêm, tại sao một năm sếp cũ phải chơi trò “loạn thu”, “lạm thu”, kể cả “di
quan”, “hạ quan”, “đảo quan”… liên tục. Là để có những cuộc chạy đua theo cái
giá phải trả, là để ông ta trả nợ lẫn thu lãi???
Các cụ lớn ở trên bảo đó là “lỗi hệ thống”. Trên rao bán
ghế, rao bán việc làm, dưới chạy đua mua ghế, mua việc làm. Khi mua được ghế,
mua được việc làm, người ta lại tiếp tục mua bán ở cấp thấp hơn. Và cuối
cùng, cấp thấp nhất là… móc túi dân nghèo!!!
Ngẫm kĩ, đó có phải là “lỗi hệ thống” không, hay là đang
vươn đến “hoàn thiện hệ thống”, “tối ưu hóa hệ thống” của những kẻ sâu mọt.
Chẳng phải cụ Tổng bí thư đã cay đắng dùng chữ “bôi trơn”, và Chủ tịch nước
xót xa dùng ẩn dụ “đàn sâu” cho cái hệ thống đấy sao??? Một hệ thống như vậy
cho nên nó cứ vận hành trôi tuồn tuột bao nhiêu năm không một chút trục trặc.
Cách đây vài mươi năm, có thể trong một hệ thống sạch có vài ba vụ bẩn bị
phát hiện và lôi ra xét xử, như cụ Hồ xử bắn tướng Trần Dụ Châu xưa kia vậy.
Đó mới gọi là “lỗi hệ thống” cần phải chữa. Còn bây giờ nó hoàn thiện đến
mức, không thể tìm đâu ra bằng chứng, vì trên dưới đồng lòng, và vì theo luật
định, đưa và nhận hối lộ ngang tội nhau, thách ai dám nói, dám tố. Đã thế
thì… đố ai gỡ mối tơ mành cho xong!!!
Câu chuyện này có lẽ cũng là câu trả lời cho em sinh viên
thân yêu của tôi, mặc dù, muốn hay không muốn, đời cũng đã vẽ lên trang giấy
trắng tâm hồn em những hình ảnh nguệch ngoạc. Nó là thế, em tự lựa chọn nhé,
hoặc nằm ngoài hệ thống hoặc chui vào hệ thống, hoặc kiên nhẫn chờ đợi dịp
may!
Thầy ở trong hệ thống ấy, cố gắng vùng vẫy thoát ra và
chừng như đang bị cô lập dần. May mà thời của thầy không phải chui luồn để
kiếm việc như các em bây giờ!
Thầy vẫn tin đời không bẩn cả. Năm rồi khoa ta đã tổ chức
thi tuyển dụng công khai và nhận cả 3 sinh viên giỏi mà không em nào mất một xu
chạy chọt. Thầy tự hào nói điều ấy với Hiệu trưởng và ông cũng tỏ ra rất vui.
Tiếc là năm nay không có chỉ tiêu và trường không có chỗ cho ngành giáo dục
tiểu học.
Cuối cùng, thầy biết, viết ra điều này, nhiều em sinh viên
đang học sẽ mất động lực học hành tử tế vì cảm thấy sự chăm chỉ, sáng tạo của
mình trở nên vô nghĩa. Và chính thầy, nhiều lúc đã thật sự chán đến muốn bỏ
dạy, vì những thứ tri thức dốc cạn ra cho các em rồi có nghĩa lí gì! May còn
chút an ủi, lòng dặn lòng rằng, cái nghĩa lí cuối cùng của đạo học là: học
để làm người!
Làm người khó đấy. Khó hơn cả xin việc, các em ạ!
Theo
blog chumonglong.wordpress.com
|
Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét